25.000 tấn rác thải liên quan COVID-19 đã trôi nổi trên đại dương. Ảnh: Shutterstock
Theo tờ Dailymail, các nhà nghiên cứu tại California (Mỹ) đã xây dựng một mô hình máy tính mô phỏng đường đi của rác thải nhựa. Họ ước tính 193 quốc gia đã xả ra 8,4 triệu tấn rác thải nhựa liên quan COVID-19 từ đầu đại dịch cho tới tháng 8/2021.
Mô hình dự báo gần 3/4 trong số đó (71%) có thể sẽ dạt lên các bãi biển vào cuối năm nay.
Phần lớn rác thải nhựa liên quan COVID-19 là rác thải y tế do các bệnh viện thải ra và đa số là PPE và bao bì của các tập đoàn mua sắm trực tuyến như Amazon và eBay.
PPE gồm khẩu trang, tấm chắn giọt bắn, găng tay dùng một lần, trang phục phẫu thuật. Trong khi đó, nhựa liên quan COVID-19 gồm cả PPE và các loại bao bì nhựa dùng để đựng các vật này, cũng như nhựa từ các bộ xét nghiệm.
Tất cả đều có thể bị xả ra sông và cuối cùng trôi ra các đại dương nếu không được vứt bỏ đúng cách.
Nghiên cứu trên do nhóm nhà nghiên cứu tại khoa khoa học khí quyển trường Đại học Nam Kinh và Viện Đại dương học Scripps thuộc Đại học California ở San Diego thực hiện. Họ sử dụng dữ liệu từ đầu đại dịch năm 2020 tới tháng 8/2021.
Theo nghiên cứu, đại dịch COVID-19 đã khiến nhu cầu dùng đồ nhựa một lần tăng vọt, gây thêm áp lực với vấn đề rác thải nhựa vốn đã ngoài tầm kiểm soát. Số rác thải bị xả vào đại dương này đặt ra một vấn đề lâu dài cho môi trường đại dương, dần dần sẽ tích tụ trên các bãi biển.
Theo mô hình nghiên cứu, sông ở châu Á là nơi mà 73% rác thải nhựa bị xả ra, trong đó ba con sông hứng nhiều rác thải nhựa nhất là Shatt al-Arab, Indus và Dương Tử. Sau đó, rác nhựa sẽ bị cuốn vào Vịnh Persian, Biển Arab và Biển Hoa Đông. Trong khi đó, sông ở châu Âu là nơi 11% lượng rác thải bị xả ra.
Châu Á là nơi có tỷ lệ ca mắc COVID-19 cao nhất (31,2%) và chiếm nhiều lượng rác thải liên quan COVID-19 nhất với 46,3%. Con số này cho thấy nhiều quốc gia đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ xử lý rác thải y tế ít hơn nhiều so với các nước phát triển ở Bắc Mỹ và châu Âu – nơi cũng có nhiều ca mắc.
Đồng tác giả nghiên cứu Amina Schartup tại Viện Đại dương học Scripps cho biết: “Khi chúng tôi làm thuật toán, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy lượng rác thải y tế lớn hơn nhiều lượng rác thải từ cá nhân và đa số bắt nguồn từ các nước châu Á, kể cả ở những nước không phải là nơi có nhiều ca COVID-19 nhất”.
Các nhà nghiên cứu cũng ước tính trong vòng ba hoặc bốn năm tới, phần lớn rác thải nhựa trên đại dương sẽ dạt lên bãi biển hoặc chìm xuống đáy biển.
Để xử lý số rác thải khổng lồ trên đại dương này, các tác giả kêu gọi quản lý tốt hơn rác thải y tế tại các tâm dịch, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Họ cũng kêu gọi toàn cầu nâng cao nhận thức về ảnh hưởng môi trường của rác thải nhựa và PPE và phát triển các loại vật liệu thân thiện với môi trường.
Một cách tiếp cận nữa có thể là phát triển công nghệ đổi mới để thu gom, phân loại, xử lý và tái chế rác thải nhựa tốt hơn.
Người dân có thể góp phần bằng cách vứt rác thải liên quan COVID-19 đúng nơi quy định và tái chế khi có thể.