Đại biểu QH: Bộ trưởng trả lời chưa thỏa đáng vụ chùa Ba Vàng
Sáng 6/6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã tiếp tục phần trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Các đại biểu Ngô Thị Kim Yến, Phùng Văn Hùng và Thái Trường Giang đã chất vấn Bộ trưởng Văn hoá, thể thao và Du lịch về hiện tượng lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan như dịch vụ tâm linh, thầy bói, thầy tướng...
Trả lời các câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, Hiến pháp đã quy định về quyền tự do tôn giáo. Tôn giáo, tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần người dân. Bản chất của tôn giáo là tốt đẹp.
Tuy nhiên, theo ông Thiện, thời gian qua có một số cá nhân lợi dụng việc thực hành nghi thức tôn giáo tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan, vi phạm pháp luật. Đối với những vấn đề này, pháp luật đã xử lý và dư luận xã hội lên án, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục.
Để khắc phục, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản để phòng ngừa mê tín dị đoan đồng thời, tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức về các giá trị văn hóa truyền thống trong hoạt động văn hóa, tín ngưỡng.
Đồng thời, lên án, phê phán, xử lý nghiêm các hoạt động lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng để hành nghề mê tín, dị đoan.
Đối với trường hợp bà Phạm Thị Yến, phật tử chùa Ba Vàng, theo Bộ trưởng Thiện, TP Uông Bí (Quảng Ninh) đã giao địa phương xử phạt mức hành chính cao nhất là 5 triệu đồng theo Nghị định 158.
"Nếu như đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị xử lý theo tội hành nghề mê tín dị đoan theo Bộ Luật Hình sự 2015", ông Thiện nói.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: M.Q.
Tranh luận lại phần trả lời của Bộ trưởng Thiện, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) cho rằng, ông thấy phần trả lời của Bộ trưởng với câu hỏi chưa thỏa đáng.
"Trách nhiệm quản lý của ngành văn hóa ở địa phương nhưng để xảy ra sự việc ở chùa Ba Vàng kéo dài và bà Phạm Thị Yến lên kênh Youtube quảng cáo, giới thiệu rất nhiều nhưng không được ngăn chặn. Trách nhiệm của Bộ trưởng nói chưa rõ về quản lý ngành", ông Giang nói.
Ông nêu, việc trả lời của Bộ trưởng đối với đại biểu tỉnh Bến Tre hôm qua cũng chưa thỏa đáng, mặc dù vi phạm của bà Phạm Thị Yến nói xử phạt hành chính theo Nghị định 158 ở mức cao nhất.
"Tôi đồng tình là Luật và văn bản phải sửa khi vừa qua việc phạt các hành vi vi phạm hành chính không còn phù hợp với thực tiễn. Riêng chỗ bà Phạm Thị Yến theo quan điểm của tôi là hành vi vi phạm hình sự chứ không phải vi phạm hành chính.
Sau khi xử phạt vi phạm hành chính lại tái phạm, lên kênh Youtube để đưa tiếp tục các hoạt động đó", ông Giang nói thêm và đề nghị Bộ trưởng xem xét.
Chủ tịch Quốc hội sau đó cho rằng, về vấn đề này Bộ trưởng đã trả lời nhiều nhưng chưa thỏa đáng đối với một số ĐBQH nên bà đề nghị Bộ trưởng phối hợp với các địa phương, Bộ ngành có trả lời và có biện pháp ngăn chặn các hành vi này.
Không có kinh doanh chùa
Tham gia trả lời thêm câu hỏi của đại biểu về việc có "kinh doanh chùa" hay không, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết theo quy định của pháp luật Việt Nam và Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam "không có quy định về kinh doanh chùa".
Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, chưa phát hiện hành vi kinh doanh chùa để vụ lợi.
Tuy nhiên thời gian qua có một số cá nhân lợi dụng vào niềm tin của nhân dân, của phật tử để hoạt động mê tín dị đoan và trục lợi, gây bức xúc trong cộng đồng xã hội.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân.
Về việc một số đại biểu nêu tình trạng công chức góp tiền xây chùa để kinh doanh nhưng Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, hiện chưa phát hiện trường hợp cán bộ công chức nào góp tiền xây dựng chùa để kinh doanh trục lợi.
"Theo quy định tại Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo được hình thành theo tập quán, do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp hoặc từ các nguồn khác phù hợp quy định pháp luật.
Thời gian qua việc xây dựng các cơ sở thờ tự tôn giáo cũng nằm trong các dự án do nhân dân, doanh nghiệp đóng góp", Bộ trưởng nói.
Về sự việc liên quan đến chùa Ba Vàng, Bộ trưởng thông tin, từ ngày 20/3 - 28/3, các cơ quan chức năng, trong đó, có Bộ Nội vụ, UBND tỉnh Quảng Ninh, Trung ương GHPGVN, Ban Trị sự PGVN tỉnh Quảng Ninh có rất nhiều văn bản gửi các Bộ, ngành xác minh, làm rõ và báo cáo Chính phủ.
Qua kiểm tra, xác minh, UBND tỉnh Quảng Ninh, Trung ương GHPGVN đã thống nhất xác định các sai phạm pháp luật, giới luật và đưa ra hình thức xử lý phù hợp.
Ông cho rằng việc xử lý kịp thời này đã tạo được niềm tin đối với các tăng ni phật tử và quần chúng nhân dân.
Để khắc phục tình trạng trên và tăng cường quản lý Nhà nước, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết sẽ tập trung một số nhiệm vụ như tiếp tục đề xuất Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luậy để cụ thể hóa Luật tín ngưỡng tôn giáo, trong đó có nghị định xử phạt hành chính về lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo...
Trước chất vấn của một số đại biểu về "loại hình chùa BOT", "xây dựng chùa có sự góp vốn của cá nhân để kinh doanh"..., Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (ĐBQH đoàn Hà Nội) đã lên tiếng về vấn đề này và khẳng định "không có chùa BOT".
"Là một đại biểu Quốc hội, một tu sĩ Phật giáo, Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN, tôi xin trân trọng báo cáo trước Quốc hội và cử tri cả nước rằng tất cả các chùa trên phạm vi cả nước đều do Giáo hội Phật giáo Việt Nam, GHPG các địa phương cùng nhân dân địa phương xây dựng và quản lý.
Không có chùa nào nằm ngoài hệ thống này, đặc biệt khẳng định không có một chùa nào có sự góp vốn đầu tư xây dựng từ những cá nhân, công chức, tập thể với mục đích kinh doanh mà đại biểu nêu bằng 1 cụm từ rất mới, rất lạ là chùa BOT", Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói.
Tuy nhiên, cũng như Bộ trưởng Tân, ông cũng "nói thêm" mặc dù rất ít, nhưng cũng có những "con sâu làm rầu nồi canh".
Những hiện tượng sai lệch giáo luật của một số nhà tu hành tại các chùa, ứng xử chưa phù hợp với phật tử đến lễ chùa, đều đã được GHPGVN nhắc nhở, xử lý, kỷ luật nghiêm khắc theo Hiến chương và nội quy của Giáo hội.
"Giáo hội Phật giáo Việt Nam không dung dúng, bao che cho một người tu hành nào, đặc biệt là các chức sắc, khi vi phạm Giáo luật", Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nhấn mạnh.
ĐBQH đề nghị trả lời rõ: "Bây giờ các chùa ai sở hữu?"
Giơ bảng tranh luận, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho hay, gia đình ông mấy đời theo đạo Phật, rất tôn trọng các tôn giáo, các hoạt động tâm linh tín ngưỡng chân chính. Tuy nhiên, ông xin có mấy câu hỏi, đề nghị Chính phủ cho biết luôn vì nhân dân lúng túng.
"Bây giờ các chùa ai sở hữu?. Những người sở hữu chùa làm gì đảm bảo họ không vụ lợi cá nhân và nếu có, chúng ta có luật pháp gì để quản lý? Kinh nghiệm các nước thế nào, quản lý nguồn thu thế nào cho đúng pháp luật, chân chính?", ông Nghĩa đặt câu hỏi.
Ông nêu nói thêm, truyền thống của chúng ta là ai cũng có thể tới các cơ sở tôn giáo, thực hành tín ngưỡng và những cá nhân, tổ chức bỏ tiền ủng hộ, xây chùa cũng không phải vì mục tiêu vụ lợi.
"Chúng tôi đề nghị Chính phủ trả lời rõ, chúng ta quản lý sở hữu công trình tâm linh như thế nào? Các nguồn thu quản lý như thế nào để đảm bảo hoạt động tâm linh một cách chân chính.
Đồng thời, đảm bảo quyền của người dân đến các cơ sở tâm linh này mà không tốn kém, không bị chặt chém bởi các hoạt động lợi dụng tâm linh", ông nói thêm.