Trương Trì là một trong những tỷ phú Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực bất động sản hơn nửa đời người. Sở hữu tài sản ròng hàng tỷ NDT, cuộc sống giàu có cuộc ông khiến nhiều người khác phải ghen tỵ. Đến tuổi nghỉ hưu, ông cũng gác lại công việc và dành phần lớn thời gian bên gia đình và bạn bè.
Nhân duyên với vùng đất lạ
Năm 2008, trong một lần đang nói chuyện, bạn Trương Trì nói với ông về một dự án xóa đói giảm nghèo ở Ninh Hạ - khu tự trị của dân tộc Hồi của Trung Quốc, với hành lang trồng nho rộng hàng nghìn mẫu đất. Dự án xây dựng nhà máy sản xuất rượu vang này đang thu hút mạnh mẽ đầu tư. Người bạn này hỏi Trương Trì có muốn cùng đi thực địa không? Vốn là người thích những điều mới mẻ, đại gia BĐS nghe vậy hai mắt sáng lên, không chút do dự mà đồng ý.
Sau khi đến sa mạc Gobi ở Ninh Hạ, họ nhìn quanh chỉ thấy cát trải dài từng bãi rộng mênh mông và hoang vắng. Dưới cái nóng oi bức, người bạn của Trương Trì không thể chịu đựng được mà quay về khách sạn trước. Riêng ông vẫn ở lại và đi theo đoàn đầu tư đi ngang qua một ngôi nhà. Một đứa trẻ quần áo rách tả tơi đã đến chào cả đoàn. Qua thăm hỏi, đại gia BĐS biết được rằng người dân ở đây rất mong được các ông chủ lớn đầu tư vào vùng đất này để người dân có tiền cho con cái đi học.
Nghe thấy mong ước của cậu bé, Trương Trì nghẹn ngào gật đầu và tự hứa với bản thân nhất định phải dẫn dắt người dân nơi đây thoát nghèo, có cuộc sống tốt hơn và làm giàu.
Đầu tư khủng, biến sa mạc thành “bãi cát vàng”
Sau khi xác nhận đầu tư vào mảnh đất cằn cỗi này, tỷ phú Trương Trì lập tức chi 30 triệu NDT (khoảng 100 tỷ đồng) để mua 2.000 mẫu đất sa mạc Gobi để trồng nho. Hành động này của đại gia BĐS được cho là ngông cuồng, mạo hiểm nên bị gia đình phản đối. Thậm chí, nhiều người bạn còn cho rằng Trương Trì bị điên mới dám nhận dự án này.
Tuy nhiên, tỷ phú này dường như không quan tâm đến những lời khuyên của người khác mà vẫn bướng bỉnh, quyết tâm trồng nho ở sa mạc Gobi của Ninh Hạ. Ngoài lời hứa với bản thân trước đó, trước khi đến Ninh Hạ, Trương Trì cũng đã tìm hiểu và biết rằng sa mạc Gobi hoang vắng này thực sự là một vùng đất kho báu.
Theo đó, theo nghiên cứu của ông, ở chân núi Helen phía đông ở Ninh Hạ, thời gian nắng kéo dài, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, lượng mưa thấp, rất thuận lợi cho việc tích tụ glucose ở cây nho. Trương Trì quyết tâm phải tận dụng món quà từ tự nhiên này để giúp bà con nơi đây làm giàu. Ông cũng tin chắc rằng “bãi cát khô cằn” này nhất định sẽ trở thành “bãi cát vàng” trong tương lai.
Nói là làm, ông chi tiền thuê và ký hợp đồng dài hạn với 500 nông dân tại địa phương. Sau đó, để giải quyết vấn đề nguồn nước, Trương Trì đã mời các kỹ thuật viên giỏi đến và chi 20 triệu NDT để xây dựng các kênh dẫn nước từ sông Hoàng Hà đến sa mạc Gobi để phục vụ tưới tiêu. Ông cũng đầu tư thêm 10 triệu NDT để đưa hệ thống lọc nước từ Israel đến những ngôi làng xung quanh để người dân được uống nước sạch.
Để chắn gió và chắn cát, Trương Trì đã chi thêm 50 triệu NDT và trồng hơn 3 triệu cây dương nhằm xây bức tường xanh bảo vệ vườn nho của mình. Chưa hết, ông còn cho xây những hàng rừng phòng hộ quanh làng.
Trong thời kỳ khai hoang, bản thân Trương Trì cũng đi giày cao su, đội mũ rơm, vác cuốc, làm lụng vất vả từ lúc mặt trời mọc với người dân trong làng. Điều này đã khiến niềm tin của người dân trong làng với vị chủ tịch 58 tuổi này càng tăng cao.
Đổ mồ hôi để thu về trái ngọt
Để nhanh chóng làm quen với công việc kinh doanh ở lĩnh vực mới, hằng đêm, Trương Trì còn tự mày mò đọc sách để nghiên cứu thêm công nghệ kỹ thuật để áp dụng cho việc trồng nho và nấu rượu vang.
Tuy nhiên, việc tự học thôi là chưa đủ với ông, để nấu được rượu vang chất lượng cao, ông đã mạnh tay đầu tư thuê đội ngũ nấu rượu người Pháp hướng dẫn toàn bộ quy trình và mua sắm thêm trang thiết bị nấu rượu vang tiên tiến.
Năm 2015, thùng rượu đầu tiên do nhà máy rượu vang của Trương Chi sản xuất bắt đầu xuất hiện trên thị trường. Với hương vị thơm ngon và đặc trưng, rượu vang của ông được các chuyên gia đánh giá cao và cho rằng chất lượng không thua kém gì rượu vang ngoại.
Tuy nhiên, trái ngược với mong đợi của Trương Trì, người tiêu dùng có vẻ như không quan tâm lắm đến thương hiệu rượu vang mới của ông. Thấy công việc kinh doanh ảm đạm, ông lo lắng không biết mở rộng thị trường như thế nào, liền nhờ một người bạn giúp đỡ. Tuy nhiên, họ lại khuyên ông nên chuyển nhượng nhà máy rượu vàng càng sớm càng tốt thì may ra mới gỡ lại chút vốn.
Thế nhưng bằng với một niềm tin mãnh liệt, Trương Trì không tin rằng người Trung Quốc sẽ không mua rượu chất lượng tốt như vậy mà đi mua rượu ngoại với giá cao. Thế là năm 2018, tỷ phú này quyết định tham gia Cuộc thi rượu vang quốc tế Pháp như một cách để quảng bá sản phẩm. Bất ngờ thay, sản phẩm của ông giành được huy chương vàng trong lần đầu tiên xuất hiện trên trường quốc tế, trở thành đại diện đầy triển vọng trong ngành chế biến rượu vang.
Sau cuộc thi này, rượu vang của Trương Trì trở nên vô cùng nổi tiếng, giúp ông giành được nhiều đơn đặt hàng trong nước và ở nước ngoài. Tầm ảnh hưởng không ngừng được mở rộng. Nhà máy rượu vang này hiện có hơn 10.000 mẫu đất trồng nho với quy trình sản xuất cao cấp và kỹ thuật ủ rượu cổ xưa. Có thể sản xuất hơn 10 triệu chai rượu mỗi năm và đã giành được nhiều giải thưởng lớn nhỏ tại Trung Quốc và quốc tế.
Khi được phóng viên hỏi liệu có hối hận khi từ bỏ cuộc sống thượng lưu, sung túc để chuyển sang làm một ông chủ vườn nhỏ hay không, tỷ phú Trương Trì trả lời:
“Tôi muốn làm người tử tế. Là người tử tế thì phải có năng lực, phải biết trả ơn xã hội và có lương tâm trong sáng.”
Sau đó, ông nhìn những công nhân đang làm việc chăm chỉ trong nhà máy rượu và nói: “Khi còn sống, người ta phải để lại một chút gì đó cho con cháu, cho người làm công, cho mọi người."
Với tâm thế đó, tỷ phú này tin rằng chỉ cần vườn nho của ông còn hoạt động, nó sẽ luôn tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương và giúp họ có cuộc sống tốt hơn. Cái tâm và cái tầm của Trương Trì khiến nhiều doanh nhân khác phải nể phục. Đó cũng chính là một trong những yếu tố giúp ông thành công đến vậy.
(Theo Toutiao)