Tiêm kích F-15E được trang bị bom thông minh. Ảnh: Không quân Mỹ
Kế hoạch nâng cấp tiêm kích F-15E
Ý tưởng biến một máy bay có thể mang theo một lượng lớn đạn dược thành “phương tiện vận chuyển bom” hay “máy bay chứa đạn dược vũ khí” đã nhận được nhiều sự chú ý trong những năm gần đây.
Hiện giờ, không quân Mỹ đang thử nghiệm ý tưởng này, với việc sử dụng tiêm kích F-15E Strike Eagle để vận chuyển vũ khí tới các căn cứ tiền tiêu trong tình huống chiến tranh.
Không quân Mỹ hôm 2/3 thông báo, Phi đoàn thử nghiệm và đánh giá số 85 (Skulls) – một nhánh của Không đoàn số 53 tại căn cứ Không quân Eglin ở Florida đã chứng minh, F-15E Strike Eagle có khả năng mang theo 15 quả bom thông minh có bộ điều khiển quỹ đạo gắn ở phần đuôi bom JDAM trong một lần xuất kích vào ngày 22/2.
Trong những năm gần đây, không quân Mỹ tập trung vào Chiến thuật Triển khai Tham chiến Nhanh chóng (ACE), nhằm tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào những sân bay cũ, vốn tiềm ẩn nguy cơ bị đe dọa trước các đối thủ như Nga và Trung Quốc.
Trung tá Jacob Lindaman, chỉ huy của Phi đoàn thử nghiệm và đánh giá số 85 giải thích: “Strike Eagle giờ đây có thể mang đủ bom JDAM trong một lần xuất kích, hạ cánh ở một địa điểm xa, tự nạp đạn hoặc nạp đạn cho máy bay chiến đấu khác - chẳng hạn như F-35 hoặc F-22, để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu bổ sung”.
Hình ảnh được công bố cùng với thông cáo báo chí cho thấy, phía bên trái của F-15E có thêm 6 quả bom GBU-38/B JDAM loại 227kg, xếp thành hai hàng được gắn vào thùng nhiên liệu phụ (CFT). Như vậy, F-15E giờ đây có thể mang tất cả 15 quả bom JDAM gồm 6 quả bom phụ trợ với 9 quả bom JDAM sẵn có.
Để gia tăng tầm bay, F-15E được gắn thêm 2 thùng nhiên liệu phụ (CFT) áp dưới thân, tạo ra ít lực cản hơn so với loại thùng đeo dưới cánh thông thường. Mỗi thùng nhiên liệu có thể chứa 2.800 lít nhiên liệu và có 6 giá treo gắn vũ khí bố tró thành 2 hàng.
Trong khi hàng bom phía dưới có thể được sử dụng để tấn công mục tiêu thì hàng phía trên được dùng để dự trữ hoặc tiếp vận cho máy bay chiến đấu khác.
Theo cách tính toán này, về lý thuyết, F-15E có thể tham gia chiến đấu bằng cách thả 9 quả bom JDAM, sau đó phải trở về căn cứ để các binh sỹ di chuyển hàng bom phía trên xuống phía dưới. Sau khi công việc hoàn tất, máy bay có thể quay lại chiến trường.
Người phát ngôn của lực lượng không quân cho biết, F-15E có thể được trang bị đầy đủ vũ khí để tham chiến hoặc cũng có thể hoạt động như một “phương tiện vận chuyển bom”, chuyên chở JDAM đến các căn cứ tiền tiêu để trang bị cho các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 là F-22 hoặc F-35.
Đối với F-22, sự hỗ trợ này vô cùng cần thiết. Trước ACE, máy bay tàng hình này đã được thử nghiệm với chiến thuật Rapid Raptor.
Chiến thuật này của Mỹ được nghiên cứu dựa trên các đặc tính của môi trường chiến tranh hiện đại, theo đó, sau khi căn cứ tiền tiêu bị phá hủy, quân đội Mỹ cần phải triển khai chiến đấu cơ F-22 hiện đại nhất, tốc độ nhanh nhất đến tuyến đầu để tham gia tác chiến.
Tuy vậy, đã có nhiều câu hỏi đặt ra với sức bền của F-22 khi máy bay này được điều động đến những sân bay nằm ở khoảng cách tương đối xa. Để tránh những rủi ro ngoài ý muốn, không quân Mỹ cần phải sử dụng máy bay vận tải vận chuyển toàn bộ nhiên liệu, đạn dược, nhân viên hậu cần cần thiết cho F-22 tại vị trí cát cứ.
Ưu và nhược điểm của F-15E
Theo The Drive, so với máy bay vận tải C-130, F-15E mang lại nhiều lợi ích hơn khi được sử dụng để vận chuyển vũ khí.
Tiêm kích này có thể mang theo những quả bom thông minh đã được lắp đặt hoàn chỉnh và sẵn sàng sử dụng khi được vận chuyển đến địa điểm tác chiến. Trái lại, nếu sử dụng máy bay vận tải C-130, các đơn vị chiến đấu sẽ phải mất thời gian lắp ráp bom JDAM tại nơi tiếp nhận.
Bên cạnh đó, máy bay F-15E cũng dễ dàng qua mắt đối phương hơn và bay với tốc độ nhanh hơn. Sau khi tới nơi, F-15E không chỉ cung cấp vũ khí, đạn dược cho các máy bay chiến đấu khác, mà còn có thể phối hợp tác chiến để gia tăng hiệu quả hoạt động.
Nhược điểm duy nhất của tiêm kích này là có tầm bay hạn chế hơn so với C-130 và do phải mang tải trọng vũ khí lớn nên sức bền của máy bay sẽ bị giảm.
Hiện không quân Mỹ đang xem xét nâng cấp khả năng triển khai các nguồn lực tới một khu vực cụ thể và nhanh chóng thiết lập những căn cứ mới. Điều này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong giai đoạn đầu của một cuộc chiến lớn bởi đối phương sẽ phải tập trung mọi nỗ lực để đối phó với các căn cứ đó.
Báo cáo do Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ công bố ngày 2/3 kêu gọi Mỹ và các đồng minh “thiết lập sân bay viễn chinh và các cảng biển để phục vụ cho hoạt động phân bổ lực lượng”, như một phần của chiến lược rộng lớn hơn nhằm mang lại ưu thế trên không, trên biển và cho phép các lực lượng gia tăng khả năng cơ động.
Và như vậy, tiêm kích F-15E cùng với chiến thuật ACE có thể đóng vai trò quan trọng đối với kế hoạch này, cho dù ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hay bất cứ nơi nào khác.
Cũng có khả năng chiến thuật ACE sẽ được nâng cấp để biến F-15E từ máy bay vận chuyển bom có khả năng chiến đấu thành máy bay hỗ trợ hậu cần.
Thiếu tá Andrew Swanson, thuộc Phi đoàn Thử nghiệm và đánh giá số 85 cho biết, chiến thuật mới có thể được áp dụng vào thực tiễn trong chưa đầy 1 tháng. Trong tương lai không xa, lực lượng không quân cũng có thể sử dụng F-15EX để thực hiện các nhiệm vụ tương tự.
Với nhu cầu sử dụng F-15E ngày càng cao và sự cần thiết phải triển khai các nguồn lực đến những điểm nóng trên toàn cầu để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, có thể không lâu nữa, chúng ta sẽ chứng kiến những chiến đấu cơ hiện đại, chất đầy bom JDAM, luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tiếp vận hoặc tham chiến trong trường hợp chiến tranh xảy ra.