Dịch hạch từng là một trong căn bệnh truyền nhiễm đáng sợ nhất lịch sử loài người, bởi lẽ, nó có khả năng lây truyền mạnh mẽ trên toàn cầu, càn quét hàng trăm triệu sinh mạng bởi những hạch sưng đầy đau đớn, da thịt tổn thương đến thâm đen và nhiều triệu chứng khủng khiếp khác.
Loài người đã trải qua ba lần đại dịch hạch, diễn ra lần lượt vào năm 561, năm 1334-1372 và năm 1894-1959. Xen kẽ với đợt dịch siêu lớn này, Cái chết Đen vẫn dai dẳng ám ảnh con người bằng rất nhiều lần bùng dịch khác.
Với số lượng bệnh nhân lớn mỗi lần bùng phát cùng với nền y học dựa vào sức người là chủ yếu, đội ngũ y bác sĩ phải đối phó với dịch bệnh vô cùng khó khăn, vất vả.
Vào thế kỷ 17, với hy vọng giảm nguy cơ nhiễm bệnh cho y, bác sĩ, Charles de Lorme – bác sĩ nổi tiếng từng trị bệnh cho nhiều hoàng gia đã phát minh ra một loại trang phục phòng hộ vào năm 1619. Điều đáng nói là trang phục này trông rất dị thường, đáng sợ và là sản phẩm của những quan niệm sai lầm.
Charles de Lorme – Bác sĩ nổi tiếng thế kỷ 17, từng khám chữa bệnh cho nhiều hoàng gia, đồng thời là người phát minh ra chiếc mặt nạ chim phòng độc. (Ảnh: The Picture Art Collection, Alamy)
Theo đó, trang phục phòng hộ dịch hạch bao gồm một chiếc mũ da dê rộng vành, một chiếc mặt nạ phòng độc, một chiếc áo choàng suông phủ từ đầu đến hết chân được bôi sáp, găng tay, ủng và một chiếc gậy dùng để tránh tiếp xúc tay với bệnh nhân.
Chiếc mặt nạ phòng độc trông đặc biệt quái dị với hai chiếc kính mắt to tròn và chiếc mũi nhọn, kéo dài đến 15cm, trông hệt như mỏ chim. Trên mỏ có hai lỗ nhỏ gần mũi đủ để cho người mặc hít thở. Bên trong chiếc mỏ có chứa nhiều hương liệu, thảo dược khử độc.
Giải mã Cái chết Đen
Y học thời bấy giờ tin rằng bệnh dịch hạch truyền nhiễm qua không khí. Các loại hương liệu có vị ngot, hăng và cay được cho là có khả năng khử trùng không khí ở những vùng nhiễm dịch.
Chính vì vậy mà các bác sĩ đã nhét đầy mặt nạ của họ một hợp chất pha chế từ hơn 55 loại thảo dược và các chất phụ khác như bột rắn lục, quế, nhựa thơm và mật ong. De Lorme cho rằng hình dạng giống mỏ chim của chiếc mặt nạ sẽ cung cấp đủ không gian và thời gian để không khí lưu thông trong mặt nạ ngấm thuốc, giúp bảo vệ người mặc khỏi không khí chứa độc dịch hạch.
Hình vẽ các bác sĩ dịch hạch thế kỷ 17 ở châu Âu. (Ảnh: Ancient Origins)
Trên thực tế, đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm về căn bệnh quái ác này. Bệnh dịch hạch do vi khuẩn Yersinia pestis – một loại ký sinh có ở các loài gặm nhấm, đặc biệt là chuột – gây ra. Chúng truyền từ động vật sang người qua đường máu bởi những vết cắn của bọ chét, hoặc lây truyền do tiếp xúc phải các loại chất dịch từ cơ thể bị nhiễm bệnh.
Ngoài ra, nhiều nguồn tin dân gian còn tin rằng dịch hạch bắt nguồn từ loài chim. Do vậy mà việc sử dụng mặt nạ hình chim có thể khiến mầm bệnh tụ vào bộ trang phục và không truyền vào người mặc. Tuy nhiên vẫn chưa có bằng chứng xác thực nào cho thấy liệu De Lorme có thiết kế trang phục dựa vào niềm tin này hay không.
Dù phát minh của De Lorm lúc bấy giờ là rất đáng tuyên dương, nhưng thực chất bộ trang phục vốn không hề đem tại tác dụng phòng bệnh hiệu quả nào mà đôi khi còn khiến người mặc mệt mỏi vì khó thở.
Không chỉ vậy, hình thù kỳ quái của nó cũng trở thành nỗi ám ảnh, sợ hãi của bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em. Đối với rất nhiều người, ngoài việc gợi nhớ cảnh tượng chết chóc tang thương của đại dịch "Cái chết Đen", hình ảnh bác sĩ trong bộ trang phục "người chim" còn trông không khác gì tử thần, và chiếc gậy chuyên dụng mà họ cầm trên tay chính là lưỡi hái.
Cũng chính vì thế mà hình ảnh bác sĩ dịch hạch mang mặt nạ chim đã trở thành nguồn cảm hứng của rất nhiều tranh vẽ, câu chuyện kinh dị, bí ẩn. Nó xuất hiện trong commedia dell’arte - một loại hình hài kịch nổi tiếng của Ý. Thậm chí ngày nay, trang phục "bác sĩ dịch hạch" còn là một trong những tạo hình được ưa thích trong các lễ hội hóa trang hay lễ Halloween.
Trang phục "bác sĩ dịch hạch" trở thành nguồn cảm hứng cho các câu chuyện kinh dị, kỳ bí
…và là tạo hình được yêu thích trong các lễ hội hóa trang.
Tham khảo: National Geography, Ancient Origins