Ngân hàng Agribank thu giữ tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất diện tích 97m2 cùng tài sản gắn liền với đất là ngôi nhà 3 tầng, tổng diện tích sử dụng 245m2 tại xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM
Tài sản này thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông Vương A Tỷ, bà Trần Thị Bích Liên. Trong quá trình thu giữ tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, Agribank thông tin, nếu bà Trần Thị Bích Liên và ông Vương A Tỷ có dấu hiệu chống đối, cản trở, gây mất an ninh, trật tự nơi công cộng hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì ngân hàng có quyền yêu cầu UBND và cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, áp dụng các biện pháp theo qui định của pháp luật để giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm cho ngân hàng thực hiện quyền thu giữ tài sản.
Dư luận từng biết đến vợ chồng đại gia Vương A Tỷ - Trần Thị Bích Liên thông qua một số vụ việc đình đám được báo chí nhắc đến nhiều năm liền.
Cụ thể, năm 2002, ông Vương A Tỷ (sinh năm 1966, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ thương mại V.A.T) bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo kết quả điều tra, căn nhà 163/1 Bis Quốc lộ 22, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn được ông Vương A Tỷ sử dụng làm trụ sở của Công ty V.A.T. Vào tháng 9/2002, ông Vương A Tỷ xây dựng thêm ki-ốt trước nhà mình nhưng không xin giấy phép.
Khi đổ bê tông làm ô văng, giàn giáo sập làm chết tại chỗ 2 thợ hồ và làm 3 thợ hồ khác bị thương nặng. Theo kết quả giám định, nguyên nhân sập ô văng do giàn giáo không đủ khả năng chịu lực và mất ổn định.
Sau tai nạn đáng tiếc nói trên, công ty V.A.T dính phải lùm xùm kiện tụng kéo dài nhiều năm do tranh chấp với đối tác về quyền khai thác chợ trung tâm Bảo Lộc (Lâm Đồng).
Tranh chấp trong điều hành, sở hữu chợ trung tâm Bảo Lộc khiến vợ chồng đại gia ngập sâu trong nợ nần.
Năm 2010, do thiếu vốn đầu tư dự án xây dựng chợ trung tâm Bảo Lộc (Lâm Đồng) và chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án “Khách sạn và văn phòng cho thuê” (tổng vốn đầu tư 2 dự án dự kiến 750 tỷ đồng), Cty V.A.T đã vay “tín dụng đen” của vợ chồng bà Lê Tân Hồng và ông Phạm Ngọc Bình (ngụ tại TP.HCM) hơn 71 tỷ đồng và 496.200 USD, lãi suất từ 3,5 – 12%/tháng.
Để vay số tiền nói trên, Cty V.A.T ngoài việc phải thế chấp tài sản, nhà đất của vợ chồng, họ hàng ông Vương A Tỷ trị giá hàng trăm tỷ đồng, còn phải tín chấp 80% vốn góp xây dựng dự án và đưa tên vợ chồng bà Hồng, ông Bình vào Hội đồng thành viên Cty V.A.T làm thành viên giả cách.
Ngày 5/8/2013, thời điểm chuẩn bị nghiệm thu dự án chợ trung tâm Bảo Lộc, bà Trần Thị Bích Liên đã bị khởi tố và bị bắt giam về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Đồng thời vợ chồng bà Liên bị “hất cẳng” khỏi dự án.
Đến ngày 14/8/2014, VKSND tỉnh Lâm Đồng có quyết định đình chỉ vụ án, với nội dung: Dự án chợ trung tâm Bảo Lộc do một mình bà Trần Thị Bích Liên đứng ra xin, quá trình xây dựng chợ đều do bà Liên thực hiện, hiện nay công trình gần hoàn thành và đã ký kết cho nhiều tiểu thương tại thành phố Bảo Lộc thuê quầy sạp.
Tiếp đó, ngày 18/10/2014, bà Liên đã nộp đơn khởi kiện bà Hồng, ông Bình đến TAND TP.HCM, yêu cầu giải quyết 4 nội dung: Tuyên các giao dịch liên quan đến việc góp vốn vào dự án chợ Bảo Lộc và việc trở thành thành viên công ty V.A.T của bà Hồng, ông Bình và bà Hoàng là trái pháp luật, bị vô hiệu; Công nhận bà Liên, ông Trần Kim Cường, ông Võ Xuân Trí là những thành viên hợp pháp của Công ty V.A.T theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ 5, ngày 01/03/2010; Buộc bà Hồng, ông Bình bàn giao lại dự án chợ trung tâm Bảo Lộc, Văn phòng Chi nhánh Công ty tại thành phố Bảo Lộc và toàn bộ cơ sở vật chất, tài sản, tài liệu, giấy tờ của Công ty V.A.T và chi nhánh của Công ty V.A.T tại chợ Bảo Lộc cho bà Liên, ông Cường và ông Trí; Buộc bà Hồng, ông Bình phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Cty V.A.T.
Xét xử sơ thẩm vào giữa tháng 6/2016, TAND TP.HCM cho rằng, qua các tài liệu thu thập được, có cơ sở xác định ông Bình, bà Hồng đã góp vốn vào Công ty V.A.T.
Theo đó, tỷ lệ góp vốn là bà Liên chiếm 15%, bà Hồng chiếm 25%, ông Bình chiếm 15% và một người khác chiếm 5% (tổng cộng 60%). Đồng thời, tòa quyết định: “Giao cho Hội đồng thành viên họp và mở thủ tục chào bán 40% cổ phần (còn lại) theo qui định của Luật Doanh nghiệp”.
Xét xử phúc thẩm vào giữa năm 2017, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên y án sơ thẩm và cũng nhấn mạnh nội dung: “Giao cho Hội đồng thành viên họp và mở thủ tục chào bán 40% cổ phần (còn lại) theo qui định của Luật Doanh nghiệp”.
Cả hai bản án nói trên, sau đó năm 2019 đã bị phía VKSND Tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng hủy để xét xử sơ thẩm lại. Cho đến nay, vụ việc vẫn chưa ngã ngũ.