Đại biểu Quốc hội nêu các yếu tố để xác định "hổ phụ sinh hổ tử" ở VN

Hoàng Đan |

Theo ông Lê Thanh Vân, đội ngũ cán bộ lãnh đạo được bổ nhiệm không đúng dẫn đến vi phạm pháp luật ngày càng phổ biến.

Báo động về lạm dụng quyền lực

Trong báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã nêu rõ, trong năm qua, Chính phủ phát hiện 9 địa phương có 58 trường hợp được bổ nhiệm là người nhà vi phạm về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm.

Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, báo cáo của Chính phủ là con số chính thức, đồng thời, phản ánh thực trạng từ lâu nay mà trong Nghị quyết của TƯ 4 khóa 12 đã nêu.

Đây cũng là biểu hiện của một trong 27 biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa mà Đảng đã ra Nghị quyết.

Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo cao. Rõ ràng tình trạng lạm dụng quyền lực trong việc bổ nhiệm người thân, thân hữu đến hồi phải chỉnh đốn nghiêm túc.

Đại biểu Quốc hội nêu các yếu tố để xác định hổ phụ sinh hổ tử ở VN - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

"Bởi vì nó tác động trực tiếp tới bộ máy lãnh đạo, quản lý của bộ máy ấy. Bổ nhiệm cán bộ nhầm người, là thân hữu, trực hệ, tiền tệ thì rất nguy hiểm.

Nguy hiểm ở chỗ những nhân vật ấy chất lượng phẩm hạnh kém thì làm sao ban hành chính sách pháp luật đúng đắn được? Rõ ràng là sẽ ban hành chính sách thiên theo hướng có lợi cho họ.

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo được bổ nhiệm không đúng sẽ vận hành pháp luật vì lợi ích cho họ, dẫn đến vi phạm pháp luật ngày càng phổ biến.

Việc này, làm cho tính nghiêm minh của pháp luật, tinh thần thượng tôn của pháp luật bị xâm hại và đây là vấn đề không chỉ Đảng, Nhà nước mà nhân dân hết sức quan tâm đòi hỏi toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc", ông Vân nêu.

Ông cũng cho rằng, việc kiểm tra 9 tỉnh có 58 người thuộc dòng dõi quan lại thời nay, đúng như câu vè của dân gian lâu nay xôn xao: "Nhất trực hệ, nhì tiền tệ, tam quan hệ, tứ đồ đệ". 

"Trước đây người ta nói tứ là "trí tuệ" nhưng gần đây câu vè điều chỉnh lại, "trí tuệ bị gạt ra ngoài".

Rõ ràng con số 58 trường hợp/9 địa phương nếu như so sánh với chức danh lãnh đạo ở 9 địa phương thì con số này quá nhỏ nhưng rõ ràng kết luận của Thanh tra Bộ Nội vụ đưa vào Báo cáo của Chính phủ cũng gióng lên hồi chuông khá báo động về tình trạng lạm dụng quyền lực", ông Vân nói.

Cần sự minh bạch, công bằng, khách quan

Theo ông Lê Thanh Vân, rõ ràng chúng ta chưa có quy định chặt chẽ trong kiểm soát sử dụng quyền lực về việc bổ nhiệm cán bộ nên quy trình có thể đúng nhưng người có chức quyền lại lạm dụng để đưa những nhân vật thân thiện, thân hữu của mình làm lãnh đạo.

Nếu như chúng ta thường xuyên kiểm tra, bảo đảm quy trình chặt chẽ trong ban hành văn bản thì có thể khắc phục tình trạng này, đó cũng là tinh thần mà Nghị quyết TƯ 4 Khóa 12 đã nêu trong phần giải pháp.

Trước ý kiến cho rằng, trong câu chuyện cán bộ thì "hổ phụ sinh hổ tử" là chuyện bình thường nên cần làm thế nào để loại bỏ tình trạng bổ nhiệm người nhà nhưng vẫn chọn được người có trình độ? 

Vị đại biểu này nhìn nhận, thực tế, trong lịch sử của dân tộc ta có trường hợp "hổ phụ sinh hổ tử".

Chẳng hạn như tuy Lê Lợi không sinh ra Lê Thánh Tông nhưng cháu ông là vị minh quân sáng chói trong lịch sử. Tính kế thừa truyền thống gia đình là một yếu tố quan trọng nhưng phải đặt trong bối cảnh nền chính trị ấy minh bạch.

"Ở đây, tôi muốn nói đến tính công bằng, khách quan, minh bạch trong tiến cử lựa chọn nhân tài. Hay ở Singapore thì Thủ tướng Lý Hiển Long là con của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu mà đất nước đánh giá là nhân vật cải cách.

Rõ ràng, "hổ phụ sinh hổ tử" có mấy yếu tố là nền chính trị minh bạch, nền giáo dục gia đình, ý thức tự tôn, tự trọng của hậu duệ tạo ra nhân vật đó.

Còn nhìn vào cách bổ nhiệm người nhà của chúng ta không có tiêu chí gì cả, đó là quá trình lạm dụng quyền lực.

Vì nó không minh bạch nên xã hội mới gióng lên hồi chuông cảnh báo đến mức Đảng phải ra Nghị quyết, Nhà nước phải kiểm tra", ông chỉ rõ.

Để khắc phục, theo ông Vân, trước hết cần xây dựng một bộ tiêu chí về tiêu chuẩn chức danh làm sao cho những "ai tài hèn đức mọn" thấy bộ tiêu chí ấy không muốn, không dám và không thể tiếp cận, dùng tiền không mua được.

"Thứ nữa là cơ chế tiến cử, đề cử phải gắn với trách nhiệm. Phải trừng trị những kẻ nào đề cử, tiến cử, bổ nhiệm nhầm người, gây hậu quả nghiêm trọng.

Đó là những khung hình phạt răn đe để những ai thấy được quyền lực Nhà nước bắt nguồn từ nhân dân trao cho họ không thể lạm dụng được, biến của công thành của tư", ông nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại