Hình ảnh chụp Không quân Qatar vào năm 2017. Ảnh: AP
Từ thế lực mong manh...
Trong bài viết trên tạp chí Forbes, nhà phân tích Paul Iddon cho rằng, khi vòng kiềm tỏa kinh tế do Saudi Arabia dẫn đầu nhằm vào Qatar chấm dứt [có thể trong tương lai gần], quốc gia nhỏ bé này sẽ trỗi dậy với kho trang bị khí tài có quy mô lớn hơn và tinh vi hơn nhiều so với trước đây.
Cũng như nhiều nước láng giềng Vùng Vịnh, sự thịnh vượng của Qatar chủ yếu nhờ vào dầu mỏ. Trữ lượng dầu mỏ của Qatar là 15 tỷ thùng. Trong 50 năm, dầu mỏ đã biến Qatar từ đất nước ngư nghiệp nghèo trở thành "đại gia".
Các báo cáo gần đây cho biết, chiến dịch "tẩy chay" kéo dài 3 năm rưỡi đối với Qatar có thể sẽ được nới lỏng nếu các cuộc đàm phán diễn ra thành công.
Hôm 4/12, Ngoại trưởng Saudi – Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud thông báo đã có những "tiến triển đáng kể" trong các cuộc đàm phán cho tới nay và tiến trình tích cực này "có thể sẽ dẫn tới thỏa thuận cuối cùng có thể đạt được".
"Phần nào tôi lạc quan rằng chúng tôi đang tiến gần tới một thỏa thuận chung giữa tất cả các quốc gia trong vấn đề gây tranh cãi này" – Ông Faisal bin Farhan Al Saud nói.
Binh lính Qatar tham gia diễn tập cho một cuộc duyệt binh trong tháng 12/2020. Ảnh: Xinhua
Trước đó, vào tháng 6/2017, Saudi Arabia đã áp đặt một cuộc phong tỏa trên diện rộng nhằm vào quốc gia láng giềng Qatar, đưa ra một danh sách các yêu cầu đối với Doha. Nếu chấp nhận, Qatar chắc chắn sẽ trở thành một nước chư hầu đối với các quốc gia láng giềng vốn hùng mạnh hơn mình rất nhiều.
Nghiêm trọng hơn, theo ông Iddon, Saudi Arabia và đồng minh "có máu mặt" của họ - UAE – đã bí mật lên kế hoạch xâm lược Qatar để buộc nước này phải quy hàng. Chỉ khi đứng trước áp lực ngoại giao từ phía cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Riyadh và Abu Dhabi mới chịu từ bỏ kế hoạch đó.
Nếu họ triển khai kế hoạch tấn công, quân đội nhỏ bé của Qatar có lẽ sẽ không trụ được lâu. Vào thời điểm đó, không quân Qatar chỉ có 12 tiêm kích Mirage-2000 do tập đoàn Dassault của Pháp sản xuất, cùng với đó là 6 máy bay tấn công/huấn luyện hạng nhẹ Alpha.
Một lực lượng không quân với quy mô như vậy sẽ không có cơ hội chiến thắng trước những phi đoàn F-15 và F-16 tiên tiến của Saudi hay UAE.
Tương tự, trên bộ, đội quân với chỉ 30 xe tăng AMX-30 [Pháp sản xuất] đã già cỗi của Doha chắc chắn sẽ bị vượt trội về hỏa lực khi đứng trước các xe tăng M1 Abrams và Leclerc hiện đại của Saudi.
Doha có thể huy động tối đa vài nghìn binh lính trong thời gian ngắn nhưng họ sẽ chiến đấu trong nỗ lực kháng cự vô ích. Với sự vượt trội hơn hẳn về lực lượng từ phía các quốc gia láng giềng, Qatar sẽ sớm phải hứng chịu thất bại quân sự tương tự như Kuwait khi Iraq xâm lược và thôn tính nước này vào tháng 8/1990.
... Tới sức mạnh không ngờ
Tuy nhiên, trên thực tế, các đối thủ nặng ký ở vùng Vịnh đã quyết định "bóp nghẹt" Qatar thông qua cuộc tẩy chay kinh tế sâu rộng, với mục tiêu ép Doha nhượng bộ. Rất tiếc, theo ông Iddon, những nỗ lực đó đã thất bại.
Gần như ngay lập tức sau khi cuộc phong tỏa bắt đầu, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã mang lại cho Qatar một huyết mạch kinh tế khác, giúp nước này lách lệnh cấm vận. Ankara cũng tăng cường hiện diện quân sự tại Qatar.
Về mặt kinh tế, quốc gia nhỏ bé đã có thể chịu đựng tác động của cuộc phong tỏa khắc nghiệt một cách dẻo dai hơn nhiều so với những gì người ta kỳ vọng trước đây.
Doha cũng đạt được những bước tiến trong việc hiện đại hóa quân đội, tới mức độ mà họ có thể "trỗi dậy" với một kho vũ khí quân sự quy mô lớn và tiên tiến.
Qatar gần đây đã chứng minh tốc độ phát triển của quân đội mình thông qua các màn trình diễn "voi đi bộ" với máy bay chiến đấu thế hệ 4++ Dassault Rafale, máy bay vận tải C-17, C-130 và trực thăng AH-64 Apache.
Các tiêm kích Rafale của Qatar. Ảnh: Getty
Tuy nhiên, sự phô trương lực lượng và những thành phần đáng gờm đó chỉ là minh chứng ban đầu cho thấy số lượng lớn máy bay quân sự tiên tiến sẽ sớm được Qatar đưa vào trang bị theo cấp số nhân.
Các đơn đặt hàng máy bay chiến đấu tiên tiến của Doha sẽ làm thay đổi đáng kể cán cân sức mạnh không quân trên vịnh Ba Tư, và thậm chí có thể gây ra những thách thức đối với các lực lượng không quân hùng mạnh của Saudi Arabia và UAE nếu căng thẳng bùng phát trở lại.
Sắp tới, Qatar sẽ tiếp nhận 36 chiến đấu cơ F-15QA – biến thể tiên tiến nhất của dòng máy bay phản lực đáng gờm từng được chế tạo. Tương tự như bản F-15SA của Saudi, F-15AQ sẽ có khả năng mang tới 12 tên lửa không-đối-không tầm xa AIM-120.
Ngoài ra, như màn trình diễn "voi đi bộ" đã cho thấy, Doha cũng bắt đầu tiếp nhận 36 tiêm kích Rafale từ Pháp. Theo hợp đồng, nước này còn có thể đặt mua thêm 36 chiếc nữa nếu muốn.
Như thể 72 chiếc máy bay chiến đấu tiên tiến này vẫn là chưa đủ, Qatar đã đặt mua thêm 24 tiêm kích Eurofighter Typhoon trị giá gần 8 tỷ USD từ Anh. Do đó, trong tương lai, Doha sẽ sớm sở hữu 96 máy bay chiến đấu thế hệ 4.5 tiên tiến.
Trên bộ, lực lượng tăng-thiết giáp của Qatar không còn phụ thuộc vào các xe tăng AMX-30 cũ kỹ, mà đang được tăng cường đáng kể bằng 62 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A7+ mà Qatar đặt mua từ Đức vào năm 2013.
Phiên bản 2A7+ được thiết kế để tác chiến trong môi trường đô thị, do đó chúng rất thích hợp để bảo vệ thủ đô Qatar trước bất cứ cuộc tấn công tiềm tàng nào từ trên bộ.
Mặc dù tất cả các thương vụ mua sắm này chắc chắn sẽ giúp Qatar tăng cường và củng cố quân đội của mình nhưng nước này có thể sẽ thấy khá khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực có kỹ năng cần thiết để duy trì và vận hành toàn bộ số khí tài này.
Qatar đã áp dụng luật bắt buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với nam thanh niên vào năm 2013, nhưng dân số bản địa của Qatar chưa đến 400.000 người. Điều đó có nghĩa Doha sẽ phải phụ thuộc đáng kể vào các nhà thầu, kỹ thuật viên nước ngoài có tay nghề cao hơn, và thậm chí là cả phi công nước ngoài để tận dụng tối đa các trang bị đã mua sắm.
Ông Iddon nhận định, là quốc gia giàu có nhất trên thế giới, Doha chắc chắn có đủ khả năng để thực hiện điều đó. Tuy nhiên, bộ máy tổ chức quân đội sẽ đáng tin cậy hơn nếu do chính các công dân của họ điều hành.