Sau khi quyết rời Juventus, điểm đến số 1 trong lòng Ronaldo là Man City chứ không phải M.U. Đây là điều được chính Jorge Mendes xác nhận, khi siêu cò người Bồ Đào Nha chạy đôn chạy đáo giữa Manchester và Turin không biết bao nhiêu lần để xúc tiến tốc độ đàm phán.
Nhưng đến thời khắc quyết định, chính Man City đã lật kèo dù họ tha thiết muốn chiêu mộ một tiền đạo đủ sức khỏa lấp khoảng trống mà Sergio Aguero để lại. Nói một cách khác, Pep thà dùng Foden, Sterling, Jesus đá "số 9" còn hơn là tin vào Ronaldo.
Chính sự buông tay của Man City mới tạo điều kiện để M.U đón đứa con lưu lạc 12 năm trở về. Câu chuyện đương nhiên sẽ rẽ theo một hướng rất khác nếu Ronaldo khoác lên mình màu áo xanh của đại kình địch trong mùa hè vừa qua.
Đến bây giờ, Pep vẫn đang loay hoay với vị trí đá cao nhất trên hàng công. Nhưng chắc chắn nếu được hỏi có hối hận vì từ bỏ Ronaldo hay không, cựu thuyền trưởng Barca cũng sẽ nói "Không". Với một người như Pep, chỉ để thu về khả năng ghi bàn mà phải đổi lấy bao hệ lụy xung quanh Ronaldo là điều không đáng. Trừ "siêu nhân" Leo Messi, trong lòng Pep chưa bao giờ đề cao cá nhân hơn tập thể.
Pep không chọn Ronaldo vì coi trọng lối chơi tập thể hơn cá nhân
Thế nên, nhiều người chắc chắn sẽ hồ nghi tính trung thực của Pep khi ông nói không chút ngại ngùng: "Tôi không xem trận đấu của Man Utd với Atalanta nhưng tôi sẽ phân tích trong những ngày tới. Họ có một trong những cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử bóng đá, một cỗ máy ghi bàn đáng sợ".
Xã giao là thứ mà Pep luôn có thừa, dù nhiều khi nó bị đẩy đến mức cực đoan, thành ra giả tạo. Cầu thủ mà Pep vừa khen nức lời thực chất lại không phải mối nguy lớn nhất với ông, nếu nhìn vào thành tích đối đầu của đôi bên.
Thống kê chỉ ra rằng, trong sự nghiệp, HLV của Man City đã có 16 lần đối diện với Ronaldo. Kết quả, những đội bóng của ông đã giành chiến thắng 8 trận và chỉ chịu thua 4 trận. Trong số 16 trận đấu này, siêu sao người Bồ Đào Nha đã có 7 lần ghi bàn vào lưới các đội bóng của Pep Guardiola (0,45 bàn/trận). Đó là con số khá thấp nếu so với hiệu số ghi bàn của anh trong cả sự nghiệp.
Trận đấu hay nhất của Ronaldo trước Pep Guardiola là khi anh giúp Real Madrid hạ gục Bayern Munich với tỷ số 4-0 ở bán kết Champions League 2013/14. Đó cũng là lần gần nhất hai người gặp nhau và nó cũng cách hiện tại tới 7 năm. Xin nhắc lại, là 7 năm.
Thật hiếm có một trận derby Manchester mà xung quanh nó người ta toàn nói tốt về nhau. Pep khen Ronaldo đã đành, nghe mỉa mai nhưng vẫn còn đỡ hơn những mỹ từ buộc phải nói ra từ Ole Solskjaer về cậu học trò. Dù cùng là lời tích cực nhưng ý nghĩa thì khác hẳn nhau.
Pep như mọi khi, khen đối thủ để tôn bản thân mình, thâm ý vẫn luôn vượt trội quần hùng. Trong khi đó, cái tầm của Solskjaer rõ ràng ở cửa dưới, với việc chẳng còn một lựa chọn nào khác ngoài khen. Nói không quá, Solskjaer đã đến mức đường cùng và buộc phải nịnh bợ Ronaldo, hướng ánh mắt nài nỉ tới CR7 để mong anh tiếp tục tỏa sáng và đóng chặt đinh vào chiếc ghế đang lung lay dữ dội của mình.
Solskjaer đang phải cậy Ronaldo để giữ ghế ở Old Trafford
Ở 2/3 trận đấu có tính quyết định tới số phận của Solskjaer, Ronaldo đã ghi tới 3 bàn và có 1 kiến tạo, chẳng thể nào đòi hỏi hơn, nhưng Ole thì vẫn đang nằng nặc đòi hơn. Trước đại chiến trong thành phố, là Ronaldo chứ không phải Solskjaer tổ chức bữa ăn thắt chặt tình cảm trong đội. Chẳng lẽ việc gì cũng phải đến tay CR7 sao, từ ghi bàn tới cả kêu gọi sự đồng lòng? Vai trò của Solskjaer ở đâu?
Vậy mới nói, trận derby này nặng mùi mỉa mai và sáo rỗng. Người có thực lực thì giả vờ khiêm tốn, cố gắng nói mát mẻ để vừa lòng tất cả. Trong khi đó, kẻ lâm nguy thì phải bám vào cái phao mà chính đối thủ đã từ chối để mong chờ vào phép màu. Sir Alex Ferguson có lẽ cũng buồn lắm, đội bóng của ông mất chất thực sự rồi!