Xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức liên quan đến Formosa
Xung quanh vụ việc Formosa, bên hành lang Quốc hội, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình).
Sự cố Formosa xảy ra thực sự là vấn đề nóng thời gian qua. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân hiện đang rất quan tâm đến vấn đề trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm Formosa. Ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Formosa là chủ đề mà cử tri, nhân dân cả nước nói chung và của Quảng Bình nói riêng hết sức quan tâm bởi hậu quả của nó rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân.
Chính Formosa đã làm ảnh hưởng tới niềm tin của người dân đối với một số tổ chức và cá nhân liên quan đến Formosa, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội.
Để giải quyết được dứt điểm vấn đề này, cử tri Quảng Bình nói riêng và cử tri cả nước trong đó có các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh mong muốn rằng, làm thế nào để giải quyết được hậu quả mà Formosa gây ra.
Đặc biệt là quan tâm đến xử lý những cá nhân, tổ chức có liên quan để xảy ra vấn đề ô nhiễm môi trường thời gian vừa qua.
Nhiều thông tin gần đây cho thấy, tình trạng chôn lấp chất thải độc hại của Formosa diễn ra ở rất nhiều nơi, thậm chí cả nơi rất xa ở tận Phú Thọ. Điều này chứng tỏ vấn đề Formosa càng trở nên rất nóng, ông bình luận về vấn đề này như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Qua hiện tượng Formosa đã hé lộ các vấn đề khác. Điều đó chứng tỏ Formosa gây bức xúc cho người dân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Chính vì thế tạo ra hậu quả khó lường cho thời gian tới.
Tôi cho rằng, với những vi phạm này, cần phải xử lý nghiêm để tạo niềm tin cho người dân.
Bây giờ xử lý như thế nào? Thứ nhất là thu hút đầu tư đừng quá nặng về kinh tế mà bỏ qua vấn đề về môi trường. Thứ 2 các bộ ngành có liên quan đến môi trường phải nắm chắc, kiểm soát kỹ, đánh giá đúng tác động và loại trừ những dự án gây ô nhiễm.
Tránh tình trạng Giám đốc Công ty môi trường mà tiếp tay cho Formosa chôn rác thải. Rồi bộ máy làm công tác về môi trường chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm, trong quá trình thực thi có động thái làm lơ cho các vi phạm về môi trường.
Đặc biệt gần đây liên tục phát hiện các điểm chôn rác thải của Formosa…
Một đường ống xả thải của Formosa bị phát hiện và xử lý. Ảnh: Tuổi trẻ.
Là ĐBQH tỉnh Quảng Bình, một địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra, ông có thể cho biết, cử tri Quảng Bình hiện quan tâm nhất vấn đề gì, thưa đại biểu?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Hiện người dân Quảng Bình có rất nhiều kiến nghị, cụ thể là vấn đề cá chết. Người dân cho rằng, trước khi công bố nguyên nhân cá chết họ đã ăn cá rồi. Bây giờ họ băn khoăn làm thế nào để khám, xác minh bản thân đã nhiễm độc tố từ cá chết hay chưa?
Có ý kiến cho rằng, nếu ngày trước Mỹ dùng máy bay B52 ném bom người chết đã chết rồi, người sống đã khẳng định được là sống. Chứ tình hình ăn cá chết thế này họ mà phải chết dần chết mòn thì rất đáng sợ…
Vậy, ông có mong muốn gì để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường Formosa tại kỳ họp thứ nhất này?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Trong kỳ họp này, theo mong muốn của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình thì được đóng góp ý kiến tại nghị trường liên quan đến sự cố Formosa.
Ý kiến phát biểu của đoàn sẽ tập trung vào phản ánh tình hình thực trạng của Formosa đã gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân bám biển.
Trong đó có nói đến dịch vụ kéo theo là dịch vụ du lịch và các dịch vụ khác. Đồng thời, chúng tôi sẽ kiến nghị xử lý nghiêm những trường hợp tiếp tay cho Formosa gây ảnh hưởng đến môi trường; kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành quan tâm, giải quyết dứt điểm, đặc biệt là hậu quả môi trường biển.
Tiếp đó, cũng có kiến nghị Chính phủ và nhân dân cả nước hỗ trợ nhân dân Quảng Bình khắc phục hậu quả và đặc biệt, là tạo điều kiện để người dân cải hóa nghề nghiệp pháttriển các ngành của mình trong du lịch.
Cụ thể là du khách tiếp tục đến du lịch Quảng Bình đừng để ngành du lịch Quảng Bình bị phá sản, hoặc tạo điều kiện để ngư dân Quảng Bình đánh bắt xa bờ tạo kế sinh nhai trong thời gian sắp tới.
Có nên thành lập ủy ban lâm thời điều tra Formosa?
Nhiều ý kiến đã cho rằng, trong sự cố môi trường Formosa vừa qua, còn thiếu vai trò giám sát của Quốc hội, ông nghĩ sao về điều này?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Lĩnh vực xã hội thì xảy ra rất nhiều vấn đề còn giám sát của Quốc hội thì có những mức độ, có những nội dung, trách nhiệm chính vẫn là các cơ quan chức năng quản lý và trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.
Lẽ ra cơ quan chức năng phải bám sát, theo dõi, kiểm tra, thẩm định đánh giá tác động của môi trường, còn quốc hội thì giám sát cũng quan tâm nhưng cũng có những vấn đề xảy ra bất thường mà quốc hội không thể lường trước được.
Trong thời gian tới thì Quốc hội cần phải quan tâm mạnh mẽ hơn, giám sát kỹ hơn và có những kế hoạch giám sát chuyên đề về môi trường, có như vậy mới khắc phục được tình trạng xảy ra như thời gian vừa qua.
Có đại biểu cho rằng là nên lập một uỷ ban lâm thời để điều tra các vấn đề về môi trường ở Formosa, ý kiến của ông như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Tôi nghĩ hiện nay chúng ta có đầy đủ cơ quan chức năng để giám sát, không nhất thiết phải thành lập cơ quan lâm thời để giám sát, làm như thế cũng rất phiền hà.
Vấn đề ở chỗ là bây giờ đã phát hiện ra rồi và cần phải xữ lý như thế nào, cách phục trong thời gian tới ra sao chứ không cần phải là cái gì cũng phải thành lập một uỷ ban lâm thời.
Một số ý kiến cũng bày tỏ, trong lĩnh vực môi trường, chúng ta có nhiều các văn bản chính sách nhưng việc thực thi lại rất yếu, từ đó mới dẫn đến sự cố Formosa xảy ra nghiêm trọng như vậy, ông đánh giá như thế nào về việc này?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Có thể nói hiện nay hệ thống văn bản về bảo vệ môi trường đã có và văn bản này đủ để điều tiết, kiểm soát vấn đề ô nhiễm và hạn chế nhất đó là năng lực quản lý.
Thứ 2 là một bộ phận cán bộ của các Bộ, ngành và trực tiếp liên quan đến môi trường là chưa hoàn thành trách nhiệm của mình.
Đây là vấn đề cần phải chấn chỉnh trong thời gian tới và cũng có thể trong đó có những tiêu cực do "lót tay" của các doanh nghiệp tiếp tay cho cán bộ của mình tạo điều kiện để vấn để ô nhiễm môi trường xảy ra.