Đạo hiếu xuyên suốt trong mọi phong tục của người Việt và viết về những đức hạnh tốt đẹp ở đời, không thể không nói đến chữ hiếu.
Hiếu thảo được xem như đứng đầu trăm hạnh (bách hạnh hiếu vi tiên) và bất hiếu là một tội nặng mà nhiều người vô tình mắc phải nhưng không biết.
Đại đức Thích Trí Thịnh – Phó ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hoà Bình Trụ trì Chùa Kim Sơn – Lạc Hồng (Công Viên tâm linh Lạc Hồng Viên) cho biết chữ hiếu được thể hiện qua nhiều thế hệ người Việt, với phong tục tập quán uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây và Phật giáo với tinh thần phật pháp.
Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, con người chúng ta vẫn có những thói quen vô tình phạm vào tội bất hiếu mà không phải ai cũng nhận ra. Dưới đây là những thói quen xấu mà theo Đại đức Thích Trí Thịnh, đó cũng là bất hiếu.
Thứ nhất: Tụng kinh niệm phật nhưng không quan tâm tới cha mẹ
Theo Đại đức Thích Trí Thịnh, nhiều người là Phật tử lên chùa thường xuyên nhưng lại không hiếu kính với cha mẹ của mình, đi từ thiện thường xuyên nhưng lại chẳng mảy may chăm lo cho người sinh thành ra mình.
Vấn đề hiếu hạnh luôn được đề cao trong đạo Phật. Mỗi phật tử khi đến chùa tu phúc làm công đức nhưng không hiếu kính mẹ cha thì công đức không thể trọn vẹn.
Đức Phật dạy chúng ta rằng cha mẹ cũng như là đức Phật tại thế. Hiếu kính cha mẹ cũng là cung kính đức Phật. Thế nên, thứ đầu tiên mà mỗi phật tử cần có, đó là tấm lòng hiếu kính với các bậc sinh thành.
Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ. Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.
Thứ hai: Chỉ cần lo vật chất cho bố mẹ là đủ
Trong cuộc sống hiện nay, không ít người có suy nghĩ rằng chỉ cần lo cho bố mẹ vật chất đầy đủ đã là có hiếu.
Từng có một người đàn ông là giám đốc một doanh nghiệp phát đạt. Anh ta lo cho bố mẹ đầy đủ vật chất, đón bố mẹ từ quê lên thành phố, mua nhà cho bố mẹ nhưng cả tháng không đến thăm họ vì lý do bận họp. Thậm chí, bố mẹ gọi điện anh cũng cáu, nói: "Con đang họp".
Sinh hoạt phí, thực phẩm ngon... anh ta nhờ thư ký mang đến và nghĩ như thế đã có hiếu với bậc sinh thành. Nhưng thực ra, suy nghĩ này thật sai lầm.
Theo Đại đức Thích Trí Thịnh, nhiều người nghĩ rằng chúng ta có thể báo hiếu cho cha mẹ, ông bà bằng vật chất là đủ song kỳ thực, vật chất chỉ là một phần và cái quan trọng hơn cả là sự quan tâm chăm sóc, tình cảm gần gũi với những người đã có ơn sinh thành dưỡng dục.
Ai cũng có công việc, ai cũng phải bươn trải với cuộc sống mưu sinh, nhưng, phận làm con, xin đừng chỉ mải mê với việc kiếm tiền, những cuộc vui mà sao nhãng việc quan tâm chăm sóc bố mẹ.
Đôi khi, họ chỉ cần những lời hỏi thăm ân cần, tử tế, những câu chuyện, sẻ chia rất đỗi bình thường của chúng ta mà thôi.
Thứ ba: Cãi lời cha mẹ, đua đòi
Trên thực tế, nhiều bạn trẻ vì sự non nớt, thiếu hiểu biết, hư hỗn của mình mà dùng những lời nói quá trớn làm tổn thương cha mẹ. Lại có không ít bạn vì ham chơi, đua đòi chúng bạn mà sa đà vào những thói hư tật xấu, khiến cha mẹ khổ sở, bất an.
Thứ tư: Ăn bám bố mẹ
Không thể phủ nhận trong cuộc sống này, vẫn có những người đã 30, 40 tuổi nhưng chẳng thể tự lo cho cuộc sống của mình, vẫn ăn bám bố mẹ, dựa dẫm, ỷ lại.
Những người như thế, không chỉ là gánh nặng cho bố mẹ, cho gia đình mà còn cho cả xã hội. Hành vi dựa dẫm, ỷ lại đó cũng chính là biểu hiện của sự bất hiếu, không biết nghĩ, không biết thương, không biết kính yêu, biết ơn những người đã sinh thành ra mình.
Mùa lễ Vu Lan Báo Hiếu, Đại Đức Thích Trí Thịnh muốn gửi tới tất cả mọi người rằng: Cha mẹ hi sinh cho con cái, không bao giờ yêu cầu đền đáp.
Cha mẹ là bến đỗ bình yên, là cội nguồn yêu thương hạnh phúc. Không cha không mẹ là nỗi đau lớn nhất, bất hạnh nhất mà không gì có thể bù đắp được. Hạnh phúc thay khi còn cha mẹ, khi được cài bông hồng đỏ thắm tình yêu thương.
Ngày tháng thoi đưa, tuổi xuân sẽ qua, tuổi già sẽ đến, tiền tài vật chất, sức khỏe rồi cũng sẽ phai tàn nhưng tình yêu thương, công đức sanh thành không bao giờ phai nhạt. Hãy làm tròn chữ hiếu, làm tròn đạo con. Đừng để đến phút cuối cuộc đời mới quay đầu hối tiếc thì đã quá muộn màng.