Phần bào chữa phẫn nộ của luật sự
Sáng 21/7, đối đáp lại phần bào chữa của bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) và luật sư cho rằng: "Viện kiểm sát căn cứ vào gia cảnh của người khác để xem số tiền 42 tỷ nhận hối lộ là lớn, luật sư thấy đánh giá này chưa thực sự chính xác, phải xem xét ở hai góc độ:
Thứ nhất, doanh thu của các doanh nghiệp qua các chuyến bay là bao nhiêu, 42 tỷ đồng là con số tổng hợp của 18 doanh nghiệp, chia trung bình ra xác định mỗi doanh nghiệp những khoản tiền đó chiếm bao nhiêu phần trăm, từ đó mới xác định số tiền đưa là lớn hay nhỏ.
Thứ hai, bản chất hơn 42 tỷ bị cáo Kiên nhận là phép cộng trên 30 nghìn công dân ở nước ngoài, mỗi công dân chỉ bỏ ra khoảng 500 - 2 triệu đồng để trở về. Vậy con số này là lớn hay nhỏ? Có lớn không khi bỏ ra số tiền đó để bảo đảm tính mạng, sức khoẻ của bản thân và gia đình? Có lớn không để phải ở lại nước ngoài mắc Covid-19? Có lớn không để so với thu nhập trung bình của số đông người Việt đang sinh sống làm việc ở nước ngoài đó là chưa kể giá trị tinh thần vô giá họ nhận được khi trở về đoàn tụ gia đình?"
Đối đáp lại nội dung này, đại diện Viện kiểm sát nói: “Tôi thấy rất phẫn nộ, chúng tôi cho rằng quan điểm trên của luật sư thể hiện sự thờ ơ trước nỗi đau khổ mất mát của đồng bào”.
Theo Viện kiểm sát, hành vi của bị cáo Kiên diễn ra thời điểm dịch bùng phát lan rộng, với những diễn biến khó lường, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người.
Ở Việt Nam trên trang thông tin của Bộ Y tế thống kê đến 19/7/2023, xác định hơn 43 nghìn người mất đi. Trong khi dịch bao trùm toàn thế giới, số người mắc bệnh tăng lên rất lớn, cả hệ thống chính trị Việt Nam vào cuộc, chung sức đồng lòng với quan điểm chống dịch như chống giặc. Hơn ai hết, tình dân tộc, tình đồng bào cảm thấy ý nghĩa thiêng liêng, xuất hiện nhiều tấm gương ở tuyến đầu chống dịch, những chuyến xe không đồng trải dài từ Bắc vào Nam, chuyến hàng không tính tiền kể cả các doanh nghiệp chung sức đồng lòng trước nguy cơ phá sản đã cùng Đảng, Chính phủ, cơ quan chức năng đồng hành cùng người dân ủng hộ phòng chống dịch, mua vắc xin...
“Cùng với những khó khăn đó, đồng bào ta ở nước ngoài cũng chịu muôn vàn thử thách, chỉ mong muốn trở về quê hương không bị bỏ lại nơi đất khách quê người. Vì vậy mới có chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo, hành vi của các bị cáo trong đó có Kiên đã làm mất đi chủ trương đúng đắn của Nhà nước, gây bất bình trong Nhân dân, phản bội sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, của Đảng”, đại diện Viện kiểm sát lập luận.
Bị cáo Phạm Trung Kiên.
Bị cáo khai báo quanh co
Viện kiểm sát cũng khẳng định Kiên là người có chức vụ, quyền hạn khi cùng Thứ trưởng Bộ Y tế tham gia tổ công tác 5 Bộ và được giao nhiệm vụ tiếp nhận văn bản, công văn từ các đơn vị khác.
Trong tổ công tác 5 Bộ thì Bộ Y tế đóng vai trò rất quan trọng. Bộ cho ý kiến về việc cấp phép các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao .
“Vì vậy Phạm Trung Kiên là người có nhiệm vụ, quyền hạn được giao thực hiện một công đoạn trong chuỗi quy trình cấp phép chuyến bay. Nếu Kiên không thực hiện đúng quy trình, chậm hay khi có phê duyệt của Bộ Y tế nhưng giữ lại chưa đóng dấu gửi Bộ Ngoại giao sẽ ảnh hưởng đến thời hạn cấp phép chuyến bay của doanh nghiệp”, Viện kiểm sát nêu.
Theo đối đáp của Viện kiểm sát, vụ án này rất nhiều bị cáo là doanh nghiệp sợ Kiên. Nếu không gặp gỡ sẽ bị gây khó khăn như không trình, trả văn bản để “ép” các doanh nghiệp phải chi tiền theo yêu cầu.
Ngoài hành vi “vòi” tiền, Viện kiểm sát cho hay trước khi bị khởi tố, Kiên đã gọi điện nhờ các doanh nghiệp nói đây là vay mượn dân sự và góp vốn kinh doanh nhằm che giấu hành vi phạm tội.
Quá trình điều tra, Kiên không khai báo quanh co về dòng tiền đổ về tài khoản, sau khi động viên bị cáo mới khai báo hành vi phạm tội. Đây là tình tiết duy nhất bị cáo được xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Trước đó, nêu quan điểm luận tội, Viện kiểm sát đề nghị mức án tử hình bị cáo Phạm Trung Kiên.