Theo ông Datsyshen, xung đột biên giới giữa Liên Xô và Trung Quốc liên quan đến Tuyến đường sắt Đông Trung Quốc (CER) có ý nghĩa lớn đối với đảng Bolshevik, và đại diện cho những lợi ích cùng đấu tranh của nhà nước Liên Xô với các thế lực chính trị khác nhằm giành vị thế lãnh đạo toàn cầu.
Tuyến đường sắt nhiều thị phi
Xung đột 1929 là cuộc đối đầu quân sự Xô-Trung xoay quanh việc tranh giành quyền điều hành CER. Giữa hai nước đã có một số cuộc đối đầu ở biên giới kể từ thế kỷ 17. Nước Nga Sa hoàng từng chiếm được hơn 1.24 triệu km2 lãnh thổ từ nhà nước phong kiến Trung Quốc.
Tranh cãi xuất phát từ tuyến đường sắt Xuyên Siberia chạy qua vùng Mãn Châu của Trung Quốc tới cảng Vladivostok của Liên Xô. Khởi công từ năm 1891, song đến năm 1895 tuyến đường này mới chỉ kéo tới Hồ Baikal. Câu hỏi đặt ra là đường sắt sẽ mở rộng theo tuyến Kiakhta-Bắc Kinh, đi qua sông Amur, hay qua vùng Bắc Mãn Châu.
Theo Global Security, tuyến đường sắt Kiakhta-Bắc Kinh được cho là sẽ gây quan ngại từ các cường quốc khác, trong khi lộ trình theo hướng sông Amur phải đối mặt với những khó khăn lớn về thiết kế và thi công cùng với rủi ro kinh tế, nên Bắc Mãn Châu là phương hướng được lựa chọn.
Trong hiệp ước bí mật ký vào ngày 22/5/1896 - trực tiếp chống lại Nhật Bản, triều đình Thanh của Trung Quốc đã chấp thuận việc xây dựng tuyến đường sắt từ biên giới Nga đi qua vùng Mãn Châu tới Vladivostok - còn gọi là CER.
Trương Học Lương (trái), tư lệnh quân Đông Bắc Trung Quốc giao tranh với Liên Xô, chụp ảnh cùng Tưởng Giới Thạch tháng 11/1930 (Ảnh: Wiki)
Năm 1898, đế quốc Nga một lần nữa ép chính phủ Thanh ký hiệp ước "cho thuê đất", trong đó Nga chiếm các thành phố Lữ Thuận Khẩu, Đại Liên và vùng nước xung quanh làm tô giới, tước quyền tài phán của Trung Quốc và biến khu vực này thành địa bàn của Nga, đồng thời giành đặc quyền xây dựng CER cũng như quản lý hàng trăm nghìn du khách và người định cư trong vùng.
Do ảnh hưởng to lớn của nó, CER trở thành tác nhân của một số xung đột then chốt trong nửa thế kỷ tiếp theo.
CER hoàn thành vào năm 1900, tuyến Cáp Nhĩ Tân-Đại Liên thông xe vào năm 1903. Tuyến đường sắt dài 2.800km giúp Moskva đạt được mục đích vươn tầm ảnh hưởng vào vùng Đông Bắc Trung Quốc.
Tư liệu của tạp chí Viêm hoàng Xuân thu (Trung Quốc) nêu, việc Nga, Đức, Pháp can thiệp vào hiệp ước Shimonoseki - mà Thanh ký với Nhật Bản sau thất bại trong hải chiến Giáp Ngọ (1894), buộc Nhật trao trả Liêu Đông cho Trung Quốc, đã khiến Tokyo giận dữ. CER đi vào hoạt động được cho là một phần nguyên nhân nổ ra chiến tranh Nga-Nhật để giành lợi ích ở vùng Đông Bắc Trung Quốc.
Trung Quốc đòi thu hồi đường sắt, lãnh sự quán Liên Xô bị đột kích
Sau khi Cách mạng Tháng Mười thành công, trong đêm 7/11/1917, Đại hội các Xô viết được triệu tập, tuyên bố thành lập chính quyền Xô viết do V.I.Lenin đứng đầu.
Theo Viêm hoàng Xuân thu, chính quyền Nga Xô đã hai lần tuyên ngôn đối với Trung Quốc trong các năm 1919 và 1920, trong đó khẳng định những hiệp ước mà Trung Quốc ký với chính phủ đế quốc Nga là bất bình đẳng và vô hiệu, đồng thời từ bỏ đặc quyền của Nga tại Trung Quốc.
Liên quan đến CER, Nga Xô đề xuất song phương ký kết "Thỏa thuận giải pháp sử dụng tuyến đường sắt Đông Trung Quốc". Tuy nhiên, chính phủ Bắc Dương của Trung Hoa Dân Quốc khi đó chưa công nhận chính quyền Xô viết và đang ứng phó với cuộc nội chiến, nên không hồi đáp hai tuyên ngôn của họ. Trong giai đoạn này, CER vẫn trong tình trạng "quản lý chung" giữa phe tàn dư của nước Nga Sa hoàng và Trung Quốc.
Liên bang Xô Viết (Liên Xô) chính thức thành lập năm 1922. Sau khi chính quyền được củng cố và địa vị quốc tế không ngừng lên cao, vào năm 1923 Liên Xô đề xuất chính phủ Bắc Dương đàm phán.
Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 31/5/1924, và ký kết Hiệp định đại cương giải quyết các vụ việc nổi trội.
Theo hiệp định, Liên Xô hủy bỏ tất cả hiệp ước được cho là "tổn hại chủ quyền Trung Quốc" mà nhà Thanh ký với đế quốc Nga, từ bỏ tất cả tô giới, quyền tài phán lãnh sự,... CER được xác định là một dự án thương mại và do hai nước cùng quản lý. Trung Hoa Dân Quốc cùng Liên Xô còn ký Hiệp định quản lý tạm thời CER để quy định cụ thể về vấn đề này, gồm việc thiết lập các cơ quan, ủy ban với các quan chức từ hai nước để cùng quản lý đường sắt.
Kỵ binh quân đội Đông Bắc Trung Quốc, do Trương Học Lương chỉ huy, ở Cáp Nhĩ Tân, năm 1929 (Ảnh: Wiki)
Liên Xô cũng lập một ủy ban đặc biệt do Leon Trotsky - người đóng vai trò quan trọng trong đảng Bolshevik vào năm 1917, người thành lập Hồng quân Liên Xô - làm chủ tịch, để dàn xếp vấn đề điều hành tuyến đường sắt CER.
Trong tài liệu viết tháng 8/1929, Trotsky cho biết trong quá trình thỏa thuận với các nhà cách mạng Trung Quốc, bao gồm đảng Cộng sản và Quốc dân đảng, ủy ban đã nhận thấy sự cần thiết "phải nắm chắc bộ máy thực tế của CER trong tay chính phủ Liên Xô, điều này là cách duy nhất trong giai đoạn tiếp theo để bảo vệ tuyến đường này khỏi sự chiếm giữ của đế quốc".
Do CER nằm trong địa bàn kiểm soát của nhà quân phiệt vùng Đông Bắc Trương Tác Lâm, Liên Xô đã ký một hiệp định khác với chính quyền Đông Bắc vào tháng 9/1924, yêu cầu tuân thủ các nội dung của hiệp định Xô-Trung, và quy định thời gian thu hồi CER từ 80 năm rút ngắn còn 60 năm.
Căng thẳng leo thang từ nửa cuối năm 1927. Tạp chí Viêm hoàng Xuân thu nêu, trong khi sức ép từ dư luận Trung Quốc ngày càng gia tăng trong việc đòi lại chủ quyền đối với đường sắt CER, chính phủ Liên Xô có ý định chuyển nhượng tuyến đường này cho Nhật Bản nhằm bảo đảm lợi ích của Moskva không bị tổn hại.
Tháng 10/1927, Liên Xô và Nhật bí mật đàm phán ký Thảo ước CER, trong đó có điều khoản Xô-Nhật phản đối Trung Quốc thu hồi đường sắt. Thỏa thuận này bị phía Trung Quốc cáo buộc là một cuộc bắt tay sau lưng, làm tổn hại chủ quyền và là hành động khinh miệt Trung Quốc.
Năm 1929, người đứng đầu chính quyền quân phiệt Đông Bắc Trung Quốc Trương Học Lương - con trai và là người kế thừa Trương Tác Lâm, được biết đến với danh xưng "thiếu soái" - công khai chỉ trích sự hiện diện của Liên Xô ở vùng Bắc Mãn Châu.
Tháng 5/1929, chính quyền Đông Bắc điều quân cảnh ập vào lục soát Lãnh sự quán Liên Xô tại Cáp Nhĩ Tân. 39 người bị bắt giữ trong một căn hầm của Lãnh sự quán, bao gồm Tổng lãnh sự Liên Xô tại Thẩm Dương và các quan chức quan trọng của CER.
Ngày 10/7/1929, chính quyền Đông Bắc tiếp tục trục xuất 59 người - gồm các cục trưởng, phó cục trưởng người Liên Xô của cơ quan quản lý CER, và niêm phong các cơ sở liên quan. Bảy ngày sau đó, Liên Xô cắt quan hệ ngoại giao với chính phủ Dân Quốc.
Căng thẳng nhanh chóng leo thang khiến lưu thông trên CER bị gián đoạn vào cuối tháng 7 và toàn bộ nhân viên Liên Xô bị bắt hoặc trục xuất.
Chiến tranh bùng nổ, Hồng quân Liên Xô chiến thắng áp đảo
Tướng Liên Xô Vasily Blyukher, chỉ huy Tập đoàn quân Viễn Đông giao tranh với Trung Quốc năm 1929 (Ảnh: Wiki)
Bên cạnh việc "tuyệt giao" với Trung Quốc, chính phủ Liên Xô quyết định hành động đáp trả. Quân đội Liên Xô bắt đầu tập kết ở biên giới hai nước.
Ngày 6/8/1929, Ủy ban quân sự cách mạng Liên Xô ban hành mệnh lệnh tổ chức Tập đoàn quân Viễn Đông do tướng Vasily Blyukher - một người am hiểu tình hình Trung Quốc - làm tư lệnh, nhằm phối hợp với Hạm đội sông Amur chống lại quân đội của Trương Học Lương. Bộ tư lệnh của Tập đoàn quân được đặt tại Khabarovsk, Nga.
Ngày 13/8, hai chiến hạm của Liên Xô cùng 300 bộ binh, hai máy bay xâm nhập phạm vi tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, mở màn xung đột.
Ngày 15/8, Trương Học Lương động viên 60.000 binh lực quân Đông Bắc, xây dựng thành "quân kháng Nga". Ngày 16, Trương trả lời phỏng vấn của tờ Nhật báo Chicago (Mỹ), chỉ trích Liên Xô bội ước và xâm lược Trung Quốc, tuyên bố "dùng toàn lực quyết một trận tử chiến".
Xung đột vũ trang Xô-Trung quy mô lớn nổ ra từ giữa tháng 10/1929 và kéo dài trong hai tháng trên các chiến trường ở hai tuyến Đông, Tây. Giao tranh quân sự ban đầu bùng phát từ phía Đông, quân đội Liên Xô không tấn công vào các tuyến đường sắt mà tiến về phía cứ điểm trọng yếu của quân Đông Bắc ở Cáp Nhĩ Tân.
Qua ba chiến dịch Tam Giang Khẩu, Đồng Giang, Phúc Cẩm, lực lượng của Trương Học Lương liên tiếp thất bại trước quân Viễn Đông của Liên Xô. Đầu tháng 11/1929, giá rét ở vùng Đông Bắc Trung Quốc buộc hạm đội Liên Xô rút về Khabarovsk, bộ binh và kỵ binh rút lui theo đường bộ, cơ bản kết thúc chiến sự.
Ở phía Tây, chiến trường chính nằm ở Mãn Châu Lí và Dalai Nur (nay thuộc khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc). Từ tháng 8/1929, các cuộc giao tranh liên tiếp diễn ra với hơn 100 cuộc đụng độ lớn nhỏ. Quân đội Liên Xô tiến sâu vào lãnh thổ Trung Quốc hàng trăm km. Chiến sự leo thang vào tháng 11, trong đó quân Viễn Đông liên tiếp áp đảo quân Đông Bắc và chiếm được Hailar cùng Dalai Nur.
Một trong số trận chiến đẫm máu nhất xảy ra vào ngày 23/11 khi Liên Xô tổng tấn công Hailar, trong khi quân Đông Bắc chống trả kịch liệt khiến đôi bên tổn thất nặng nề. Sau khi Liên Xô gia tăng tiếp viện, quân Trương Học Lương đã không thể chống trả và thất thủ vào ngày 25.
Lính Liên Xô cầm một số băng-rôn thu giữ được từ các binh sĩ của quân đội Trương Học Lương (Ảnh: Wiki)
Chiến dịch Hailar đánh dấu kết thúc cho xung đột biên giới Xô-Trung 1929. Ngày 26/11, Trương Học Lương điện cho Quyền Dân ủy đối ngoại Liên Xô (tức Ngoại trưởng) Maxim Litvinov đề nghị đàm phán về vấn đề đường sắt CER.
Ngày 3/12, đôi bên ký nghị định thư đình chiến, và 22/12 ký Hiệp định Khabarovsk, xác định hai nước ngưng chiến, khôi phục tình trạng hợp tác quản lý CER, rút Hồng quân Liên Xô khỏi Mãn Châu Lí, trao trả tù binh hai nước, mở lại lãnh sự quán.
Hiệp định này khôi phục quyền và lợi ích của hai bên như thời điểm trước 10/7/1929, cơ bản giải quyết mâu thuẫn.
Theo trang Baidu, chiến tranh biên giới 1929 có sự tham chiến của hơn 100.000 quân Đông Bắc Trung Quốc, 80.000 quân Viễn Đông của Liên Xô. Chiến sự khiến quân Đông Bắc thương vong 2.000, bị bắt hơn 7.000, trong khi Liên Xô có 143 quân nhân thiệt mạng, 4 người mất tích, 665 người bị thương.
Cuộc chiến được đánh giá là thử thách tác chiến đáng kể đầu tiên kể từ cuộc cải tổ của Leon Trotsky đối với Hồng quân Liên Xô, và là đội quân tham chiến hùng hậu nhất của lực lượng này trong giai đoạn giữa Nội chiến Nga (1917-1922) và Thế chiến II. Global Security nhận xét, chiến tranh CER 1929 cho thấy sức mạnh vượt trội của quân đội Liên Xô trước một lực lượng quân phiệt được nước lớn viện trợ của tướng Trương Học Lương.