Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: 'Bây giờ mới đặt những chốt kiểm tra ma túy với lái xe là quá muộn'

XUÂN TRƯỜNG |

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng lẽ ra vấn đề kiểm tra ma túy với các lái xe phải được quan tâm sớm và kỹ càng hơn, đến bây giờ mới đặt vấn đề này đã là quá muộn.

Video: Chân dung tài xế gây tai nạn thảm khốc, 8 người chết ở Hải Dương

Thời gian gần đây, những vụ tại nạn giao thông thảm khốc liên tiếp xảy ra khiến dư luận bàng hoàng, xót xa, càng phẫn nộ hơn khi sau tay lái của những chiếc xe gây tai nạn này là những tài xế nghiện ngập, dương tính với ma túy.

Trả lời VTC News về vấn đề này, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng – Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng nếu tất cả các lái xe được kiểm tra ma túy sớm và kỹ càng hơn, câu chuyện có thể đã thay đổi, đến bây giờ chúng ta mới đặt những chốt để kiểm tra đã là quá muộn.

- Chuyện lái xe đường dài, đặc biệt là lái xe container vướng vào ma túy đã diễn ra phổ biến và kéo dài, khiến nhiều người bức xúc và lo lắng, thưa ông?

Dự luận đã nói về việc lái xe tải đường dài chịu sức ép để tăng chuyến tăng tải tăng ca, đi đêm đi ngày để đạt được khối lượng vận chuyển và lợi nhuận mang lại cho doanh nghiệp cho nên dẫn đến sức ép.

Thứ hai, bản thân các tài xế có những người không rèn luyện bản thân dẫn đế sa ngã, "làm bạn với ma túy", rủ rê nhau rồi dẫn đến nghiện ngập.

Thứ ba, các cơ quan quản lý nhà nước, ở đây không chỉ có Bộ Giao thông vận tải mà còn nhiều các cơ quan khác ngay từ ban đầu đã không dự báo, không có sự kiểm soát hiệu quả về vấn đề này.

Ngay từ lúc đào tạo, sát hạch cho đến quá trình người ta trở thành lái xe, rồi nâng hạng bậc bao nhiêu lần cũng không để tâm đến vấn đề có xét nghiệm hay không xét nghiệm, hay kiểm soát ma túy với các lái xe vận tải đường dài. Để bây giờ hậu quả xảy ra như vậy. Rất đáng tiếc!

- Cơ quan chức năng cũng đã không có sự kiểm soát vấn đề này, thưa ông?

Tôi cho rằng câu chuyện ở đây, cả bản thân tài xế và cơ quan quản lý nhà nước đều có trách nhiệm ngang nhau về việc lái xe vận tải đường dài nghiện ma túy .

Bên cạnh đó còn có trách nhiệm của gia đình và xã hội đối với các tài xế này.

Có thể người thân như cha mẹ, vợ chồng, con cái thiếu sự kiểm soát lẫn nhau, nhắc nhở nhau, cùng với đó là thiếu đi sự giám sát của xã hội với lực lượng lái xe vận tải, đặc biệt là các xe siêu trường, siêu trọng, xe hạng nặng, xe vận tại đường dài. Có thể còn nhiều nguyên nhân khác nhau nữa.

Đến bây giờ chúng ta mới đặt những chốt để kiểm tra ma tuý thì tôi nghĩ rằng đã quá muộn rồi.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng

- Tại sao bây giờ mới đặt vấn đề kiểm tra lái xe nghiện ma tuý, khi đã có hàng chục người thiệt mạng một cách oan nghiệt bởi những lái xe nghiện ngập?

Các cơ quan quản lý khi đào tào tạo, sát hạch rồi nâng bậc, nâng hạng cho lái xe đã không xem xét đến vấn đề kiểm tra ma túy, lẽ ra phải xem xét vấn đề này từ lâu rồi.

Nếu tất cả các lái xe được xem xét ở khía cạnh này tôi nghĩ rằng câu chuyện nó đã thay đổi. Có thể xem xét định kỳ, có thể xét nghiệm bằng các biện pháp khác.

Đến bây giờ chúng ta mới đặt những chốt để kiểm tra ma tuý thì tôi nghĩ rằng đã quá muộn rồi.

Nếu việc kiểm tra kiểm soát việc tài xế nghiện ma túy diễn ra sớm hơn thì chắc chắn sẽ mang lại những kết quả tích cực.

- Các đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng lái xe nghiện ma tuý có vô can trong những trường hợp này?

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, ngay từ quá trình tuyển dụng đã không có sự kiểm soát, nhắc nhở đối với người lao động của mình.

Bản thân doanh nghiệp phải rà soát lái xe để xem người đó có thực sự có phẩm chất tốt không, hay có dương tính với ma túy không để loại ra.

Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ chú trọng đến vấn đề đó là khối lượng vận chuyển cũng như lợi nhuận mà lái xe tạo ra.

Thậm chí, người ta nói rằng có những doanh nghiệp biết rằng người lao động của mình, lái xe của mình nghiện ma túy nhưng cũng không có động thái gì bởi vì người lái xe đó vẫn làm lợi cho doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng bị trượt sâu, để gây ra sự cố thì lúc đó đã muộn rồi.

- Phải chăng chính sự thờ ơ, vô trách nhiệm của các doanh nghiệp vận tải là hành vi là tiếp tay cho các tài xế gây ra những tai nạn thảm khốc, thưa ông?

Tôi không dám nói những việc làm này của doanh nghiệp là tiếp tay cho lái xe, nhưng có thể nói đây là tình thần thiếu trách nhiệm trong quản lý giáo dục và động viên, kiểm soát đối với người lao động, với lái xe của mình.

Trách nhiệm của các đơn vị kinh doanh vận tải đến đâu thuộc về cơ quan chuyên môn xác định.

Nhưng theo tôi, với các quy định của pháp luật thì bản thân các chủ xe, các chủ phương tiện có xe để xảy ra tai nạn thì không thể là người đứng ngoài cuộc, đương nhiêu họ phải chịu trách nhiệm cùng với lái xe của mình khi những vụ tai nạn xảy ra.

- Dư luận cho rằng chế tài xử phạt đối với những trường hợp này là chưa đủ sức răn đe, thưa ông?

Tôi cho rằng các chế tài đã được nghiên cứu tương đối kỹ và về mặt nào đó đã đủ để sử dụng cho các trường hợp rồi. Tuy nhiên, nếu cần thiết vẫn cần phải nghiên cứu lại các chế tài nếu ở khía cạnh nào đó chưa hợp lý.

Xin cảm ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại