Người dân Mỹ viết tên người thân đã mất COVID-19, nghèo đói... trên bức tường tưởng niệm trong một sự kiện diễn ra vào tháng 6-2022 ở Washington - Ảnh: AFP
Với việc tiếp cận và sử dụng thích hợp các công cụ cứu chữa hiện có, COVID-19 có thể trở thành một căn bệnh có thể kiểm soát được với tỉ lệ mắc và tử vong giảm đáng kể.
WHO cho biết trong tài liệu hướng dẫn phòng chống COVID-19 cho các nước mới đây.
Trong cuộc phỏng vấn với Đài CBS phát sóng ngày 18-9, ông Biden trả lời nhiều vấn đề từ lạm phát, Đài Loan cho đến dịch COVID-19, trong đó ông cho rằng đại dịch hoành hành khắp thế giới ba năm qua đã chấm dứt. Nhưng các chuyên gia vẫn bàn cãi liệu đại dịch có thật sự kết thúc hay chưa.
Nhiều tín hiệu tích cực
"Chúng tôi (Mỹ) vẫn còn vấn đề với COVID-19. Chúng tôi vẫn đang làm nhiều việc liên quan dịch bệnh này. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã kết thúc" - Tổng thống Biden nói trong cuộc phỏng vấn với Đài CBS, trong đó ông nói rằng hiện nay không còn ai đeo khẩu trang và mọi người đều thấy khỏe.
Quả thật, dịch bệnh đã thay đổi rất lớn kể từ lúc ông Biden nhậm chức khi số ca tử vong hằng ngày từ đỉnh điểm 3.000 ca đã giảm mạnh nhờ thuốc điều trị, vắc xin phòng ngừa phổ biến hơn.
Dù vậy Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết hiện vẫn còn khoảng 400 người tử vong mỗi ngày vì COVID-19 ở nước này. Bản thân ông Biden cũng hai lần chiến đấu với căn bệnh từ hồi tháng 7-2022 và vợ ông mắc bệnh một tháng sau đó. Tuy nhiên ông khẳng định việc hầu hết số ca hiện tại là nhẹ cho thấy tình hình đã tốt hơn rất nhiều.
Phát biểu của tổng thống Mỹ tiếp nối phát biểu đầy tích cực mới đây của lãnh đạo WHO và trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới dần gỡ bỏ các biện pháp chống dịch còn lại.
Tuần trước Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết thế giới đã nhìn thấy "ánh sáng cuối đường hầm" và cho rằng đây là thời điểm tốt nhất để kết thúc đại dịch.
"Tuần trước số ca tử vong do COVID-19 được báo cáo hằng tuần thấp nhất kể từ tháng 3-2020. Chúng ta chưa bao giờ ở vị thế tốt hơn như hiện nay để chấm dứt đại dịch. Chúng ta vẫn chưa đạt đến đích đó, nhưng kết quả đã ở trong tầm mắt" - ông Tedros phát biểu, dù WHO hiện vẫn coi COVID-19 là tình trạng khẩn cấp y tế.
Theo các quan chức WHO, dù vẫn có khả năng dịch tăng trở lại nhưng thế giới đã có trong tay những công cụ như vắc xin phòng bệnh và thuốc chữa bệnh để ngăn chặn bệnh trở nặng.
Dù không tuyên bố chấm dứt đại dịch như Mỹ, nhiều nước đang dần gỡ bỏ những biện pháp chống dịch cuối cùng. Tuần trước, Nhật Bản thông báo sẽ ngưng sử dụng ứng dụng truy dấu dịch trên điện thoại và thôi báo cáo chi tiết số ca mắc COVID-19. New Zealand hạ mọi rào cản đối với du khách và bỏ các biện pháp như đeo khẩu trang, bắt buộc tiêm ngừa từ cuối tháng 9-2022.
Theo tổ chức Our World in Data, thế giới ghi nhận thêm 19,4 triệu ca bệnh trong một tháng qua và số ca trung bình trong tuần trước đã giảm xuống dưới mốc 500.000 ca/ngày. WHO cho biết số ca tử vong cũng giảm 22% trong tuần từ 5 đến 11-9, xuống còn khoảng 11.000 ca.
Nguồn: TRẦN PHƯƠNG, Liên Hiệp Quốc - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Đến vạch đích mới yên tâm
Ông Tedros cũng cảnh báo khoảng cách cuối cùng trước khi chạm đến vạch đích sẽ vô cùng quan trọng bởi nguy cơ có thêm nhiều biến thể, số ca tử vong và hỗn loạn khi thế giới nới lỏng các biện pháp chống dịch. "Người chạy marathon không bao giờ ngừng cho đến khi thấy vạch đích", ông nói.
Trong khi đó Hãng tin Anadolu dẫn lời người phát ngôn WHO Margaret Harris cảnh báo tình hình có thể đảo chiều vào mùa đông năm nay khi mà mọi người tụ tập trong nhà nhiều hơn, bệnh viện quá tải...
Trong khi đó ngay sau phát biểu của Tổng thống Biden, chuyên gia y tế hàng đầu của Mỹ Eric Fegl-Ding đã phản bác rằng: "Đại dịch chưa kết thúc. Gần 3.000 người Mỹ tử vong vì COVID-19 mỗi tuần... Chưa kể hội chứng COVID-19 kéo dài ảnh hưởng hàng triệu người".
Tại Canada, chuyên gia Fahad Razak từng thuộc nhóm cố vấn về COVID-19 cho chính phủ nói rằng còn quá sớm để tuyên bố dịch đã chấm dứt bởi các biến thể của virus thường xuất hiện nhiều vào cuối năm khiến số ca có thể tăng trở lại. Theo ông, dịch có thể coi là chấm dứt nếu không có đợt bùng dịch nào từ nay đến mùa xuân năm sau. Trong khi đó, giáo sư Colin Furness của Đại học Toronto nói rằng dịch vẫn còn nghiêm trọng trong khi hệ thống y tế đã kiệt sức.
Nhiều ý kiến đồng tình rằng thế giới không nên lơ là trước dịch COVID-19. "Cần phải có vắc xin và phương pháp điều trị tốt hơn để duy trì thành công này, nhưng phần lớn dân số thế giới vẫn chưa được tiếp cận với vắc xin. Các tổ chức nghiên cứu, cơ quan tài trợ và ngành công nghiệp hiện phải dẫn đầu nỗ lực áp dụng các bài học kinh nghiệm từ việc chống COVID-19, chuyển hướng nghiên cứu sang kiểm soát các bệnh truyền nhiễm...", bài viết trên tạp chí Lancet nhận định.