Chuyện đọc sách của "Đại gia Đường bia"
Nổi như cồn với những công trình dát vàng "độc nhất vô nhị", ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty TNHH Hoà Bình được mọi người được gọi với cái tên "đại gia Đường bia".
Vị doanh nhân này thành lập công ty TNHH Hòa Bình vào năm 1993 chuyên sản xuất bia và nước giải khát. Đây là doanh nghiệp tư nhân sản xuất bia đầu tiên tại Hà Nội và là đơn vị thứ hai làm bia sau công ty Bia Hà Nội.
Ngoài làm bia, làm malt, làm nước ngọt, doanh nhân Nguyễn Hữu Đường còn tham gia vào lĩnh vực sản xuất thép không gỉ, bắt đầu từ năm 2008. Những năm gần đây, Hòa Bình lấn sân sang kinh doanh bất động sản và nhanh chóng sở hữu nhiều dự án đình đám tại Hà Nội, Đà Nẵng...
Trong đó, phải kể đến trước tiên chính là dự án Khu phức hợp Hòa Bình Green Đà Nẵng, còn gọi là khách sạn Vịnh Vàng, có bể bơi trên tầng 29 được dát vàng 24K, từng chạy đua tiến độ để kịp phục vụ cho hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017.
Ngoài việc ghi dấu ấn các công trình, ông Nguyễn Hữu Đường được nhớ đến với tư cách là một cựu chiến binh ham học hỏi. Cách đây không lâu, trong một bài phỏng vấn với báo Trí thức trẻ, ông từng chia sẻ câu chuyện trả lời phỏng vấn hãng Thông tấn Reuters.
"Hồi năm 2015, trưởng hãng Thông tấn Reuters, một người Anh đến phỏng vấn tôi. Tôi có nói, năm 2017 sẽ về hưu vì muốn nghỉ khi còn trẻ, để đi được nhiều nơi.
Tôi muốn đến thăm nơi mà bà Emily Bronte đã viết nên tác phẩm Đồi gió hú. Tôi muốn biết vì sao một người phụ nữ mất năm 25 tuổi, chưa từng yêu ai lại có thể viết nên kiệt tác về tình yêu như vậy?
Tôi muốn đến Brazil để xem "Túp lều của bác Tôm" như thế nào, đến Nam Phi để xem "Con đường sấm sét" ở mũi Hảo Vọng.
Đến bây giờ, kế hoạch của tôi vẫn vậy.
Lại kể, anh phóng viên Reuters nghe kế hoạch đó thì bật cười sảng khoái. Có lẽ anh cũng bất ngờ vì trước khi đến đây, biết tôi từng đạp xích lô giao bia thuê, là người ít học nên hơi xem nhẹ. Nhưng khi nghe tôi nói đến văn học thì anh ta rất nể, nói rằng đây là lần đầu tiên, anh gặp một thương gia những không chỉ biết có mỗi chuyện kinh doanh.
Tôi học không nhiều, đến lớp 8 đã bỏ dở để đi bộ đội. Nhưng tôi đọc rất nhiều sách. Những chuyện tưởng như chẳng liên quan gì đến kinh doanh, cuối cùng đều giúp nâng tầm hiểu biết của mình và giúp ích cho công việc.
Ví dụ như muốn làm kinh doanh khách sạn, tài chính ngân hàng thì đọc "Hai số phận" (Jeffrey Archer, Mỹ). Trong đó có tất cả những cách làm khách sạn như thế nào để kiếm được tiền, và cách làm tài chính.
Hoặc bạn muốn biết những thủ đoạn lọc lừa, hãy đọc "Nếu còn có ngày mai", "Dưới ánh sao" của Sidney Sheldon…
Quan trọng nhất, kiến thức là cái khiến người khác phải nể phục, nhưng trên hết muốn người ta nể phục thì phải trung thực. Như chuyện mạ vàng năm xưa, tôi phải cố làm vì không muốn nói dối khách hàng."
Lợi ích của đọc sách
Đúng như doanh nhân Nguyễn Hữu Đường khẳng định đọc sách giúp nâng tầm hiểu biết và giúp ích trong công việc. Nói về lợi ích đọc sách, có người đã ví von rằng: Nếu siêng đọc sách, không có nghĩa là bạn sẽ trở nên giàu có, nhưng những người nằm trong giới siêu giàu thường luôn đọc rất nhiều sách.
Thomas Corley là một triệu phú tự thân, chuyên gia tài chính cá nhân, đồng thời là tác giả của cuốn sách bán chạy Rich Habits: The Daily Success Habits of Wealthy Individuals (Thói quen hàng ngày dẫn đến thành công của người giàu) đã tiến hành một cuộc phỏng vấn 233 cá nhân siêu giàu (177 người trong số đó là triệu phú tự thân) với thu nhập ròng hàng năm đạt ít nhất 160.000 USD và tài sản ròng đạt từ 3,2 triệu USD trở lên.
Từ nghiên cứu này, ông đã phát hiện ra một số điều thú vị trong thói quen đọc sách của người giàu:
– 85% người giàu đọc từ 2 đến 3 cuốn sách về giáo dục và lập mục tiêu hàng tháng.
– 63% người giàu nghe các cuốn sách phát thanh để học tập trong lúc lái xe đến nơi làm việc.
– 88% người giàu dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để đọc sách nâng cao hiểu biết và tích lũy kiến thức.
– 58% đọc sách về tiểu sử của những người thành công nổi tiếng.
– 51% đọc sách lịch sử.
Trong khi đó, chỉ có 11% người giàu đọc sách với mục đích giải trí. Các tỷ phú như Warren Buffett, Bill Gates hay Mark Zuckerberg dành phần lớn thời gian mỗi ngày để đọc sách mở rộng hiểu biết. Thomas cho rằng người giàu xứng đáng được giàu có bởi họ luôn đặt ưu tiên vào những thứ mang lại thành công. Và một phần của những thứ mang lại thành công chính là đọc sách để nâng cao kiến thức.
Nếu bạn chỉ đọc sách vì mục đích giải trí, bạn sẽ là một trong 99% người bình thường của thế giới. Ngược lại, nếu bạn đọc sách để học tập và tích lũy kiến thức, bạn đang trên đường gia nhập vào danh sách 1% những người giàu nhất thế giới.
Ví dụ tỷ phú Warren Buffett ước tính rằng 80% thời gian ngày làm việc của ông được dành cho việc đọc và suy ngẫm. Ông nổi tiếng với câu nói: "Tôi thường ngồi trong văn phòng và đọc hầu như tất cả mọi thứ".
Trong những ngày đầu tiên khởi nghiệp, Buffett đọc 600 – 1.000 trang sách mỗi ngày. Với ông, đọc tối thiểu 500 trang sách mỗi ngày là cách tiếp nhận kiến thức.
Nó cứ tăng dần lên như một thứ lãi suất kép. Lời khuyên của Buffett dành cho mọi người: "Dù cho bạn ở giai đoạn nào của cuộc đời, không ngừng học hỏi và bạn sẽ thành công".
Hoặc tỷ phú trẻ tuổi Elon Musk luôn khẳng định sức ảnh hưởng của những cuốn sách đối với bản thân. Không chỉ cung cấp kiến thức, sách còn dạy cho ông cách ứng xử, cách nhìn nhận với thế giới để có được vị trí như hôm nay.
Elon Musk từng khiến rất nhiều người ngạc nhiên khi chia sẻ bản thân tự học cách chế tạo thuốc nổ, làm ra tên lửa nhờ vào việc chăm chỉ… đọc sách. Thậm chí ông còn nghĩ ra được cách để cải thiện giúp giảm chi phí khi sản xuất ra tên lửa.
Đối với Elon Musk, việc đọc sách luôn được ưu tiên dựa theo một mục tiêu nhất định mà bản thân đề ra. Dù vậy nhưng khi đã tìm hiểu được thứ mình muốn trong sách vở thì sự đam mê khám phá vẫn khiến ông tiếp tục tìm hiểu và đọc thêm nhiều sách hơn chứ không chỉ dừng lại ở mục tiêu "đọc cho biết" như dự định ban đầu.
Theo chia sẻ trong một bài phỏng vấn, thời trẻ, đã có lúc Elon Musk dành tới 10 tiếng mỗi ngày để đọc các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng.
Vậy tính tới thời điểm hiện tại bạn đã đọc được bao nhiêu quyển sách và bao nhiêu trang sách mỗi ngày? Và đâu là những đầu sách bạn quan tâm?