Sáng nay, Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh và hàng chục bị cáo khác đã chính thức hầu tòa tại phiên xét xử lần 2.
Trong số 51 bị cáo lần này bị truy tố sau khoảng 5 tháng TAND Hà Nội trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung, cơ quan điều tra đã truy tố thêm nữ diễn viên Quỳnh Tứ, tên thật là Hoàng Thị Hồng Tứ (sinh năm 1983, ở quận Ba Đình, Hà Nội).
Ngay từ hơn 7h sáng nữ diễn viên này đã có mặt tại tòa cùng hàng trăm người có liên quan để chờ làm thủ tục vào tòa. Vì tránh sự chú ý của báo chí, mọi người, nữ diên viên này đã đeo khẩu trang kín mít.
Khi vào làm thủ tục, được yêu cầu bỏ khẩu trang thì nữ diễn viên này mới bỏ và sau đó, nhanh chóng đeo khẩu trang lại bước vào trong khu xét xử.
Bước vào phần kiểm tra căn cước các bị cáo, nữ diễn viên Hồng Tứ đã gây sự bất ngờ cho mọi người tham gia phiên tòa cũng như đại diện các cơ quan báo chí.
Nữ diễn viên khóc nức nở tại tòa
Theo đó, ngay khi cầm chiếc micro để trả lời tòa án về lý lịch của mình, Hoàng Thị Hồng Tứ đã bật khóc nức nở, khiến vị chủ tọa phiên tòa Trần Nam Hà liên tục phải trấn an. Trong nước mắt, "bóng hồng" này cho biết từng tốt nghiệp Đại học Sân khấu điện ảnh. Sau đó, được cựu Chủ tịch HĐQT Oceabank tuyển vào ngân hàng làm thư ký cho Thắm.
Theo cáo trang, Tứ bị cáo buộc tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Trước đó, cô chỉ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Tứ tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, từng tham gia đóng nhiều phim truyền hình: Sau lũy tre làng Hạ, Trăng lạnh, Nắng trong mắt bão…
Đặc biệt, Quỳnh Tứ từng đảm nhận vai nữ chính trong hai phim truyền hình trong seris Cảnh sát hình sự của đạo diễn Bùi Huy Thuần là Đầm lầy bạc và Ngôi biệt thự màu tro lạnh. Hai bộ phim này đã góp phần đưa Quỳnh Tứ trở thành một cái tên triển vọng phía Bắc.
Quỳnh Tứ đeo khẩu trang kín mít trước khi vào làm thủ tục.
Ngoài đóng phim, Tứ còn làm việc hành chính, văn phòng cho Hội đồng quản trị tại Ngân hàng Đại Dương.
Tài liệu điều tra thể hiện, khi Công ty BSC thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ 3, ngày 16/12/2008, Tứ được Hà Văn Thắm cho đứng tên làm Chủ tịch HĐQT Công ty BSC. Theo cáo buộc, bị can này không góp vốn, không điều hành… bởi thời điểm đó, công ty này không có hoạt động gì.
Ngày 4/3//2009, theo chỉ đạo của Chủ tịch Oceanbank, Hồng Tứ đã ký hợp đồng lao động và quyết định bổ nhiệm Phạm Hoàng Giang làm Tổng giám đốc công ty BSC với mức lương 10 triệu đồng/tháng.
Trong thời gian từ 22/5/2009 đến 31/1/2012, Công ty BSC đã ký 721 hợp đồng dịch vụ khống, 80 hợp đồng mua bán tài sản có kỳ hạn để "thu phí" của khách hàng có nhu cầu vay vốn và mua ngoại tệ của OceanBank tổng số tiền gần 69 tỷ đồng.
Trong đó, nữ Chủ tịch HĐQT công ty BSC ký 98 hợp đồng dịch vụ, thu số tiền hơn 14 tỷ đồng.
Theo lời khai của Tứ, do các hợp đồng này đã được khách hàng ký trước và trên hợp đồng ghi bản thân cô là đại diện Công ty BSC nên nữ chủ tịch phải ký để hoàn thiện. Thực chất cô không biết bản chất và mục đích của hợp đồng là gì.
Ngoài ra, tài liệu điều tra còn xác định Tứ đã 3 lần nhận tổng số tiền hơn 6,6 tỷ đồng của Công ty BSC chi theo chỉ đạo của đồng bọn với Hà Văn Thắm để chuyển cho Nguyễn Xuân Sơn (Tổng giám đốc, ủy viên HĐQT Oceanbank và đại diện phần vốn góp của PVN tại ngân hàng).
Bà Tứ khai đưa cho Sơn tại phòng làm việc của Sơn, không biết là tiền gì, không được hưởng lợi gì.
Như vậy, hành vi của Tứ với cương vị là Chủ tịch HĐQT của Công ty BSC đã giúp sức cho Hà Văn Thắm sử dụng Công ty BSC để thu phí, lấy tiền chi theo yêu cầu của Sơn… Do đó, cô bị cơ quan chức năng cáo buộc tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Quá trình điều tra, Tứ tích cực khai báo. Gia đình Tứ có hoàn cảnh khó khăn, 2 anh trai bị nhiễm chất độc da cam, bố là thương bệnh binh nên cơ quan điều tra đề nghị xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho nữ bị can khi bị đưa ra xét xử.