Đổ cả "núi tiền" vào chơi V.League, đại gia tháo chạy khiến toàn đội "bơ vơ"

Đoàn Dự |

Trong những ông bầu bạo chi nhất lịch sử V.League, người ta sẽ không thể loại ra cái tên Nguyễn Vĩnh Thọ, đại gia một thời "thét ra lửa" ở CLB Navibank Sài Gòn.

ĐẠI GIA VUNG HƠN CHỤC TRIỆU USD VÀO 3 NĂM DẠO CHƠI VỚI BÓNG ĐÁ VIỆT

Những ai quan tâm đến bóng đá Việt Nam, hẳn lúc này vẫn chưa quên ông bầu mang tên Nguyễn Vĩnh Thọ. Ngay từ ngày đầu "chơi" bóng đá, đại gia này đã tạo nên một cú sốc lớn, khi chi ra tới 15 tỷ đồng để mang Quân khu 4 vào TP HCM thi đấu tại V.League 2010.

Trong giai đoạn 2010 - 2012, CLB được đổi tên sang Navibank Sài Gòn này là một hiện tượng chịu chơi bậc nhất giải đấu. Ngay năm 2010, bầu Thọ đã chi hơn 80 tỷ đồng để thuê Trung tâm huấn luyện Công an quận 5 hòng có cơ sở vật chất tốt cho toàn đội rèn luyện.

Ông cũng tăng chế độ lương thưởng cho cả đội lên mức cao bậc nhất V.League và dĩ nhiên, ngân quỹ phình to lên trông thấy.

Ở mùa giải thứ 2 chơi V.League, bầu Thọ còn thực hiện hàng loạt những thương vụ "bom tấn", như chiêu mộ Quang Hải (9 tỷ đồng), Tài Em (7 tỷ), Duy Khanh, Được Em (12 tỷ)...

Sau này, khi nhìn lại thời gian "chơi" bóng đá của mình, bầu Thọ mới thống kê một con số, rằng ông đã chi gần 300 tỷ đồng (gần 15 triệu USD) cho 3 năm phiêu lưu tại V.League...

Đổ cả núi tiền vào chơi V.League, đại gia tháo chạy khiến toàn đội bơ vơ - Ảnh 1.

Bầu Thọ (Ảnh: An Nhơn)

Ý ĐỊNH CHIÊU MỘ HUYỀN THOẠI HÀ LAN & ITALIA

Có rất nhiều thương vụ chiêu mộ "bom tấn" nội, bầu Thọ còn định thực hiện 2 thương vụ quốc tế khác mà nếu thành công, có lẽ V.League đã nổi đình nổi đám trên các mặt báo quốc tế. Cụ thể, vào cuối năm 2009, ông đã có ý định mang về 2 huyền thoại của bóng đá thế giới, siêu tiền đạo Patrick Kluivert (Hà Lan) và Christian Vieri (Italia).

Trên thực tế, Patrick Kluivert đã không thi đấu từ năm 2008, còn Christian Vieri cũng giải nghệ cuối mùa 2008/2009, nhưng để thuyết phục được họ về V.League "đá dưỡng lão" cũng sẽ là điều cực kì hoành tráng.

"Hiện tại có một nhà môi giới gửi đến cho đội bóng 1 danh sách dài những cầu thủ có thể chiêu mộ. Trong đó đáng chú ý nhất là Kluivert và Vieri, tuy nhiên đây không phải là vấn đề đơn giản bởi theo tìm hiểu của chúng tôi cả hai cầu thủ này đều có tiền sử chấn thương, và hẳn nhiên SIG (Sài Gòn Invert Group, tổ chức có gồm Navi bank) không có ý định đánh bóng thương hiệu của mình giống như XM.HP làm với Delnilson" - Ông Đặng Nhựt, Phó chủ tịch SIG và ông Nguyễn Vĩnh Thọ, Chủ tịch Navi bank chia sẻ vào thời điểm ấy.

"Mục tiêu của Navi bank trong thương vụ này vẫn đơn thuần về chuyên môn là chủ yếu, và vì thế chúng tôi chọn Kluivert chứ không phải là "Bò mộng" Vieri, bởi tiền đạo người Hà Lan trẻ hơn 3 tuổi so với chân sút người Italia" - TGĐ Navi bank Lê Quang Trí tiếp.

Navi bank Sài Gòn khi đó đã kiểm tra rất kĩ lưỡng các vấn đề liên quan tới Patrick Kluivert, như sức khỏe, phong độ, yêu cầu về lương, phí chuyển nhượng. Và đáng tiếc là các yêu cầu của đối tác lại quá cao, không phù hợp với bóng đá Việt Nam.

"Đó không phải lời nói khoa trương mà là kế hoạch thật sự của tôi. Muốn lôi kéo khán giả tới sân, các đội bóng cần có vài cái tên “hot”, tầm cỡ thế giới. Sở hữu được họ, CLB được đánh bóng thương hiệu rất nhanh. Chúng tôi muốn những tên tuổi chất lượng, nhưng không chỉ qua V-League để du lịch, mà chơi bóng bằng kỹ thuật và đẳng cấp của họ.

Tuy nhiên, có rất nhiều sự phức tạp mà bản thân tôi khi ngồi vào bàn đàm phán mới phát hiện. Thứ nhất, sự yêu sách và đòi hỏi về giá quá lớn từ phía người đại diện cầu thủ. Ngay việc đàm phán chi tiết từ chuyện di chuyển, ăn ở, chế độ... cũng rất phức tạp.

Do đó, tôi tạm thời hoãn kế hoạch này, bởi mang ngoại binh “xịn” mà không phù hợp lối chơi, điều kiện BĐVN, bản hợp đồng ấy cũng không khác gì thất bại" - bầu Thọ sau này chia sẻ trên Thể thao Văn hóa.

Đổ cả núi tiền vào chơi V.League, đại gia tháo chạy khiến toàn đội bơ vơ - Ảnh 2.

Bầu Thọ đầu tư rất nhiều vào Navibank Sài Gòn.

Một điều đặc biệt là người môi giới tới Việt Nam "chào hàng" bầu Thọ mang tên Jorge Mendes - chính là siêu cò đại diện cho ngôi sao Cris Ronaldo...

Bầu Thọ muốn xây học viện bóng đá nhưng... bất thành

Chia sẻ về việc mãi chưa thể xây Học viện bóng đá, bầu Thọ nói trên Thể thao Văn hóa:

"Phụ thuộc vào mặt bằng. Các quyết định xin đất từ UBND thành phố vẫn chưa ổn thỏa. Lô đất thành phố giải tỏa rộng 60 ha để xây chung cư và các đặc khu văn phòng cao tầng, chúng tôi xin nhận 1/3 diện tích để bắt tay xây học viện. Trình tự xin đất phải qua quá nhiều thủ tục hành chính phức tạp, sau khi được chấp thuận, tự tay tôi cũng đền bù giá đất cho các hộ dân ở đây... Mất thời gian nhiều quá".

MÀN THÁO CHẠY KHIẾN CẢ ĐỘI "BƠ VƠ"

Bầu Thọ đầu tư 300 tỷ đồng vào Navibank Sài Gòn và kết quả của họ tại V.League như thế nào? Mùa 2010, CLB này đứng hạng 13/14, phải chơi play-off để trụ hạng. Mùa 2011, họ chơi tốt hơn nhưng cũng chỉ cán đích ở vị trí thứ 8/14. Đến mùa 2012, họ cũng chỉ nhích lên được thêm 1 hạng, là thứ 7/14.

Thất vọng vì đầu tư số tiền quá lớn nhưng thành tích và những gì thu về không như kì vọng, bầu Thọ "bỏ của chạy lấy người" bằng cách "mất tích" trong gần như cả tháng 9/2012. Tất cả mọi người khi liên lạc với ông thời điểm ấy qua điện thoại, đều chỉ nhận được thông báo "thuê bao...". Màn tháo chạy của bầu Thọ khiến cả đội Navibank Sài Gòn hoang mang, vì nhiều tháng lương và thưởng của cầu thủ chưa hề được thanh toán.

"Truyền thông có làm mạnh thì may ra bầu Thọ mới hết cảnh mất tích hoặc VFF có phương án nào đó để giúp đỡ anh em cầu thủ" - một cầu thủ của đội khi đó kêu cứu.

Lương, thưởng bị thiếu, tương lai CLB không rõ khiến từ HLV đến các cầu thủ đều vô cùng hoang mang. Nhưng những ai có ý định tháo chạy thì đều nhận phản hồi từ CLB rằng "ai đi cứ đi, miễn là đền bù hợp đồng đầy đủ"...

Đổ cả núi tiền vào chơi V.League, đại gia tháo chạy khiến toàn đội bơ vơ - Ảnh 4.

Thủ môn Santos vừa ký hợp đồng với Navibank Sài Gòn nhưng sau đó, anh là một trong những người đầu tiên tháo chạy (Ảnh: An Nhơn).

Rồi đến đầu tháng Mười, cuối cùng bầu Thọ cũng đưa ra động thái về CLB nhưng theo cách mà không ai ở CLB Navibank Sài Gòn mong muốn. Cụ thể, bầu Thọ đã gửi một bức "tâm thư" đến LĐBĐ TP.HCM. Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM khi đó, ông Trần Anh Tú, chia sẻ rằng trong thư, bầu Thọ tâm sự Navibank không đủ tài chính để tiếp tục nuôi CLB, nên muốn trả về cho LĐBD TP.HCM.

Trước đó, Navibank thực ra đã muốn chuyển giao CLB cho đội hạng nhất Bình Định, nhưng đội này cũng không dám nhận vì tài chính không đủ. Sau đó, Navibank liên hệ với Đồng Tháp, CLB vừa xuống hạng Nhất.

Đồng Tháp dĩ nhiên muốn được trụ lại V.League nhưng không thể ôm cả suất đá lẫn toàn bộ CLB Navibank Sài Gòn nên đưa ra đề nghị đầu tư 50-50. Cửa này cũng không ổn nên cuối cùng, Navibank quyết định trả đội lại cho TP.HCM.

"Thông tin Navibank Sài Gòn bị chuyển giao đối với chúng tôi giờ trở nên bình thường. Quan trọng với chúng tôi lúc này là tiền lương, thưởng và ngày CLB tập trung trở lại. Nếu đội bóng có giải tán, lãnh đạo phải sớm thông báo để chúng tôi tìm nơi khác", thủ quân Tài Em chia sẻ trên VNEpress.

Đổ cả núi tiền vào chơi V.League, đại gia tháo chạy khiến toàn đội bơ vơ - Ảnh 5.

Các cầu thủ Navibank Sài Gòn hội ý giữa giờ họp với Công ty Xuân Thủy về vấn đề trả lương, thưởng còn thiếu (Ảnh: S.H)

Sau đó, LĐBĐ TP.HCM đứng giữa, hỗ trợ bầu Thọ bán được Navibank Sài Gòn cho Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Xuân Thủy (Ninh Bình) với giá 21 tỷ đồng. Công ty này cũng đứng ra trả số lương 3 tháng mà đội bóng còn nợ cầu thủ cũng như các khoản thưởng còn thiếu. Tuy nhiên, sau khi thanh toán xong các khoản này thì vào ngày 28/10/2012, CLB Navibank Sài Gòn cũng chính thức bị xóa xổ.

Suất chơi V.League của họ được nhường cho Hải Phòng, CLB đã bị xuống hạng cuối mùa 2012. Về phần các CLB, mỗi người lại phải tìm một bến đỗ mới khác nhau để tiếp tục kiếm miếng cơm, manh áo và theo đuổi đam mê.

Bài viết nằm trong tuyến SỬ THI BÓNG ĐÁ VIỆT, xem thêm tại đây!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại