Sau khi phân tích dữ liệu từ những năm 1950 đến năm 2019, nhóm các nhà khoa học quốc tế xác định rằng nhiệt độ trung bình của các đại dương trên thế giới vào năm 2019 là 0,075 độ C (0,125 độ F), cao hơn so với mức trung bình trong khoảng thời gian từ năm 1981 đến năm 2010.
Con số này dường như không có ý nghĩa liên quan đến vấn đề nóng lên của đại dương. Tuy nhiên, trên thực tế, để đạt được nhiệt độ đó, đại dương sẽ phải hấp thụ khoảng 228 sextillion joules nhiệt (228 000 000 000 000 000 000 000 joules nhiệt).
Đó là con số rất khó tưởng tượng, vì vậy, một trong những nhà khoa học đã tính toán và so sánh với số năng lượng được giải phóng bởi bom nguyên tử mà quân đội Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản năm 1945.
"Bom nguyên tử ở Hiroshima đã phát nổ với năng lượng khoảng 63.000.000.000.000 Joules.
Lượng nhiệt mà chúng ta đã đưa vào các đại dương trên thế giới trong 25 năm qua tương đương với 3,6 tỷ vụ nổ bom nguyên tử ở Hiroshima", tác giả Lijing Cheng từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc chia sẻ với báo chí.
Con số trung bình đó cho thấy, có 4 quả bom nguyên tử được ném vào các đại dương mỗi giây trong suốt 25 năm qua. Đáng lo ngại, con số báo động này không giữ ổn định mà còn tăng lên.
Năm 2019, sự nóng lên của đại dương tương đương khoảng 5 quả bom nguyên tử ở Hiroshima mỗi giây. "Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường của chúng ta", tác giả nghiên cứu John Abraham, từ Đại học St. Thomas ở Minnesota (Mỹ) nhận định.
Băng đang tan nhanh hơn khiến mực nước biển dâng cao. Cá heo và các sinh vật biển khác đang chết dần vì chúng không thể thích nghi đủ nhanh. Ngay lượng nước bay hơi vào khí quyển do sức nóng cũng tác động tiêu cực đến hành tinh của chúng ta.