Đúng giờ hẹn, ông Nguyễn Hữu Đường xuất hiện tại sảnh chờ dát vàng nhìn ra hồ Giảng Võ của khách sạn Hanoi Golden Lake. Người đàn ông vẫn được giới kinh doanh gọi tên Đường "bia" – chủ của hàng loạt công trình nổi tiếng với đặc điểm "dát vàng" – lại có ngoại hình đơn giản như mọi cựu chiến binh khác. Ông mặc áo sơ mi ngắn tay tối màu, bỏ ngoài quần âu thụng, đi một đôi dép lê.
Chỉ có điều, đôi dép dưới chân Chủ tịch Hòa Bình Group là của Louis Vuitton và tay ông cầm 2 chiếc Mobiado.
Trương Thu Hường: Cuộc đời kinh doanh của ông, bắt đầu từ Đường "bia" đến ông Đường đại gia bất động sản, đã diễn ra như thế nào?
Nguyễn Hữu Đường: Những năm 1982-1988, khi làm nghề đạp xích lô, vận chuyển bia, tôi kiếm được rất nhiều tiền. Lúc đó mỗi ngày tôi lấy 3 thùng bia từ trong nhà máy, chở về giao lại cho các hàng ăn uống thì được người ta bán lại cho một thùng. Tôi mang ra ngoài bán, thu lãi 50-60 đồng, bằng một tháng lương của người khác.
Tất nhiên, xã hội có nhiều nghề. Nhưng tôi không chọn đi làm nhà nước, vì lương viên chức lúc đó chỉ 50-60 đồng/ tháng. Trong khi đó, làm nghề đạp xích lô như vậy lại có cuộc sống rất dư dả. Rồi tôi xây dựng nhà máy sản xuất bia. Khi có tiền tôi nghĩ tới các đồng đội của mình. Vì thế, tôi mới thành lập Tổ hợp Thương binh nặng Hòa Bình.
Năm 2002, tôi chuyển sang làm malt bia (hạt lúa mạch nảy mầm để chế biến rượu, bia - PV). Muốn làm được thì phải xây dựng nhà máy. Để tiết kiệm chi phí, thay vì gọi thầu, tôi đã tự làm.
Nhưng vì không có kinh nghiệm, đáng lẽ phải xây dựng nhà điều hành trước thì tôi lại làm các silo trước (thứ để chứa nguyên liệu, mỗi silo đựng được khoảng 500 tấn malt bia - PV). Khi 11 chuyên gia của Đức sang, họ không có nhà điều hành để lắp đặt thiết bị nên phải chờ.
Cứ một ngày chờ đợi như vậy, tôi phải trả cho họ hơn 1.000 USD/ người. Nếu cứ để họ chờ lâu thì số tiền phải trả là hơn 100.000 USD/tháng. Cách duy nhất là đẩy nhanh tốc độ xây dựng.
Tôi đốc thúc mọi người, chỉ trong vòng 9 ngày đã xây xong tòa nhà cao 9 tầng, tức mỗi ngày, chúng tôi làm xong một sàn đổ bê tông rộng 150m2. Nhờ đợt đó, chúng tôi học hỏi được kinh nghiệm về cách xây nhà của người Đức: Chắc chắn, nhanh và tiết kiệm. Cứ thế về sau, chúng tôi tự làm hết.
Trương Thu Hường: Đến với BĐS theo cách số phận "đưa đẩy" như vậy, điều gì sau đó khiến ông quyết định dát vàng các công trình của mình?
Nguyễn Hữu Đường: Chuyện dát vàng bắt đầu vì một lời hứa. Hồi làm công trình ở đường Hoàng Quốc Việt, tôi sang Nga và được bạn bè mời đến ở một tòa nhà dành cho giới thương nhân giàu có. Nội thất ở đó đẹp, nhưng điểm nổi bật là có 4 chiếc thang máy được mạ vàng cánh cửa. Nhờ thế, giá phòng ở đây đắt gấp 5-10 lần các khách sạn khác.
Khi về Việt Nam, tôi tuyên bố sẽ mạ vàng 9999 tất cả các cửa thang máy. Nhiều người đã cười vì nghĩ chuyện này không thể làm được.
Và quả thực, khi tìm mua thang máy ở Nhật Bản, không hãng nào dám nhận làm cửa thang máy mạ vàng. Họ chỉ mạ titan vàng (một hợp kim của vàng) vì mạ vàng ròng quá xa xỉ và ít người đặt.
Lắp đặt xong thang máy có cửa mạ titan vàng, tôi không vui. Người trong giới xây dựng biết tôi nhiều, họ nói tôi ngông vì chuyện muốn mạ vàng lúc trước.
Thế là tôi giao cho giám đốc một công ty cơ khí, tìm bằng được một thợ mạ từng du học ở Nga về. Tôi cũng phải nhờ đối tác ở Nhật Bản, đổi cửa thang máy từ chất liệu inox sang thép vì lúc đó, mới chỉ có công nghệ mạ vàng trên thép mà thôi.
Tới khi mọi việc hoàn tất, trong bể mạ vẫn còn tới mấy trăm cây vàng. Tôi quyết định không phân kim mà cứ để đó. Đến năm 2009, khi xây dựng tòa nhà ở đường Bưởi, tôi sử dụng luôn số vàng cũ để mạ cửa thang máy, mạ đến đâu, bổ sung thêm vàng đến đó. Sau đó, tòa nhà ở Minh Khai cũng như vậy.
Lúc ấy, tôi mới chỉ mạ vàng cửa thang máy. Nhưng đến dự án ở Đà Nẵng thì tôi thành lập một nhà máy mạ vàng, mời chuyên gia của Đức, Áo, Nhật để phủ vàng trên gốm sứ, các thiết bị trong nhà vệ sinh, dụng cụ ăn uống, nội thất… và xây dựng bể bơi vô cực dát vàng.
Tại sao tôi lại dát vàng các công trình của mình? Tôi nghĩ rằng, khi đã quyết định kinh doanh bất động sản, mình phải có yếu tố khác biệt thì mới thu hút được khách hàng. Phải mở ra một con đường riêng để đi, và nếu có người đi theo, nghĩa là mình thành công.
Trương Thu Hường: Một trong các công trình của ông là Đà Nẵng Golden Bay nổi tiếng với bể bơi vô cực dát vàng. Nghe nói, khi tiếp đón những vị khách dự hội nghị APEC năm 2017, đã có những câu chuyện rất thú vị?
Nguyễn Hữu Đường: Ngày 1/10 năm đó, 8h sáng khách sạn sẽ khai trương. Lúc 6h sáng, công nhân vẫn còn tất bật lau dọn sàn nhà. Chúng tôi vừa hoàn công, rác còn chưa kịp dọn hết thì ngày 3/10 đón đoàn tiền trạm của Bộ Ngoại giao Mỹ tới thăm. Tôi phải mua bạt về phủ lên đống vật liệu bừa bộn.
Câu đầu tiên Đại sứ Mỹ thốt lên khi tới đây là: Rất tiếc, khách sạn này đẹp quá!
Thì ra, nước họ có quy định, tất cả những đoàn công tác được Chính phủ Mỹ trả tiền phòng đều phải ở những khách sạn đã hoạt động tối thiểu 6 tháng để đảm bảo mọi việc được vận hành không sai sót.
Tôi nói với ông Đại sứ: "Ông cứ xem kỹ rồi về báo cáo lên trên xem thế nào".
Kết quả, ngày 6, 9 và 12/10, họ liên tiếp cử Đại sứ Mỹ ở khu vực Đông Nam Á, Bộ Ngoại giao và cuối cùng là Phủ Tổng thống Mỹ tới thăm. 20/10 năm đó, phái đoàn Mỹ quyết định vào ở, kín 600 phòng.
Khi Hội nghị kết thúc, trước khi phái đoàn Mỹ (gần 1000 người) về nước, tôi mở tiệc thiết đãi toàn bộ. Có 400 người theo ông Trump ra Hà Nội nên không ở lại khách sạn của tôi tại Đà Nẵng. Họ ngỏ lời xin bộ đồ dùng gồm dầu gội, sữa tắm, bàn chải… trị giá khoảng 10 USD để mang về.
Tôi thắc mắc, họ nói rằng, vô cùng tiếc vì không được ở đây nên muốn xin những món đồ đó làm kỉ niệm, để có thể kể lại với bạn bè rằng, mình từng tới một nơi như vậy.
Trở về nước, nhiều người đã đưa hình khách sạn lên mạng kèm theo lời khen ngợi. Đó là cách quảng bá rất tốt cho du lịch Việt Nam và cho khách sạn của tôi nữa.
Trương Thu Hường: Việc đoàn công tác của Mỹ phá lệ có phải nhờ vào "chiêu" mạ vàng?
Nguyễn Hữu Đường: Tôi nghĩ, đầu tiên là vì sự chân tình. Khi tới đây, khách của Chính phủ Mỹ dự hội nghị APEC đã hỏi tôi: Vì sao khách sạn của ông lại có nhiều bộ đội làm việc như vậy?
Tôi trả lời: "Chúng tôi là bộ đội, những người thương, bệnh binh trong chiến tranh. Nhưng nếu người Mỹ tới làm khách, chúng tôi sẽ phục vụ họ tận tâm. Quá khứ chúng tôi xếp lại, để cho người Mỹ nhìn thấy sự mến khách chân thành của người Việt Nam".
Kết quả, sau kỳ hội nghị APEC, Chính phủ Mỹ rất tin tưởng chất lượng phục vụ của chúng tôi. Tháng 3 vừa qua, khi đoàn tàu sân bay của Mỹ tới Đà Nẵng, họ vẫn chọn khách sạn của tôi để ở.
Thứ hai, tôi cư xử rất thoải mái. Khách Mỹ ở đó, cứ 3 ngày khách sạn lại mở một tiệc nhỏ, 5 ngày một tiệc lớn, miễn phí toàn bộ bia và đồ trên mini bar. Những vị khách ở đó, khi được uống bia, ăn tiệc không phải trả tiền thì họ rất thích.
Thứ ba là sự tận tâm. Phải tự hào rằng, chưa có bữa ăn sáng ở khách sạn nào có cá hồi tươi sống, nhưng chúng tôi có. Tôi cũng nói với người quản lý, khách sạn tuy đông phòng (cả khu tổ hợp có khoảng 1.800 phòng), nhưng không được để khách check-in lâu quá 5 phút.
Những điều đó cộng thêm cái mới lạ là bể bơi vô cực dát vàng, bồn tắm, bồn cầu, vòi sen, dụng cụ ăn uống, nội thất đều mạ vàng, cảnh quan khách sạn đẹp… đã khiến người ta tò mò, muốn khám phá.
Trương Thu Hường: Từ việc xây dựng nhà điều hành của nhà máy malt năm 2012 trong 9 ngày, Golden Bay Đà Nẵng trong 15 tháng đến Golden Lake Hà Nội cao 24 tầng trong 1 năm, đều có thể thấy tốc độ xây dựng các công trình của ông rất nhanh. Ông làm điều đó như thế nào?
Nguyễn Hữu Đường: Để làm nhanh thì cũng phải đánh đổi. Chi phí vật liệu, nhân công của tôi đều cao gấp đôi người ta. Tất cả bê tông ở công trình này và cả khách sạn tại Đà Nẵng, chúng tôi đều dùng loại mác 650 – loại mà cứ đổ sau 8 tiếng đã đông cứng. Còn nếu đổ bê tông mác 350 như các công trình khác, sau 3 ngày mới đông cứng. Thậm chí làm cầu vượt biển, người ta cũng chỉ dùng bê tông mác 500 mà thôi.
Vật liệu đắt tiền nhưng quan trọng là cách thi công. Công trình ở Đà Nẵng làm 24/24h. Tháng cuối cùng trước ngày hoàn công, tôi bị viêm họng tới 5 lần vì nói quá nhiều và liên tục thức xuyên đêm trong môi trường bụi bặm. Công trình ở Hà Nội cũng thi công tới 10h tối mới nghỉ.
Trương Thu Hường: Tại sao đích thân Chủ tịch tập đoàn phải đi giám sát công nhân như vậy? Ông không tin tưởng cấp dưới hay sao?
Nguyễn Hữu Đường: Đó không phải là giám sát. Tôi muốn các công nhân thấy rằng, dù là Chủ tịch nhưng tôi vẫn cùng làm việc với họ. Như thế, họ cảm thấy được động viên, làm việc nhiệt tình hơn.
Hơn nữa, tôi là người nắm rõ nhất mọi thứ ở công trình. Từ thiết kế, thi công, lắp đặt thiết bị… sai một li tôi cũng chỉ ra được.
Trương Thu Hường: Thực hiện nhiều công trình mạ vàng hẳn rất tốn kém?
Nguyễn Hữu Đường: Nếu khách sạn này làm ở nước ngoài thì chi phí đầu tư sẽ không thể dưới mức 1 tỷ đô. Nhưng vì tôi có nhà máy sản xuất được toàn bộ thiết bị mạ vàng, nên giá thành cũng rẻ.
Ví dụ, để mạ vàng bồn tắm, nếu chỉ mạ 1-2 chiếc sẽ rất đắt. Nhưng vì tôi làm nhiều nên các thiết bị, máy móc cũng đã khấu hao gần xong, chi phí cố định giảm đi nhiều. Bể mạ có sẵn, cứ mạ tới đâu lại thêm vàng tới đó.
Hơn nữa, vì xây nhanh, tôi tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng tiền lãi vay ngân hàng. Khách sạn dát vàng cả trong lẫn ngoài ở Hà Nội mà chúng ta đang ngồi đây, tổng đầu tư là 3.000 tỷ đồng. Trong khi giao cho nhà thầu thi công, trung bình cần khoảng 3 năm mới hoàn thành và chi phí chắc chắn sẽ nhiều hơn.
Khách sạn dát vàng thật đó nhưng giá phòng lại rất bình thường, chỉ 250 USD/ đêm, bằng nửa giá so với một số khách sạn 5 sao ở Hà Nội.
Trương Thu Hường: Thi công nhanh, dát vàng nhiều có phải là những điểm khiến ông tự hào nhất khi nói về các công trình của mình?
Nguyễn Hữu Đường: Tất cả chỉ là một phần. Điều khiến tôi tự hào nhất khi nói về tòa khách sạn bên hồ Giảng Võ này không phải vì nó có view đẹp, dát vàng từ trong ra ngoài. Mà vì đó là công trình hoàn toàn do người Việt tự thiết kế và thi công.
Công trình ở Đà Nẵng đã ghi vào sách kỷ lục thế giới với bể bơi vô cực dát vàng rộng nhất. Và công trình này, tháng 12 tới đây, chắc chắn sẽ được công nhận kỷ lục khách sạn mạ nhiều vàng nhất.
Trên tất cả những câu chuyện này, tôi chỉ muốn nói là người Việt Nam rất giỏi. Chưa có một dân tộc nào trên thế giới 3 lần đánh thắng quân Nguyên, hai lần đánh bại thực dân và đế quốc sừng sỏ nhất thế giới.
Tôi tin, dân tộc Việt Nam này không chịu là những người làm thuê. Nhưng muốn bằng người, hơn người, chúng ta cần đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau.
Trương Thu Hường: Vì sao ông lại nói, "dân tộc này không chịu là những người làm thuê"?
Nguyễn Hữu Đường: Tôi rất tự hào vì là người Việt Nam. Nhưng đất nước giải phóng đã 45 năm, nhưng đến giờ chúng ta vẫn đi làm thuê. Nhiều lao động ra nước ngoài thì đa phần làm osin, hoặc xuất khẩu lao động trong các nhà máy.
Khi đi chiến đấu, giành độc lập tự do cho Tổ quốc, tôi luôn mong muốn người Việt phải làm chủ, có thể để những người nước ngoài làm thuê cho mình, chứ không phải chuyện nhiều doanh nghiệp nước ngoài xây nhà xưởng ở đây, rồi thuê người Việt làm cho họ với giá rẻ. Chúng ta không thể đi làm thuê như thế mãi được!
Trương Thu Hường: Để giải quyết bài toán này, bản thân ông sẽ làm gì?
Nguyễn Hữu Đường: Tôi đã gửi văn bản đề nghị Thủ tướng phê duyệt đề án trung tâm thương mại miễn phí cho các doanh nghiệp Việt. Vì trên thế giới này, ai nắm được hệ thống thương mại thì người đó sẽ điều tiết được sản xuất.
Ví dụ như Aeon Mall bán hàng của Nhật, Lotte bán hàng của Hàn Quốc, Big C bán hàng của Thái, còn Việt Nam có gì? Nhiều hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại do người Việt mở ra, nhưng không hoàn toàn bán hàng Việt Nam, và cũng không miễn phí tiền thuê mặt bằng cho doanh nghiệp.
Khi đề án của tôi được duyệt thì ngân sách nhà nước không phải bỏ ra một hào nào, nhưng đất nước phát triển. Ví dụ trung tâm thương mại ở Minh Khai, tôi cũng miễn phí được 6 năm rồi.
Đất nước nào cũng thế thôi, phải có những con người vì đất nước, vì dân tộc. Bao nhiêu năm tôi kinh doanh, tôi chưa bao giờ khoe khoang điều gì cả. Đơn giản như tất cả các công trình của tôi, đều không có biển ghi tên công ty Hòa Bình.
Trương Thu Hường: Tâm huyết như vậy, vì sao doanh nghiệp của ông vẫn có những lùm xùm?
Nguyễn Hữu Đường: Chuyện chậm bàn giao tiền cho ban quản lý dự án thì nhiều cư dân chỉ biết một mà không biết mười. Họ đang trả có 3.900đ/m2 chi phí dịch vụ, mà tôi đang phải trả cho đơn vị quản lý dự án 10.000đ/m2. Mỗi một năm, tôi phải hỗ trợ 6-7 tỷ đồng để vận hành tòa nhà. Nhưng quỹ bảo trì chỉ có 40 tỷ đồng, không phải là nhiều.
Trong khi ở tòa nhà Minh Khai, TTTM, tôi miễn phí một năm mất 80 tỷ đồng chi phí mặt bằng rồi, tiền thuế phí cao cho nên tôi cũng không muốn thu của người ta.
Hai tầng trên cùng trong hợp đồng là không có, nhưng tôi đã xây thêm chùa cho người dân có chỗ thờ cúng, xây thêm sân tập golf… Tất cả những cái đó, mỗi tòa nhà diện tích 4.000m là tiêu tốn hết gần 20 tỷ đồng. Đấy là phần tôi tặng cho cư dân.
Cư dân tòa A ở Minh Khai rất thông cảm. Đối với tòa B, tôi đã nói, trong tháng 6 này sẽ bàn giao quỹ bảo trì, nhưng với điều kiện, ban quản lý đóng 12.000 đồng/ m2 phí dịch vụ, còn không thì tôi sẽ đóng cửa, ban quản lý tự vận hành lấy.
Thực ra mà nói, nếu số tiền 41 tỷ đem gửi tiết kiệm, lãi cũng chỉ 3-4 tỷ/ năm, nhưng số tiền tôi đang trả để người ta được hưởng thì lớn hơn. Vì vậy tôi đã hứa, đến tháng 9 sẽ bàn giao và sẽ bù thêm chi phí cho họ trong 3 tháng nữa, còn đến tháng 1/2021 thì các ông tự đi tìm đơn vị vận hành tòa nhà, chứ bây giờ không thể chỉ trả phí 3.900 đồng được.
Chúng tôi coi cư dân là những người cùng góp tiền làm với mình nên rất trân trọng. Cho nên tôi cũng buồn vì họ chưa hiểu mình. Tôi đã gửi cho họ văn bản nói rõ mọi việc, và tiền quỹ bảo trì có trả thì cư dân cũng có tiêu được đâu, tôi cầm thì tôi phải trả, nhưng ngược lại, tôi đang giúp họ được hưởng lợi.
Trương Thu Hường: Không tính phí như thế, ông có cảm thấy đó là một sự hy sinh về lợi ích?
Nguyễn Hữu Đường: Đây chắc chắn là một sự hy sinh, nhưng không phải hy sinh theo nghĩa sống còn, mà là vì tôi đã kiếm được nhiều tiền, và các con tôi cũng có cuộc sống đầy đủ rồi. Ví dụ như Bill Gates đang bỏ ra mấy chục tỷ đô để làm từ thiện, giúp cho cả thế giới, còn tiền để lại cho các con ông ấy chỉ là một phần nhỏ.
Mà giữ lại nhiều tiền để làm gì? Vì làm sao mỗi người ăn hết được cả vài cân thịt một bữa.
Trương Thu Hường: Nhưng kinh doanh thì phải có lợi ích, chứ làm miễn phí mãi thế này thì liệu ông có sợ đến lúc nào đó, doanh nghiệp của mình sẽ liêu xiêu?
Nguyễn Hữu Đường: Bây giờ không liêu xiêu. Ví dụ, tôi làm tòa nhà ở đường Bưởi cũng đã thu lời 1.000-2.000 tỷ đồng. Tôi còn có nhà máy sản xuất nước, malt bia và sản xuất bia.
Còn trung tâm thương mại, nếu cho thuê thì không ai có tiền thuê. Nhưng nếu năm nay nhà nước không đồng ý đề án của tôi, thì sang năm tôi bán luôn cả trung tâm thương mại đó, kiếm 1.000 tỷ rất dễ dàng. Còn nếu nhà nước đồng ý nhân rộng mô hình này, thì tôi sẽ dốc sức làm, để cho đất nước phát triển.
Tôi không thiếu thốn, có tích lũy và bản thân trong hệ thống thương mại vẫn có hàng hóa của tôi. Nhưng điều quan trọng là tôi muốn giúp cho các doanh nghiệp, du lịch Việt Nam phát triển, để người dân làm giàu. Vì dân có giàu thì nước mới mạnh. Tôi năm nay đã gần 70 tuổi rồi nên chỉ sợ, không còn thời gian nữa thôi.
Trương Thu Hường: Điều gì khiến ông lo lắng về doanh nhân Việt?
Nguyễn Hữu Đường: Tôi chưa thấy thực sự hy vọng vào người nào cả. Một số doanh nghiệp làm ăn được thì người chủ lại mang hai quốc tịch. Họ tới hoặc về Việt Nam chỉ để kiếm tiền. Còn những người như chúng tôi đã vào sinh ra tử, trải qua các cuộc chiến gian khổ vì đất nước và may mắn sống lâu hơn nhiều đồng đội, lại được hưởng thụ đầy đủ mọi thứ, nên mình không tiếc gì cống hiến cho xã hội.
Trương Thu Hường: Quả thực tôi cũng cảm thấy rất vui khi Việt Nam có những tòa nhà dát vàng rực rỡ. Nhưng một số người lại đặt ra câu hỏi, xây nhà dát vàng có đáng tự hào đến thế không?
Nguyễn Hữu Đường: Cái gì mà thế giới chưa làm được, mình làm được thì đó là tự hào. Ví như ông Gustave Eiffel thiết kế ra tháp Eiffel, có khi ban đầu cũng chỉ là muốn làm công trình bằng thép thôi, nhưng bây giờ nó lại trở thành biểu tượng của cả thế giới. Tháp đó làm bằng thép, tính ra cần đầu tư ít tiền chứ không phải nhiều, nhưng lại là công trình ghi dấu ấn.
Hoặc như khách sạn cánh buồm ở Dubai. Bây giờ nhắc tới Dubai là nhắc đến khách sạn đó. Còn Việt Nam có công trình gì ghi dấu ấn?
Những tòa nhà tôi làm, thế giới không ai làm được trong vòng 1 năm, kể cả Mỹ, Nhật cũng không làm được.
Tôi nói vậy không phải đề cao mình. Cái đáng tự hào không phải tòa nhà dát vàng, mà tự hào vì thế giới chưa làm được, nhưng mình lại làm được. Đấy là những công trình tôi làm vì muốn người ta phải biết tới Việt Nam, mà tới nước ta thì phải biết tới con người Việt Nam.
Một nhà văn từng viết: Người Việt Nam cũng máu đỏ da vàng, người Nhật Bản cũng máu đỏ da vàng, nhưng tại sao người Nhật được thế giới tôn trọng?
Nói về trí thông minh, người Việt không hề thua kém người Nhật. Nhưng vì nước mình còn khó khăn, chứ nếu mình giàu có, thì thế giới người ta phải tôn trọng chứ.
Trong công ty tôi, người Đức, người Mỹ làm thuê cho tôi chứ không phải tôi làm thuê cho họ.
Trương Thu Hường: Điều gì khiến ông quyết liệt khẳng định vị thế dân tộc như thế?
Nguyễn Hữu Đường: Chúng tôi là những người lính, từng không tiếc xương máu để bảo vệ độc lập, tự do cho tổ quốc. Vì thế, chúng tôi là những người thực lòng mong muốn đất nước phát triển, và không muốn bất cứ một ai được phép coi thường dân tộc mình.
Trương Thu Hường: Tôi khá tò mò vì sao một người được gọi là đại gia như ông lại ăn vận đơn giản thế này?
Nguyễn Hữu Đường: Tôi có thể bỏ ra nhiều tiền để làm Trung tâm thương mại miễn phí cho doanh nghiệp Việt, xây dựng nhà tình nghĩa tặng người nghèo và các hoạt động từ thiện khác. Nhưng cuộc sống của tôi rất bình thường.
Phòng làm việc của tôi 30 năm nay vẫn thế, có mười mấy m2. Khi làm việc với đối tác nước ngoài, tôi phải thuê phòng làm việc khác để tiếp khách.
Hơn 30 năm trước, khi đọc cuốn sách Sao Đen (NXB Công an Nhân dân) tôi đã rất ấn tượng với lời khuyên con của người cha. Ông ấy nói đại ý: Ba chuẩn bị đi sang thế giới bên kia, nhưng ba thấy đau lòng vì chẳng để lại được nhiều thứ cho các con ngoài tiền. Và ba ân hận vì khi ba làm doanh nghiệp đã triệt hạ đường mưu sinh của rất nhiều người, đó là tội lỗi.
Người cha khuyên con, làm người thì nên sống giản dị và hãy dành thời gian làm điều gì đó có ý nghĩa, để tới khi đi xa không phải ân hận như người cha bây giờ. Và ông cũng khuyên con mình hãy làm kinh doanh. Vì kinh doanh nếu thua, phá sản thì vẫn còn cơ hội làm lại.
Cho nên trong cuộc sống, tôi rất giản dị, ăn trưa cũng ăn cùng mọi người trong công ty. Đồ dùng của tôi là đồ tốt nhưng kiểu cách đơn giản thôi.
Nhiều người gọi tôi là đại gia này nọ. Nhưng mấy chuyện đó tôi chẳng quan tâm. Cái tôi quan tâm là liệu mình đã làm được những gì, để khi nhắc tên tôi, người ta khen nhiều hơn chê.
Sang năm, tôi sẽ nghỉ kinh doanh, giao lại sự nghiệp cho con trai. Khi đó, tôi sẽ trích lại 50% tài sản cho Quỹ khắc phục hậu quả chiến tranh và giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam phát triển.
Trương Thu Hường: Việc ông để lại 50% tài sản có được gia đình đồng thuận không?
Nguyễn Hữu Đường: Bản thân các con tôi đều có tiền, có công việc tốt, nên tiền của tôi, tôi làm gì thì đó là quyền của tôi chứ đâu phải của người khác.
Còn chuyện để lại gia sản, cho dù có để lại bao nhiêu mà các con tôi phá phách, nghiện ngập thì cũng không đủ. Nhưng các con tôi đều rất ngoan, học hành ở Anh, ở Mỹ về. Bản thân các con cũng muốn đi làm để có tiền chứ không phải muốn dựa vào tôi. Tôi chỉ là nền tảng ban đầu thôi, còn các con cũng tài giỏi chứ. Chúng nó cũng muốn tự lập, tự kiếm tiền tự tiêu, mục tiêu là không bằng thì cũng phải gần bằng hoặc giỏi hơn tôi.
Đáng lẽ đến năm 2017, tôi đã nghỉ rồi. Nhưng vì còn một số công trình chưa xong và mãi đề án trung tâm thương mại của tôi chưa được duyệt nên tôi mới chưa nghỉ. Còn chuyện kiếm tiền, có những người làm được tiền thì khi mất đi cũng chả có ai hưởng nữa, giống như ông Nobel. Cho nên mình không cần quá đau đáu vì nó.
Trương Thu Hường: 50% tài sản của ông, cụ thể là con số như thế nào?
Nguyễn Hữu Đường: Bây giờ tôi đã bỏ ra 1.000 tỷ rồi, còn lúc nào đi xa, các con tôi được hưởng 50% còn lại cũng đã là quá nhiều. Nhưng con số cụ thể 50% là bao nhiêu, tôi chưa thể tiết lộ được. Chỉ có thể nói sẽ luôn là 50%, có bao nhiêu thì làm bấy nhiêu.
Trương Thu Hường: Vậy vì sao ông lại đau đáu với quỹ Khắc phục hậu quả chiến tranh đến thế?
Nguyễn Hữu Đường: Đồng đội của tôi, nhiều người 18-19 tuổi đã hy sinh. Có người giải ngũ, bây giờ 60 tuổi nhưng chưa bao giờ được ăn một đĩa trứng đúc thịt thật ngon, thật no nê. Khi họ nói ra chuyện ấy, thì mấy người góp tiền lại mới mua được chục quả trứng và nửa cân thịt, để cho ông ấy ăn một bữa thỏa thích.
Đã là con người, sinh ra ai cũng có quyền được sống, quyền mưu cầu hạnh phúc. Nhưng bây giờ nhiều đồng đội vẫn chưa được hưởng thụ gì cả. Thời xưa, chiến tranh thì khổ sở, tuổi thơ họ đi sơ tán, ăn cơm trộn với đủ mọi thứ mà vẫn không đủ no. Tuổi 18-20, họ đã biết gì về tình yêu, hạnh phúc, thậm chí ngay một bữa ăn no, họ còn chưa có, mà đã hy sinh. Nên mình có thể làm được cho đồng đội thì mình phải làm hết sức.
Bây giờ tôi không chỉ sống, mà còn sống tốt, vì tôi biết làm chủ quỹ thời gian của mình. Nhiều người giàu lắm, nhưng lại chỉ ước được quay về ngày xưa lúc chưa giàu, để có thể kê cao gối ngủ yên giấc.
Trương Thu Hường: Nghe nói, cứ 0 giờ đêm Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm, ông lại tổ chức lễ cầu siêu ở nghĩa trang Trường Sơn?
Nguyễn Hữu Đường: Đúng vậy. Tôi là người công đức quả chuông ở nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang đường 9 Nam Lào, xây dựng nhà tiếp đón thân nhân ở Đông Hà, thành cổ Quảng Trị…
Hàng năm, tôi tổ chức cầu siêu cho các liệt sỹ, cầu khấn các anh phù hộ cho tôi đất nước và cho chúng tôi.
Trương Thu Hường: Ông tin vào tâm linh?
Nguyễn Hữu Đường: Tôi rất tin vào tâm linh. Tôi luôn nghĩ rằng, nhờ các anh phù hộ mà tôi có thể hoàn thành khách sạn Đà Nẵng trong thời gian kỷ lục mà không xảy ra bất cứ một tai nạn xây dựng nào.