Dù chưa bao giờ được trang bị chính thức trong biên chế Quân đội Liên Xô và Nga, nhưng thiết kế khí động độc đáo kiểu cánh ngược, những trang bị điện tử hàng không tiên tiến sau này được kế thừa trên máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Su-57, đã biến Su-47 trở thành biểu tượng công nghệ của hàng không Liên Xô và Nga những năm cuối của thế kỷ 20.
Tại MAKS-2019, nguyên mẫu máy bay Su-47 được đặt tại khu trưng bày tĩnh trong tổ hợp công nghiệp hàng không Zhukovsky.
Thiết kế cánh ngược đặc biệt của máy bay Su-47 Berkut lấy ý tưởng từ dòng máy bay chiến đấu Ju-287 của Đức quốc xã thời Thế chiến 2. Để Su-47 ra đời, Viện thiết kế Sukhoi đã phải giải quyết hàng loạt bài toán về công nghệ vật liệu, khí động học, động cơ.
Xuất hiện lần đầu tiên năm 1983, nhưng tới tận năm 1997, nguyên mẫu máy bay Su-47 mới có chuyến bay thử đầu tiên.
Lý do của sự chậm trễ này không chỉ do những khó khăn về công nghệ, mà còn là do sự tan vỡ của Liên Xô khiến nguồn tài chính dành cho chương trình bị đóng băng. Để hiện thực ý tưởng về máy bay Su-47, Sukhoi đã tự bỏ nguồn tài chính để hoàn thiện mẫu máy bay chiến đấu đặc biệt này.
Điểm đặc biệt của Su-47 nằm ở thiết kế cánh ngược giúp máy bay có khả năng cơ động đặc biệt ở tốc độ và độ cao thấp. Kết cấu khí động cánh liền thân cũng giúp máy bay có tỷ số nâng lớn. Thiết kế khí động dạng này sau đã trở thành tiêu chuẩn của các dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 trên thế giới.
90% vật liệu khung thân Su-47 sử dụng vật liệu composite được xử lý đặc biệt, cho phép máy bay giữ những tính năng khí động học ưu việt và khả năng tàng hình. Tuy nhiên, những giới hạn về công nghệ vật liệu ở thời điểm được chế tạo đã khiến nguyên mẫu Su-47 luôn có khả năng gãy khi bay ở tốc độ cao.
Sự thiếu ổn định về thiết kế, giá thành chế tạo đắt đỏ đã khiến Su-47 không bao giờ được sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, thiết kế mang tính đột phá và hội tụ nhiều công nghệ hàng không tiên tiến đã khiến Su-47 trở thành biểu tượng của Không quân Liên Xô và Nga. Trước MAKS-2019, nguyên mẫu Su-47 từng được trưng bày tại MAKS-2017.