Báo cáo của Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ (NAR) vừa công bố, năm 2017 người Việt đứng thứ 6 trong top 10 nước hàng đầu có công dân mua nhà ở Mỹ, tăng lên 2 bậc, từ vị trí thứ 8.
Chiếm khoảng 2%, người Việt đã chi khoảng 3,06 tỉ USD để mua nhà tại Mỹ, con số này ngang ngửa với các nước như Đức hay Nhật Bản. Dẫn đầu danh sách đang là Trung Quốc, với 31,7 tỉ USD dành để mua nhà trong năm 2017, kế tiếp là Canada (19 tỉ USD), Anh (9,5 tỉ USD).
Năm 2012, doanh nhân Phạm Đình Nguyên, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế (IDS), trụ sở tại TP.HCM, trở thành người Việt Nam mua cả một thị trấn Buford (Mỹ). CTCP Liên Minh Nguyễn đã từng tiếp thị và phân phối độc quyền dự án khu căn hộ Saigon Villas ở Mỹ có giá 250.000 - 400.000 USD.
Không chỉ riêng mỹ mà các nước khác như Canada hay Úc cũng được người Việt quan tâm. Tại một số nước, thủ tục nhập cư không quá khắt khe, họ còn mời gọi người nước ngoài sang đây để định cư.
Giám đốc một công ty tư vấn bất động sản cho biết, nhu cầu mua nhà của người Việt tại nước ngoài tăng trong một vài năm gần đây và tập trung vào thị trường Mỹ, Úc vì giá cả tại đó còn tương đối rẻ so với năng lực tài chính của một bộ phận người Việt trong nước.
Người Việt sở hữu nhà ở nước ngoài tăng mạnh
Trước đó, Savills Việt Nam chào bán 155 căn hộ cao cấp tại Anh cho người Việt. Ngày càng có nhiều hãng tư vấn di trú quốc tế tham gia thị trường Việt Nam và hoạt động một cách tích cực để phục vụ các khách hàng tiềm năng.
Hàng loạt hội thảo đầu tư định cư, đầu tư nhận “thẻ xanh”, đầu tư thông minh vào các nước châu Mỹ, Caribbean và châu Âu,... được các công ty môi giới tổ chức liên tục từ Hà Nội đến TP.HCM và lan ra Đà Nẵng, Cần Thơ.
Mua nhà “chui”?
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) thừa nhận, một bộ phận người Việt Nam có khả năng tài chính rất tốt. Còn theo chia sẻ của đại diện Vietnam Sotheby’s International Realty, nhiều khách hàng trong nước quan tâm tới việc mua nhà ở nước ngoài sau các sự kiện giới thiệu một số sản phẩm bất động sản do công ty tổ chức.
Các quy định của pháp luật Việt Nam không cấm cá nhân người Việt Nam sở hữu bất động sản ở nước ngoài, nhưng các quy định của pháp luật Việt Nam siết chặt chuyển tiền mặt số lượng lớn ra nước ngoài cho các mục đích cá nhân. Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu người Việt bên đó đủ điều kiện mua nhà theo quy định Mỹ, thì chắc chắn nguồn tiền phải hợp pháp.
TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, rủi ro lớn nhất cho các cá nhân người Việt Nam là làm thế nào để chuyển tiền đầu tư vào Mỹ khi không có giấy phép đầu tư? Nhiều công ty tư vấn ở Việt Nam sau khi nhận phí môi giới thì xem như hết trách nhiệm, khách hàng có được cấp visa định cư vào Mỹ hay không là một câu chuyện khác.
Để mua được nhà ở Mỹ và chuyển tiền qua ngân hàng, công dân chỉ có cách đi đường vòng bằng xin giấy phép đầu tư, thành lập doanh nghiệp tại Mỹ, thậm chí bằng đường không chính thức.
Người Việt muốn mua nhà ở Mỹ sẽ rất khó vì phải có việc làm, thẻ thường trú, chứng minh thu nhập... Những khoản tiền lớn như 500.000 USD/suất đầu tư như chương trình EB-5 sẽ phải làm rõ nguồn gốc tiền, nếu không chứng minh được sẽ gặp rủi ro lớn về mặt pháp lý.
Đã có nhiều trường hợp khách hàng Việt Nam đặt cọc mua nhà, nhưng không thể thực hiện được các thủ tục khác dẫn đến việc mất trắng tiền đặt cọc. Vì vậy, các cá nhân không nên mạo hiểm với tài chính của mình.