Xin cơ chế không phải là vấn đề phấn khởi đầu
Đó là ý kiến của đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) khi đóng góp ý kiến về phương án chỉ định thầu 3 dự án trên. Đại biểu cho rằng cho rằng “Về chỉ định thầu chúng ta xin cơ chế, xin thì Quốc hội đồng ý thôi, nhưng tôi nghĩ đây không phải là vấn đề phấn khởi đâu.
Chúng ta rút kinh nghiệm vừa rồi vấn đề chỉ định thầu tạo ra những kẽ hở, tạo ra cơ chế xin cho, tính minh bạch, công khai, tính tuân thủ pháp luật, hệ thống pháp luật của chúng ta lúc nào cũng khẳng định hành lang pháp lý đầy đủ, tại sao cứ phải xin cơ chế” – đại biểu cho biết, đồng thời nhấn mạnh nếu chúng ta làm không cẩn thận thì sẽ có hệ lụy, mất cán bộ sau này, đơn vị được, đơn vị không được, người được quyết, người không được quyết, thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) phát biểu.
Nếu xảy ra vấn đề lúc bấy giờ chúng ta mới đưa ra, như hậu quả vừa rồi do dịch bệnh mà cho cơ chế chỉ định thầu, chúng ta thấy một hệ lụy rất lớn. “Vấn đề này tôi cũng xin cảnh báo, đề nghị trong quá trình triển khai ta làm thật tốt, thật kỹ để tránh chuyện sau này chúng ta lại tiếp tục phải xử lý hậu quả, đặc biệt đau đớn nhất là làm mất đội ngũ cán bộ do cơ chế” – đại biểu nêu quan điểm.
Việc quan trọng không làm gấp để tránh “dục tốc bất đạt”
Một khía cạnh khác của việc thực hiện dự án được đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) quan tâm, đó là về công tác đền bù, tái định cư. Đại biểu nêu rõ nên cố gắng làm những việc nhìn từ xa, những việc quan trọng thì không nên làm gấp. Nếu việc quan trọng mà làm gốc thì có khả năng “dục tốc bất đạt”.
Theo đại biểu, qua kinh nghiệm quốc tế, để tránh các tiềm ẩn rủi ro về giải phóng mặt bằng, phát sinh kiện tụng, ngay sau khi quy hoạch được duyệt thì làm báo cáo nghiên cứu khả thi, nhưng mà song hành cùng đấy là báo cáo đánh giá tác động môi trường và báo cáo tái định cư. Ba báo cáo này được duyệt mới là cơ sở để cho phép tiến hành khởi công, thi công.
“Quan điểm trên đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh rằng không đánh đổi môi trường và an sinh xã hội để phát triển kinh tế đơn thuần. Tuy nhiên, trong các dự án lớn dường như chưa chú ý đến báo cáo xã hội, báo cáo tái định cư. Từ đó, có thể là điểm nghẽn và làm lãng phí, những tiến độ mong muốn để đạt được thì lại không đạt” – đại biểu nêu ý kiến.
Đột phá giao thông, giữ chân người lao động
Tiếp thu ý kiến góp ý của đại biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, ngoài việc tạo đột phá về giao thông, tạo điều kiện để phát triển kinh tế xã hội, tuyến đường Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề có ý nghĩa xã hội rất lớn là giữ người lao động ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long không phải lên TP Hồ Chí Minh, hoặc Bình Dương, bởi hiện nay các tỉnh đang đối mặt với vấn đề di cư.
Với cao tốc là Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, đây là một vùng có nhiều tiềm năng. Người dân địa phương gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế vì vậy hai dự án này không chỉ tạo đột phá phát triển kinh tế, mà còn đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Riêng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, chúng ta không chần chừ được nữa, bởi không có tuyến đường này, sắp tới mở rộng cảng Cái Mép - Thị Vải cũng không vận chuyển hàng xuống được. Bởi chỉ có con đường độc đạo là quốc lộ 51, 8 làn xe nhưng quá tải nghiêm trọng. Cảng Cát Lái TP Hồ Chí Minh cũng quá tải nếu không triển khai dự án này sẽ không tạo sự đột phá về cảng biển.
Về nguồn vốn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, đối với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, 10 năm qua Bộ Giao thông vận tải phối hợp với tỉnh Đồng Nai, Bình Dương tổ chức một số hội nghị xúc tiến đầu tư nhưng không thành công.
Do vậy, đến thời điểm này hình thức đầu tư công là hợp lý nhất, bởi nếu chậm chậm trễ thì TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai không phát triển được.
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư của dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, địa phương phải quyết tâm, không có mặt bằng, không khởi công được. Do đó, trách nhiệm của địa phương được giao cần xem như đây là một dự án trọng điểm của địa phương và phải triển khai quyết liệt để thực hiện.
Đối với cơ chế đặc thù, Bộ trưởng cho rằng rất cần thiết và đang kiến nghị áp dụng cả Nghị quyết 43, một phần của Nghị quyết 44 và một số cơ chế đặc thù để khi phân cấp cho các địa phương sẽ thực hiện được hiệu quả.
Về phân cấp, Bộ trưởng cho biết đã trình bày trong Tờ trình của Chính phủ, mặc dù địa phương sẽ lúng túng trong triển khai, nhưng đối với 3 dự án này, Bộ Giao thông vận tải sẽ làm đầu mối cùng với các địa phương tiến hành kiểm tra tiến độ, tháo gỡ khó khăn giúp các địa phương thực hiện. Dự kiến, Chính phủ cũng tổ chức họp thường xuyên, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong thực tế…