Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hùy (Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh), người chi 26 tỷ mua cây sưa ở làng Đông Cốc cho biết, thực tế, bản thân ông làm gỗ, đã đi mua gỗ sưa ở nhiều nơi nhưng chưa từng gặp cây sưa nào được trả giá tới mức 100 tỷ đồng như ở làng Phụ Chính (Chương Mỹ, Hà Nội).
Theo ông Hùy, mức giá 100 tỷ có thể do ai đó "thổi phồng giá" lên còn thực tế, giá trị thực sẽ không thể nào được như vậy.
"Như cây sưa tôi mua ở làng Đông Cốc vừa rồi cũng vậy. Trước đây, có người đã trả đến giá 49 tỷ đồng nhưng rồi họ có dám mua nữa đâu nên chuyện cây sưa 100 tỷ là điều không thực tế, chưa chính xác lắm", ông Hùy nói.
Vị "đại gia" gỗ này cũng cho hay, so với cách đây chừng 7 - 8 năm thì giá gỗ sưa hiện nay đã giảm rất mạnh.
Cụ thể, vào thời gian cao điểm những năm 2009 - 2010, giá gỗ sưa tươi từ 19 - 20 triệu/kg, thậm chí, có lúc lên tới hơn 30 triệu/kg nhưng đến thời điểm hiện tại, giá xuống rất nhiều.
"Nếu so thì giá đã giảm một nửa so với trước, thậm chí còn xuống thấp hơn thế nên muốn mua thì cũng phải xem xét kỹ, tùy từng thời điểm, thị trường để đưa ra giá phù hợp", ông Hùy thông tin.
Ông cũng cho rằng, việc cây sưa làng Phụ Chính đang bị chết sẽ gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng gỗ, giá trị.
"Cây gỗ sưa cũng như các cây gỗ khác đều có tuổi thọ và nếu cây gỗ sưa mà chết thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng gỗ, giá trị gỗ sẽ giảm đi", ông Hùy nêu.
Một nửa phần gốc của cây sưa làng Phụ Chính đã có dấu hiệu chết khô.
Trước câu hỏi về việc khi cây sưa làng Phụ Chính (Hà Nội) được đồng ý cho bán đấu giá nốt phần còn lại, liệu ông có tham gia mua không? ông Hùy cho biết thêm, cần phải xem xét kỹ mới có thể quyết định.
"Bởi thực tế, việc bán bây giờ cũng không dễ dàng, trong khi giá giảm mạnh, nếu không cẩn thận sẽ lỗ", ông Huỳ lý giải.
Một đại gia làm về ngành gỗ ở Mỹ Đình (Hà Nội) cũng nhận định, thị trường gỗ sưa hiện nay đã kém sôi động đi rất nhiều mà nguyên nhân quan trọng là Trung Quốc - nơi tiêu thụ chính đã "e dè, nhiều lúc hạn chế nhập".
Theo vị này, cây gỗ sưa quý nhất là phần lõi nên nếu như cây gỗ sưa ở làng Phụ Chính mà bị chết khô, đục rỗng lõi thì giá trị sẽ giảm đi rất nhiều.
"Tôi cũng có theo dõi thông tin về cây gỗ sưa ở đó nhưng nếu bảo bán được với giá 100 tỷ đồng vào lúc cao điểm thì hơi quá còn giờ khi phần còn lại đã chết dần, hỏng lõi như vậy thì giá sẽ chẳng còn được là bao nhiêu.
Nếu bình thường mua được với giá 10 - 12 triệu/kg gỗ sưa nhưng nếu hỏng lõi nhiều chắc mua được bằng một nửa là cao rồi, bởi, mua không cẩn thận nguy cơ sẽ lỗ", vị này nói.
Còn anh Hưng, chủ một xưởng gỗ ở Thường Tín, Hà Nội nhận định, phần còn lại của cây sưa ở làng Phụ Chính quý nhất là phần gốc bởi nó to và nhiều gỗ nên nếu chất lượng còn tốt thì giá trị sẽ cao.
"Giờ phải đào lên mới kiểm tra được xem chất lượng gỗ ra sao, có bị rỗng, mục, mọt gì không. Nếu bị thì giá sẽ giảm rất nhiều còn nếu không sao thì vẫn có thể bán được khá", anh Hưng nói thêm.
Trước đó, ông Vũ Văn Xuyện, Phó thôn Phụ Chính cũng chia sẻ, do phần thân cây sưa còn lại bị chết một nửa và có hiện tượng rỗng phần lõi nên người dân trong làng cũng nhận định, giá trị sẽ giảm đi rất nhiều.
"Giờ mong mỏi nhất là huyện, xã làm sao sớm đồng ý cho bán nốt phần cây sưa này chứ cứ nhìn nó chết dần, chết mòn thế này ai cũng xót", ông Xuyện mong mỏi.