'Đại chiến' góp ý sửa Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu

Phạm Tuyên |

Cần có mức chiết khấu cố định cho doanh nghiệp tham gia kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là doanh nghiệp bán lẻ, đang là chủ đề nóng được các doanh nghiệp bán lẻ, thương nhân phân phối và cả đầu mối xăng dầu liên tục đưa ra những ngày gần đây. Doanh nghiệp kiến nghị bằng văn bản tới bộ, ngành để đưa nội dung nói trên vào trong nghị định sửa đổi.

Ý kiến trái chiều về chiết khấu xăng dầu cố định

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Văn Công Thật, Giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc (TP.HCM) cho rằng, với doanh nghiệp bán lẻ, việc không có chiết khấu đang là sức ép rất lớn khi họ phải chịu cảnh bán lỗ một năm qua.

Thị trường xăng dầu có lỗ hổng rất lớn trong quản lý, đặc biệt là ở khu vực thương nhân phân phối. Các đầu mối, thương nhân phân phối thường dựa vào giá thế giới, tồn kho và xu hướng điều hành giá của cơ quan quản lý để đưa ra mức chiết khấu không cố định với doanh nghiệp bán lẻ nên họ rất thua thiệt.

 Đại chiến góp ý sửa Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu  - Ảnh 1.

Một cây xăng ở Hà Nội. Ảnh: TTXVN

“Doanh nghiệp bán lẻ luôn bị đầu mối chèn ép. Khi giá tăng thì đầu mối thường tìm cách hạn chế bán, găm hàng kiếm lợi. Khi giá giảm xuống thì lại xả mạnh bằng cách tăng chiết khấu. Khi đó doanh nghiệp bán lẻ có chiết khấu thì cũng phải đối mặt tình trạng cơ quan quản lý giảm giá bán và lại bị lỗ. Cả năm 2022, công ty của tôi lỗ khoảng 1,1 tỷ đồng”, ông Thật nói.

Nêu nhiều ý kiến khác nhau, không ít thương nhân phân phối cho rằng, bản thân họ cũng là nhà phân phối đồng thời là doanh nghiệp bán lẻ trực tiếp nên việc có chiết khấu cố định là điều ai làm kinh doanh cũng mong muốn. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần cân nhắc nhiều chiều.

Đa số ý kiến của thương nhân phân phối cho rằng, chiết khấu nên để thị trường tự quyết định vì các đầu mối nhập khẩu đã được giao tổng nguồn và phải duy trì tồn kho 20 ngày. Do vậy, đầu mối khi nhập hàng về, phải bán ra càng nhiều càng tốt. Việc có chiết khấu cố định có thể hợp lý với doanh nghiệp bán lẻ ở thời điểm hiện tại nhưng không hợp lý trong tổng thể chung.

“Phải làm sao để tăng cạnh tranh giữa các đầu mối nhập khẩu, từ đó mới giúp tăng chiết khấu. Khi có đủ nguồn hàng, chiết khấu tự khắc tăng vì doanh nghiệp ai cũng muốn bán được nhiều hàng, có nhiều lợi nhuận”, một thương nhân phân phối tại TPHCM chia sẻ trên diễn đàn về xăng dầu.

Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn cho rằng, thực tế các doanh nghiệp bán lẻ đổ cho doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối ăn hết chiết khấu là không đúng. Là doanh nghiệp ai cũng phải có lợi nhuận để tồn tại. Đầu mối không có thương nhân phân phối, bán lẻ thì cũng không thể tồn tại được.

Bộ Tài chính muốn giao Công Thương toàn quyền

Liên quan đến góp ý sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết, đã có công văn đề xuất giao toàn bộ việc điều hành giá cho Bộ Công Thương.

Góp ý cho dự thảo sửa đổi về xăng dầu, Chuyên gia kinh tế, PGS TS Ngô Trí Long cho rằng, việc điều hành xăng dầu trong thời gian 10 ngày như trong Nghị định 95 rút xuống còn 7 ngày cũng là một giải pháp. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là việc điều hành của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính phải kịp thời, phải sát với diễn biến thị trường. Khi điều hành bám sát thị trường thì sẽ triệt tiêu tất cả tồn tại trên thị trường.

Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối lớn cho rằng, thời gian qua, Bộ Tài chính rồi Bộ Công Thương có nhiều đề xuất khác nhau về điều hành xăng dầu, thậm chí 2 bộ có vẻ "đá bóng" cho nhau trong việc giao bộ nào chịu trách nhiệm điều hành chính về xăng dầu.

Theo vị này, bản chất hiện nay việc cơ quan nào chịu trách nhiệm đã được quy định rõ trong Nghị định 95. Xăng dầu do nhiều đơn vị cùng chịu trách nhiệm phù hợp với chức năng nhiệm vụ. Vấn đề tồn tại là tính trách nhiệm chủ động cũng như việc phối hợp giữa các bộ, ngành.

Bài học năm 2022 cho thấy, người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế đã phải trả giá rất lớn khi Bộ Tài chính - Công Thương cứ văn bản qua lại nhau trong một thời gian dài thay vì sớm chủ động phối hợp để điều chỉnh chi phí cho doanh nghiệp. Đây là điều rất bất cập.

Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) cho rằng, Nhà nước nên có quy định mức chiết khấu tối thiểu. “Nếu không có quy định, dù cho phép doanh nghiệp bán lẻ lấy hàng ở 3 nguồn khác nhau nhưng các nhà cung cấp có thể bắt tay ngầm với nhau để hạ chiết khấu xuống thấp và bán lẻ vẫn sẽ bị lỗ”, ông nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại