Trong khi các nhà máy, cửa hàng, khách sạn và nhà hàng không ngừng cảnh báo tình trạng người dân ít ra đường đang tạo nên những thành phố "ma", thì phía sau cánh cửa của nhiều căn hộ và ngôi nhà, hàng nghìn doanh nghiệp vẫn cố gắng tìm cách hoạt động trên thế giới mạng.
"Đây là cơ hội tốt để chúng tôi thử nghiệm làm việc từ nhà ở quy mô lớn", Alvin Foo, giám đốc quản lý của công ty quảng cáo Thượng Hải Reprise Digital có 400 nhân viên nói. "Không hề dễ dàng đối với một công ty mà mọi người phải cùng bàn bạc trực tiếp với nhau rất nhiều". Chat qua video và gọi điện thoại chắc chắn được sử dụng liên tục.
Hiện tại, hầu hết người dân Trung Quốc vẫn đang trong kỳ nghỉ Tết âm lịch, nhưng khi các công ty bắt đầu quay trở lại làm việc, gần như chắc chắn sẽ diễn ra tình huống làm việc từ nhà lớn nhất trên thế giới.
Điều đó có nghĩa rất nhiều người muốn sắp xếp gặp gỡ khách hàng và họp nhóm thông qua các ứng dụng chat video hay các phần mềm hiệu suất như WeChatWork hoặc Slack-like Lark…
Tâm điểm của mô hình làm việc mới sẽ là các trung tâm tài chính của Trung Quốc như Hong Kong và Thượng Hải – nơi các khu vực doanh nghiệp tài chính phải dựa vào hàng trăm nghìn nhân viên về tài chính, hậu cần, bảo hiểm, luật… để vận hành.
"Không ai chấp nhận họp hành, lịch làm việc của tôi khá trống", một cố vấn đầu tư tại Hong Kong Jeffrey Broer cho hay. "Một người còn email tôi rằng: 'chúng ta có thể gặp mặt lúc nào đó vào giữa tháng 2 được không?'".
Nhiều doanh nghiệp chấp nhận để nhân viên làm việc từ nhà (ảnh: SCMP)
Một trong những yếu tố không ổn định là ảnh hưởng biến đổi rất nhanh của virus, dẫn đến các thay đổi thường ngày trong các chỉ đạo của doanh nghiệp.
"Thông thường làm việc trở lại sau kỳ nghỉ lễ đã hơi lạ lẫm nhưng làm việc từ nhà với thông báo gấp còn bất thường hơn", Tiko Mamuchasvili, một chuyên gia hoạch định sự kiện tại khách sạn Hyatt, Bắc Kinh chia sẻ. Cô đáng lẽ phải quay trở lại làm việc vào 31/1, nhưng lại nhận được thông báo gia hạn nghỉ lễ tới 3/2. Sau đó cô được lệnh làm việc từ nhà thêm 2 ngày nữa, rồi lại một thông báo khác nói kéo dài tình trạng tới ngày 10/2. Mỗi ngày cô phải báo cáo với cơ quan về vị trí và nhiệt độ cơ thể. "Do mỗi ngày đều có sự kiện bị hủy bỏ, về cơ bản, tất cả những gì tôi có thể làm chỉ là trả lời email", Mamuchashvili nói.
Một số nhà quản lý e ngại việc không đến văn phòng sẽ làm giảm năng suất làm việc, nhưng có những bằng chứng cho thấy sự đối lập. Một nghiên cứu năm 2015 của Đại học Stanford chỉ ra, hiệu suất của những nhân viên trung tâm trực điện thoại tại công ty lữ hành Ctrip của Trung Quốc tăng 13% khi họ làm việc từ nhà. Nguyên nhân là do thời gian nghỉ giữa chừng ít hơn và môi trường làm việc thoải mái hơn.
Không gian làm việc chung
Đại dịch virus corona cũng ảnh hưởng tới một mô hình kinh doanh mới đang bùng phát tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc trong thời gian gần đây: các không làm việc chung (co-working space).
"Sẽ là thời kỳ rất khó khăn", Dave Tai, phó giám đốc của Beeplus, một không gian làm việc chung kết hợp hiệu bánh với hơn 300 nhân viên, dự đoán. Nếu không có người tới làm việc, các không gian như vậy sẽ không thể sống tiếp. "Cốt lõi của không gian làm việc chung là cộng đồng, mọi người tới cùng nhau. Rất khó để thay thế sự tương tác và kết nối như vậy ở trên mạng", Tai nói.
Đối với nhiều công ty, yêu cầu nhân viên làm từ nhà chỉ giải quyết một phần của vấn đề. Nhiều nơi dựa vào các nhà máy, công ty hậu cần và nhà bán lẻ - vốn cũng đang phải đối mặt với các thách thức của riêng mình.
2020 đáng lẽ là một năm đầy hứa hẹn với nhà sản xuất điện thoại Casefity. Tuy nhiên, bùng phát dịch đã khiến các nhà máy tại Trung Quốc đóng cửa và Casetify phải để hầu hết nhân viên làm việc từ nhà. Cửa hàng mới tại sân bay Hong Kong không thể mở cửa, doanh số bán hàng trong thành phố giảm sút.
Người dân Thái Lan đeo khẩu trang khi ra đường nhằm phòng chống bị lây nhiễm
Không có kế hoạch B
Casetify còn đủ hàng cho 30 ngày nhưng theo CEO Wes Ng, họ không có kế hoạch B nếu các nhà máy không mở cửa lại sớm. Đây cũng là tình trạng mà hàng nghìn doanh nghiệp khác của Trung Quốc đang rơi vào.
Thậm chí cả những người có thể làm việc qua Internet và điện thoại, virus khiến khối lượng công việc bị giảm sút. Theo giới ngân hàng, các thỏa thuận và cổ phiếu lên sàn bị hoãn lại; giá trị giao dịch trong 30 ngày đầu tiên của năm 2020 chỉ bằng một nửa so với năm trước…
"Điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra", nhà phân tích Ting Lu của Nomura đánh giá. "Chúng tôi thừa nhận virus corona có thể là cú đánh nghiêm trọng hơn vào kinh tế Trung Quốc so với dịch SARS năm 2003".
Còn giáo sư Warwick McKibbon của Đại học Quốc gia Australia ở Canberra chỉ ra, một phần tác động tới nền kinh tế trong thời điểm dịch bệnh bùng phát gần như chắc chắn đến từ những thay đổi trong "tâm lý con người".
Theo ông, SARS khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại 40 tỷ USD còn cú sốc từ virus corona có thể gấp ba hoặc bốn lần. "Nỗi sợ hãi dường như là ảnh hưởng lớn nhất tới nền kinh tế hơn là cái chết", ông McKibbon nói.
Với nhà máy đóng cửa và nhân viên làm việc từ nhà, ngành công nghiệp dịch vụ Trung Quốc đang đối mặt thời điểm khó khăn. So với thời điểm dịch SARS, ngành dịch Trung Quốc đã tăng trưởng 41%, chiếm 53% tỷ trọng nền kinh tế. Nhưng không có khách hàng, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng nguy cấp.
Một số doanh nghiệp đã phải tìm đến Internet để giữ chân khách hàng. Fenix Chen, chủ phòng tập gym Hi Funny tại Thượng Hải dự kiến đóng cửa phòng tập tới ngày 10/2 theo khuyến cáo của thành phố. Tuy nhiên, Chen khuyến khích khách hàng tập luyện ở nhà thông qua các video hướng dẫn đăng tải trên mạng. "Nếu họ tiếp tục thói quen này, điều đó cũng quan trọng cho việc kinh doanh của chúng tôi sau khi dịch bệnh kết thúc", Chen cho hay.