Liên quan tới vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Bà đánh giá thế nào về phương án giao cho địa phương chấm thi môn tự luận của Bộ GDĐT?
Tôi không băn khoăn lắm về việc giao địa phương hay giao các trường ĐH chấm môn tự luận, vì thực ra, phương án nào cũng có những mặt ưu điểm và mặt hạn chế nhất định.
Việc giao thẩm quyền cho địa phương có thể có mặt hạn chế là sợ thiếu khách quan.
Nhưng ở một góc độ khác, cũng cần nhìn nhận ưu điểm của phương án này, chẳng hạn như lực lượng giáo viên ngữ văn tại địa phương rất đông, lại trực tiếp giảng dạy chương trình, thuận lợi cho việc lựa chọn tham gia.
Và trên thực tế, dù giao cho các trường ĐH, nhưng trong điều kiện không đủ nhân lực và tài chính để cử giảng viên đi các tỉnh chấm thi, giải pháp mà nhiều trường ĐH lựa chọn vẫn là phải mời giáo viên của các Sở GDĐT.
Như vậy, vấn đề không phải ở chỗ chọn phương án nào, mà quan trọng là sẽ triển khai thực hiện phương án ấy ra sao để khai thác được mặt mạnh, giảm thiểu mặt hạn chế. Do vậy, tôi nghĩ, có lẽ đây là giải pháp phù hợp đối với thực tiễn hiện nay.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu tiếp tục giao cho địa phương chấm thi môn tự luận như năm ngoái, sẽ lại tái diễn tiêu cực, gian lận. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
Tôi rất chia sẻ với ý kiến này, bởi không phải không có cơ sở khi dựa trên những sai phạm đã qua để lo ngại về những tiêu cực, gian lận.
Tuy nhiên, tôi vẫn muốn tiếp cận vấn đề từ quan điểm coi đây là giải pháp phù hợp hơn cả đối với thực tiễn hiện nay, và xem xét vấn đề là ở giải pháp để khắc phục tồn tại, hạn chế khó khăn, bảo đảm được một kỳ thi an toàn, hiệu quả.
Trước hết, hậu quả sai phạm của năm 2018 để lại đến giờ vẫn chưa giải quyết xong chắc chắn sẽ để lại nhiều bài học cho tất cả tổ chức, cá nhân liên quan tới việc tham gia tổ chức kỳ thi.
Và theo tôi được biết, ngành giáo dục cũng như các địa phương đang rất cố gắng tìm giải pháp tốt nhất để tránh xảy ra sai phạm, nhất là việc điều chỉnh một số quy chế thi nhắm đến nâng cao trách nhiệm cho các địa phương, các trường đại học, các cá nhân giáo viên phổ thông, cán bộ, giảng viên trường ĐH, CĐ; tăng cường quy trình bảo mật bài thi và tập huấn nghiệp vụ coi thi, chấm thi, thanh tra thi.
Thực hiện nghiêm các quy định này đã là cơ sở để hạn chế tiêu cực, sai phạm trong thi cử.
Mặt khác, vấn đề có tính chất quyết định cho sự nghiêm túc của kỳ thi nằm ở con người. Thực ra, đối với chấm thi tự luận, sai phạm khó hơn, và thường chỉ xảy ra nếu có sự thông đồng giữa các cá nhân liên quan cùng với sự buông lỏng quản lý, thanh tra, giám sát.
Như vậy, dù các biện pháp kỹ thuật được cải thiện nhưng nếu yếu tố con người mà không điều chỉnh kịp thì khó có thể khẳng định kỳ thi sẽ bảo đảm an toàn.
Đây là yêu cầu đặt ra cho ngành giáo dục cũng như lãnh đạo các địa phương, các trường đại học.
Chắc chắn khâu lựa chọn nhân sự phải chặt chẽ hơn, quy định trách nhiệm rõ ràng hơn, khâu tập huấn phải cụ thể hơn; đặc biệt là tăng cường thanh tra, giám sát, lắp đặt hệ thống camera ở tất cả các phòng lưu giữ bài thi và phòng chấm thi tự luận.
Chỉ khi nào trách nhiệm rõ ràng, giám sát chặt chẽ và xử lý sai phạm thật nghiêm thì người chấm thi mới không thể sai phạm, không dám sai phạm.
- Xin cảm ơn bà!