Talkshow "Giải mã nhân lực ngành Game" do Appota tổ chức sáng 31/7 đã tháo gỡ định kiến, đem lại góc nhìn mới mẻ phía sau những công việc lên quan đến game tại thị trường Việt Nam.
Một trong số đó là nhận định đến từ anh Vũ Anh Đức, Giám đốc Đào tạo Arena Multimedia. "Không nên nhìn vào người nghiện chơi game mà đánh giá cả ngành game", anh Đức khẳng định.
Đại diện từ Arena Multimedia cho biết qua quá trình làm công việc liên quan đến game, anh nhận thấy những người chơi game thường có phản xạ nhanh, kỹ năng teamwork tốt. Ngoài ra, một số game giúp người chơi linh hoạt hơn, mở rộng khả năng kết nối khi các giao dịch trong game có thể giúp họ kiếm tiền thật ngoài đời.
"Dĩ nhiên nghiện cái gì quá không tốt, nghiện mua sắm quá không tốt, uống rượu nhiều quá không tốt nhưng có chừng mực thì cái gì cũng tốt. Chúng ta không nên nhìn phiến diện trong ngành game, game cũng có game giáo dục, giải trí,…giúp con người thư giãn, giảm stress".
Theo báo cáo từ Appota, năm 2019 toàn Việt Nam có khoảng 50 triệu người chơi game, chiếm 51% dân số, tổng doanh đạt khoảng 500 triệu USD.
Ước tính, nhân sự phục vụ ngành game cũng đang rơi vào 23.000 đến 28.000 người, bao gồm cả full-time, part-time, freelancer,....
Cả nước có gần 200 công ty, doanh nghiệp liên quan đến ngành game (studio, developers, nhà phát hành (NPH), agency,…) mở ra nhiều cơ hội và vị trí nghề nghiệp đa dạng cho giới trẻ, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin trình độ cao.
Là đại diện đến từ phía công ty game, chị Trang Vũ, Giám đốc vận hành Gamota, cho biết tuỳ thuộc vào vị trí công việc mà những người làm trong ngành game sẽ phát triển được nhiều kỹ năng khác nhau.
Ví dụ với với vị trí marketing, có những người không sở hữu kinh nghiệm gì nhưng sau khi vào ngành game, nơi môi trường cạnh tranh cao với các dự án ra mắt liên tục, họ nhanh chóng thu được các kỹ năng từ quá trình thực chiến.
Chưa kể, ngành game là ngành có chi phí marketing nhiều, việc chi tiêu nhiều sẽ tạo điều kiện để nhân sự đánh giá được hiệu quả các kênh truyền thông và các content tạo ra bởi "chỉ tiêu thì mới biết hiệu quả đến đâu".
Đại diện Gamota cũng nhấn mạnh game là ngành giúp nhân sự phát triển tư duy về con số và dữ liệu. Công việc liên quan đến game đòi hỏi người tham gia phải làm việc với các chỉ số, tiếp xúc hàng trăm nghìn, hàng triệu user, từ đó họ sẽ phát triển được tư duy logic, khả năng phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề dựa trên những con số.
"Trong thời mà tư duy data rất quan trọng như hiện nay thì làm trong ngành game là môi trường thuận lợi để các bạn tiếp xúc hàng ngày với con số".
Tương tự ý kiến của hai vị khách mời kể trên, anh Mạnh An, một trong những bình luận viên, streamer nổi tiếng tại Việt Nam, thừa nhận tham gia ngành game là cơ hội để nhiều bạn trẻ rèn luyện kỹ năng, tinh thần sáng tạo.
Anh cho biết thời gian qua, nhiều tựa game phát triển mạnh khiến công ty anh làm việc phải liên tục tuyển dụng nhân sự mới. Sau một vài sự kiện, giải đấu, những người mới này như biến thành con người khác, trẻ trung, năng động hơn trong khi tính sáng tạo được khơi gợi triệt để qua từng ngày.
"Ngành game trang bị cho các bạn nhiều hành trang mà trường học không dạy. Đừng bao giờ lăn tăn khi vào ngành này, chỉ có hơn chứ không có kém", nam streamer khẳng định.