Ngày 12/10, Toà án Nhân dân tỉnh Gia Lai có quyết định mở thủ tục phá sản với CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Mã: DLG) sau khi xem xét đơn yêu cầu của Công ty Cổ phần Lilama 45.3 (tỉnh Quảng Ngãi). Nguyên nhân do doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Theo quyết định, trong 30 ngày từ 9/10/2023, chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ (kèm theo các tài liệu chứng minh về các khoản nợ) cho quản tài viên hoặc cho thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản là ông Lê Đình Nam.
Giấy đòi nợ thể hiện rõ các thông tin bắt buộc là: tổng số nợ phải trả, gồm khoản nợ, số nợ đến hạn và khoản tiền lãi đến hạn nhưng chưa thanh toán, số nợ chưa đến hạn, số nợ có bảo đảm và phương thức bảo đảm, số nợ không có bảo đảm mà Tập đoàn Đức Long Gia Lai phải trả, khoản tiền bồi thường theo hợp đồng (nếu có).
Hết thời hạn 30 ngày, Tòa án căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ phá sản để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Trước đó, cuối tháng 7/2023, Công ty Cổ phần Lilama 45.3 có đơn gửi Tòa án Nhân dân Gia Lai yêu cầu mở thủ tục phá sản với Cty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai vì không đòi được khoản nợ 20 tỷ.
Phía Đức Long Gia Lai sau đó đã giải trình đối với yêu cầu của Lilama 45.3 về việc mở thủ tục phá sản. Theo đó, DLG cho biết, công ty gặp phải khó khăn tài chính tạm thời do bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 từ năm 2020-2023, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng do xung đột Nga - Ukraine căng thẳng kéo dài chưa đến hồi kết.
Công ty cũng khẳng định không bị mất khả năng thanh toán và có tổng tài sản gần 6.000 tỷ đồng. Nguồn tài chính đủ khả năng trả nợ cho các đối tác, khách hàng, ngân hàng từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như công nợ phải thu từ các đối tác.
Cũng theo DLG, khoản nợ của Lilama là rất nhỏ, chỉ chiếm chưa đến 0,3% tổng tài sản của công ty (khoảng 20 tỷ đồng), hoàn toàn nằm trong khả năng thanh toán của công ty, do đó công ty không thuộc đối tượng phải áp dụng Luật Phá sản.
Công ty đã thiện chí, làm việc với Lilama 45.3, đề ra lộ trình trả nợ, sẵn sàng trả nợ sau khi hai bên thống nhất lộ trình thanh toán, nhưng phía Lilama 45.3 chưa đồng ý.
DN kinh doanh đa ngành với nhiều dự án, nhà máy
Niêm yết trên sàn chứng khoán từ rất sớm (2010), Đức Long Gia Lai vốn là một trong những tập đoàn lớn của tỉnh Gia Lai, sánh vai với Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức. Thời kỳ đỉnh cao, tổng tài sản của DN từng lên gần 9.000 tỷ đồng.
Giai đoạn trước khi bắt đầu rơi vào vòng xoáy thua lỗ, DLG đã có 1 hệ sinh thái kinh doanh đa ngành, sở hữu thuỷ điện Păk Pô Cô, khách sạn 5 sao tại Đà Nẵng, nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại TP Hồ Chí Minh, 51% cổ phần công ty cà phê Gia Lai và 51% cổ phần công ty chè Biển Hồ,...
Trong quá khứ, DLG từng kinh doanh gỗ, đá, nông sản, phân bón, bến xe khách,... với doanh thu hàng trăm tỷ/năm nhưng hiện tại đã không còn.
DLG được biết bắt đầu tham gia mảng bán linh kiện điện tử từ năm 2015 và đến nay mảng này đang là “trụ cột” chiếm hơn 90% tổng doanh thu. Công ty đang đầu tư 3 nhà máy sản xuất linh kiện tại Việt Nam, Hàn và Trung Quốc.
Trong tương lai, DLG tiếp tục đầu tư và phát triển sản xuất nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghệ cao quận 9, TP HCM. Đồng thời, hoàn thiện thủ tục để đầu tư thêm 2 nhà máy sản xuất linh kiện tại Đà Nẵng và Bình Dương.
Xếp thứ hai về tỷ trọng đóng góp cho doanh thu là mảng thu phí BOT với khoảng 26-27% tổng doanh thu hàng năm. DLG cho biết, đang sở hữu 4 trạm thu phí trên tuyến QL14. Mặc dù doanh thu và lợi nhuận vẫn chưa đạt như kỳ vọng của DLG nhưng vẫn là nguồn thu khá ổn định của DN.
Các trạm thu phí BOT của DGL
Bên cạnh đó, trong mảng năng lượng, DLG đã đầu tư và phát điện nhiều dự án thuỷ điện, điện mặt trời tại các tỉnh Lâm Đồng, Kon Tum.
Tập đoàn cũng đang triển khai đồng loạt thủ tục đầu tư các dự án điện mặt trời, điện gió, thuỷ điện và đầu tư TBA 500kV cùng với lưới điện truyền tải để giải phóng công suất với gần 4.000MW tại các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung, đã được Chính phủ và BCT đồng ý đưa vào Quy hoạch điện VII hơn 600 MW, số còn lại hơn 2.500 MW đang chờ bổ sung quy hoạch của Chính phủ.
Lỗ luỹ kế hơn 2.000 tỷ đồng và ý kiến kiểm toán ngoại trừ
Doanh thu của DLG bắt đầu xuống dốc từ năm 2019, so với thời điểm đỉnh cao, doanh thu năm 2022 đã giảm xuống chưa còn một nửa.
Cùng với đó, Đức Long Gia Lai chứng kiến 2 năm lỗ đậm trong đó năm 2020 lỗ 929 tỷ đồng và năm 2022 lỗ 1.197 tỷ đồng.
Trong báo cáo kiểm toán năm 2022, kiểm toán viên đã đưa 2 ý kiến ngoại trừ. Thứ nhất, số phải thu về cho vay 422 tỷ đồng, mặc dù đã được trích lập dự phòng đầy đủ nhưng LDG chưa đánh giá về khả năng thu hồi thực tế.
Thứ hai, ngoài khoản lỗ luỹ kế 2.070 tỷ đồng vào cuối năm 2022, tại thời điểm này nợ ngắn hạn của DN đã vượt quá tài sản ngắn hạn là 945 tỷ đồng. Tập đoàn đã có kế hoạch về việc thanh lý, nhượng bán tài sản bảo đảm và dòng tiền để trả nợ cho ngân hàng trong giai đoạn từ 2023-2025.
Tuy nhiên, kiểm toán chưa thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để xác định giá trị TSĐB tại ngày 31/12/2022 theo đánh giá của Tập đoàn, chưa thể xác định giá trị các TSĐB có phù hợp với kế hoạch trả nợ của Tập đoàn hay không. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.
Các lĩnh vực kinh doanh của DLG hiện tại
Sau đó, Đức Long Gia Lai đã có công văn giải trình ý kiến của kiểm toán ngoại trừ trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023. Doanh nghiệp cho biết đến thời điểm 15/8/2023 (trước thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán soát xét) đã thu hồi hơn 422 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân.
6 tháng đầu năm 2023 công ty lãi số tiền là 34,46 tỷ đồng. Những vấn đề tồn tại ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục từ 2022 đến nay, công ty đang từng bước khắc phục.
Ngày 17/7/2023, Công ty đã ký hợp đồng thuê đơn vị định giá độc lập để định giá lại toàn bộ TSĐB của công ty và bên thứ ba để xác định giá trị TSĐB dư nợ vay NH. Trong năm 2023, sau khi có kết quả chứng thư thẩm định giá tài sản thì công ty sẽ cung cấp bằng chứng thích hợp để xác định giá trị TSĐB, TS được bảo lãnh cho kiểm toán nhằm khẳng định khoản vay của Công ty được bảo đảm bằng TS, có khả năng trả nợ và hoạt động liên tục.