Trí Thức Trẻ dẫn tin từ Helino, các nhà nghiên cứu cho biết, trong khi nước biển đang dần dâng lên vì băng tan, thì thực chất nước ở dưới đáy biển cũng đồng thời bị hút bớt.
Chúng chảy về đâu thì không ai rõ, chỉ biết rằng đó là hậu quả của những vụ va chạm của các mảng kiến tạo. Hay nói cách khác, nước đang bị hút dần xuống dưới lòng đất, được gọi là hiện tượng "hút chìm" (subduction zone).
Theo giải thích của các nhà khoa học, hút chìm là một khái niệm của địa chất học, diễn ra tại các ranh giới hội tụ của các mảng chuyển động, trong đó một mảng chìm xuống dưới mảng còn lại, tạo ra hiệu ứng hút.
Tốc độ hút chìm được đo đạc khoảng vài cm một năm. Tuy nhiên theo một nghiên cứu mới đây, tốc độ hút nước ấy cao hơn những gì đã được khoa học tính toán từ trước gấp 3 lần.
Theo Chen Cai, tác giả luận án tiến sĩ tại ĐH Washington (St. Louis): "Mọi người vẫn biết các vùng hút chìm có thể hút nước, nhưng không rõ lượng nước ấy là bao nhiên”.
Candace Major - giám đốc chương trình Khoa học Đại dương thuộc Quỹ khoa học Quốc gia cũng cho biết: "Nghiên cứu này cho thấy các vùng hút chìm thực chất hút được nhiều nước đến các tầng sâu nhất của Trái đất hơn chúng ta tưởng trước kia”.
Để thực hiện nghiên cứu này, các chuyên gia đã phải dành hơn 1 năm trời để "nghe". Âm thanh họ nghe là những rung động từ động đất, từ những va chạm của các mảng kiến tạo dưới vực Mariana (khe vực sâu nhất thế giới dưới lòng đại dương). Họ sử dụng 19 máy ghi địa chấn tại khu vực này, cùng với 7 máy ghi tại các hòn đảo lân cận.
Các nghiên cứu trước kia chỉ ra rằng khu vực này có thể giữ lại nước, nhưng không hề biết rằng lượng nước ấy là bao nhiêu, và chúng có thể xuống đến độ sâu nào. Hay nói cách khác, lượng nước bị hút xuống đi đến đâu, không ai biết.
Các nhà khoa học trước kia đã tin rằng hầu hết lượng nước chui xuống rãnh sẽ quay lại dưới dạng hơi nước, do núi lửa hoạt động cách đó vài trăm dặm. Nhưng qua nghiên cứu, họ nhận ra lượng nước chui vào lòng đất có vẻ vượt rất xa so với lượng nước quay trở lại.
Báo VnExpress đưa tin, nếu nước ở tất cả đại dương đổ xuống miệng cống 10 mét ở vực sâu nhất thế giới Mariana, diện mạo Trái Đất sẽ thay đổi đáng kể.
Theo đó, một video đồ họa đăng trên mạng xã hội Reddit trước đó dự đoán viễn cảnh khi nước từ tất cả đại dương bị hút xuống vực Mariana sâu khoảng 11.000 mét ở Thái Bình Dương.
Đây là sản phẩm của Ryan Brideau, nghiên cứu sinh ngành đồ họa và phân tích không gian địa lý tại Đại học New Brunswick, Canada.
Khi nước rút hết bản đồ phẳng của Trái Đất hé lộ các đường bờ biển mở rộng cùng với những dải đất xuất hiện giữa các lục địa và quần đảo trước đây khi nước biển dần rút cạn. Trong gần 3 triệu năm nước biển dần khô cạn, những quần đảo và vùng đất lớn nổi lên từ đại dương.
Quá trình nước rút ở Thái Bình Dương, nơi có vực Mariana và những vùng nước khác sẽ nhanh chóng bị bao quanh bởi đất liền và ngừng rút nước.
Brideau giải thích lần đầu tiên anh hình dung về một "nút chặn" tưởng tượng khổng lồ ở nơi sâu nhất dưới đại dương và những gì có thể xảy ra sau khi kéo nút chặn đó khi đọc một cuốn sách của nhà văn Randall Munroe.
Munroe giả định có một nút chặn đường kính khoảng 10 mét khiến nước biển bị hút vào và đổ lên sao Hỏa. Anh ước tính cần hàng trăm nghìn năm để quá trình rút nước xảy ra với mực nước biển hạ "chưa đến một centimet mỗi ngày".
Brideau rất hào hứng với thử thách tái tạo phiên bản đồ họa của mô hình mà Munroe sử dụng để tính toán viễn cảnh. Anh tìm thấy một video đồ họa về quá trình rút nước đại dương do các nhà khoa học NASA tạo ra năm 2008, nhưng nhóm nghiên cứu mắc một thiếu sót lớn khi không tính đến phần nối liền giữa các đại dương.
Việc thiết kế đồ họa kiểu này đòi hỏi bản đồ độ cao của các kết cấu đất ở bên trên và dưới mực nước biển, cùng với dữ liệu vị trí của tất cả những vùng nước lớn trên Trái Đất. "Những dữ liệu này cần ở 'dạng mành', nhưng thay cho mỗi pixel ghi chép màu, chúng ghi lại độ cao và sự tồn tại hoặc không tồn tại của nước", Brideau nói.
Mô hình sau đó ước tính tốc độ rút nước ở các đại dương, điều chỉnh theo những thay đổi ở phần nối liền giữa các vùng nước khi chúng bị cô lập bởi kết cấu nhô lên từ đáy biển và ngừng rút nước, Brideau giải thích.
(T/h)