Chiều 7-9, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho biết sắp tới cơ quan này sẽ cử đoàn công tác vào tỉnh Bình Thuận để tiến hành giám sát Dự án hồ chứa nước Ka Pét (xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam).
Đoàn kiểm tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận vào vùng lõi rừng làm dự án.
Theo bà Thuỷ, đây là cuộc giám sát thường niên của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường để phục vụ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm (tháng 10-2023), chứ không phải đợi đến khi báo chí phản ánh thì cơ quan này mới đi kiểm tra, giám sát.
"Việc kiểm tra, giám sát này là nhiệm vụ Quốc hội giao trong nghị quyết, khi phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét"- bà Nguyễn Thị Lệ Thủy nói.
Bà Thủy cho biết việc xây dựng hồ chứa nước Ka Pét là rất cần thiết, quan trọng và bà con nơi đây đang mong chờ. Ngoài việc giữ được nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, còn điều tiết nước, cắt giảm lũ cho hạ du, phục vụ cho sản xuất công nghiệp…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khẳng định quy trình thẩm tra dự án được thực hiện rất chặt chẽ, đúng quy định pháp luật.
Để trình hồ sơ, Chính phủ đã chuẩn bị rất kỹ càng, trong đó đảm bảo tính chính xác của số liệu, đầy đủ thành phần hồ sơ, các bước thẩm tra. Từ khi Quốc hội chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét đến thời điểm báo chí phản ánh vừa qua, cơ quan này không nhận được bất cứ ý kiến nào của cử tri hay dư luận liên quan đến diện tích đất rừng của dự án.
"Tôi nhớ là tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, khi đưa ra Quốc hội để thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét, sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra, gần 500 đại biểu không có ý kiến phản đối nào"- bà Thủy cho biết.
Về vị trí làm hồ chứa, theo bà Thuỷ, trước đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khảo sát, quy hoạch hồ ở vị trí này. Sau này UBND tỉnh Bình Thuận tiếp nhận và làm tiếp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng trong quá trình làm dự án, chắc chắn phải có cả tác động tích cực, lẫn mặt tiêu cực, tuy nhiên phương án hiệu quả và có mặt tích cực nhiều hơn, sẽ được lựa chọn.
"Trong quá trình quy hoạch, tỉnh Bình Thuận cũng đã đưa ra rất nhiều phương án để xem xét, đánh giá tính hiệu quả, những tác động tiêu cực, và cuối cùng lựa chọn phương án hiện nay với những tác động tiêu cực đến rừng ở mức thấp nhất"- bà Nguyễn Thị Lệ Thủy nói.
Được biết, chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vào ngày 26-11-2019 (Nghị quyết số 93/2019/QH14).
Theo Nghị quyết số 93/2019/QH14, tổng diện tích sử dụng đất của dự án là 693,31 ha, trong đó diện tích có rừng là 680,41 ha (bao gồm: Chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng là 162,55 ha; rừng phòng hộ là 0,91 ha; rừng sản xuất là 471,09 ha; rừng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 45,85 ha) và diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 12,9 ha. Tổng mức đầu tư của dự án là 585,647 tỉ đồng. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2019 - 2024.
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình tờ trình điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Trong các nội dung điều chỉnh, diện tích sử dụng đất của dự án lên gần 698 ha (tăng gần 4,5 ha so với phê duyệt ban đầu). Trong đó, đất có rừng khoảng 620 ha (giảm 60,83 ha) gồm đất rừng đặc dụng là 137,95 ha (giảm 24,6 ha), đất rừng phòng hộ là 0,51 ha (giảm 0,4 ha), đất rừng sản xuất là 440,4 ha (giảm 30,69 ha), đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72 ha (giảm 5,13 ha).
Sau đó, trong Nghị quyết số 101/2023/QH15 Nghị quyết Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV ngày 24-6-2023, Quốc hội đã quyết nghị điều chỉnh nội dung của Nghị quyết số 93/2019/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét. Cụ thể, quy mô diện tích sử dụng đất của dự án là 697,73 ha. Thời gian thực hiện từ năm 2019 đến hết năm 2025. Tổng mức đầu tư là 874,089 tỉ đồng; mở rộng địa điểm trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Các nội dung khác tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 93/2019/QH14.