“Đặc sản” võ Việt và cú phản đòn làm võ sư Trung Quốc phải “ôm hận”

Tiểu Mã (ghi) |

Nghi thức bái Tổ từng được coi là một “đặc sản” của làng võ thuật Việt Nam. Nhưng ngày nay, nghi thức này dường như chỉ còn là dĩ vãng với nhiều vị võ sư cao tuổi.

"ĐẶC SẢN" TRÊN VÕ ĐÀI MANG ĐẬM PHONG CÁCH VIỆT NAM

Theo võ sư, nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường – Chưởng môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà thì trước năm 1975, trong các trận đấu võ đài võ tự do ở các tỉnh thành phía Nam thường xuất hiện nghi thức bái Tổ trước khi hai võ sĩ giao đấu.

Võ sư Hồ Tường nói với chuyên trang Trí Thức Trẻ, báo điện tử Tổ Quốc: "Trước năm 1975 thì hầu hết võ đường võ Việt nào ở các tỉnh thành phía Nam cũng có nghi thức bái Tổ trước khi võ sĩ thượng đài. Trong khi đó, các phái võ khác được du nhập vào Việt Nam thì võ sĩ thường nhào vô tấn công ngay sau khi tiếng kẻng được vang lên.

Kể từ cột mốc sau năm 1925 trở đi, môn boxing (Quyền Anh) của phương Tây được du nhập vào Việt Nam. Nhiều võ sư, võ sĩ người Pháp, người châu Phi và cả người Đông Nam Á đã tham gia thi đấu và huấn luyện môn Quyền Anh. Nơi thi đấu thường xuyên nhất chính là tại Sài Gòn.

Bên cạnh môn Quyền Anh thì võ Việt Nam được cho tập luyện và đấu đài rất đông đảo. Việc sử dụng đòn tay, đòn chân, chỏ, gối… khiến cho các sàn đấu võ Việt Nam hấp dẫn, thu hút nhiều khán giả hơn so với thi đấu Quyền Anh thuần túy.

Đấu võ tự do Việt Nam hấp dẫn hơn vì thứ nhất, đây là môn võ của người Việt Nam và thứ hai, đó là cách đánh tự do, giống với thực tế ngoài đời, khiến người ta thích theo dõi hơn. Từ đó, nhiều võ sư và võ sĩ bên Quyền Anh đã học lỏm thêm những đòn chân, chỏ gối, rờ-ve… của võ Việt Nam để chuyển qua đấu võ tự do Việt Nam.

“Đặc sản” võ Việt và trận kịch chiến làm võ sư Trung Quốc phải cúi đầu ở Sài Gòn - Ảnh 1.

Theo võ sư Hồ Tường thì trước năm 1975, các võ sĩ có gốc võ Việt Nam thường có phần bái Tổ khi bước vào những trận võ đài (ảnh minh họa).

Như vậy, việc đấu võ đài võ tự do ở các tỉnh thành phía Nam trước năm 1975 gồm hai nguồn đào tạo. Một là những võ sư, võ sĩ có nguồn gốc là võ Việt Nam. Hai là những võ sư, võ sĩ có nguồn gốc là từ Quyền Anh nhưng chuyển sang đấu võ Việt Nam.

Để dễ nhận ra võ sư, võ sĩ thuộc nguồn gốc nào chỉ cần xem phần mở đầu của trận đấu. Thông thường, mỗi trận đấu sẽ bắt đầu bằng tiếng kẻng bước vào hiệp 1. Sau tiếng kẻng thì những võ sĩ gốc Quyền Anh sẽ mở cuộc tấn công ngay. Ngược lại, võ sĩ có gốc từ võ Việt Nam thì luôn thực hiện nghi thức bái Tổ rồi mới bắt đầu động thủ".

Theo võ sư Hồ Tường, màn bái Tổ trước khi giao đấu là một đặc sản mang đậm phong cách của võ Việt Nam, rất hiếm xuất hiện ở bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới. Khi thi đấu, đa phần các võ sĩ sẽ phải luôn đề phòng trường hợp bị đối thủ… "đánh úp" khi đang thực hiện bài bái Tổ.

"Do nguồn gốc khác nhau nên hầu như võ sĩ có gốc võ Việt Nam nào cũng luôn để tâm đối thủ đang làm gì, có tấn công mình khi đang bái Tổ hay không.

Về động tác của bài bái Tổ, các võ sĩ thường thực hiện những động tác bái lạy, chào kính, tùy theo từng môn phái mà động tác lại khác nhau. Bài bái Tổ mang đậm ý nghĩa là thể hiện cho khán giả biết mình là người nhớ tới cội nguồn, đồng thời đó còn là cách chào khán giả của võ Việt Nam.

Ví dụ như các võ sĩ thuộc võ đường Từ Thiện (thuộc môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà do cố võ sư Hồ Văn Lành làm chưởng môn) thường bái Tổ như sau: Võ sĩ quay người, chắp hai tay và cúi đầu lạy góc đài của mình, sau đó sẽ bước chuyền chân về phía đối thủ, vòng tay chào đối thủ và khán giả, rồi giơ chân trước lên, đứng bằng một chân sau theo thế võ "kim kê độc lập". Đến đây là xong một bài bái Tổ".

“Đặc sản” võ Việt và trận kịch chiến làm võ sư Trung Quốc phải cúi đầu ở Sài Gòn - Ảnh 2.

Chưởng môn Hồ Tường và một môn đệ.

NHỮNG LẦN BỊ "ĐÁNH ÚP" KHI BÁI TỔ VÀ TRẬN ĐẤU KHIẾN VÕ SƯ TRUNG QUỐC PHẢI CHÀO THUA

Theo võ sư Hồ Tường thì trước năm 1975, có một số võ sĩ của Việt Nam từng bị đối thủ "đánh úp" khi còn đang thực hiện bài bái Tổ. Thế nhưng, có những trường hợp chính việc bị tấn công như vậy lại khiến chiến thắng của các võ sĩ Việt Nam trở nên vang dội hơn.

Võ sư Hồ Tường kể: "Nhiều lần, các võ sĩ của Võ Việt Nam đã gặp phải đối phương là võ sĩ có gốc từ Quyền Anh. Khi họ đang bái Tổ thì các võ sĩ gốc Quyền Anh đã nhảy vào tấn công ngay. Song, hầu như võ sĩ Việt Nam nào cũng cảnh giác cao.

Chẳng hạn như nữ võ sĩ Hồ Ánh Tuyết của võ đường Từ Thiện (môn đệ của võ sư Hồ Văn Lành) đang bái Tổ thì nữ võ sĩ Lý Ngọc (học trò của võ sư Huỳnh Tiền) nhảy vào tung ngọn đá tấn công. Thế nhưng, nữ võ sĩ Hồ Ánh Tuyết đã nhanh chân, tung ngay đòn đạp chặn đòn tấn công của đối phương, làm cho nữ võ sĩ Lý Ngọc té ngay xuống sàn. Sau đó, Lý Ngọc sa sút tinh thần, đánh phải thua điểm trước Hồ Ánh Tuyết.

Có một lần, nam võ sĩ Xuân Dũng của võ đường Xuân Bình đang thực hiện động tác bái Tổ của môn Bắc Phái Tây Sơn Xuân Bình Võ Thuật Đạo thì đối thủ là Trần Bảo của võ đường Trần Xil (gốc Quyền Anh) nhảy vào tấn công. Thế nhưng, nhờ sự cảnh giác cao độ mà Xuân Dũng đã kịp tung ngay đòn đá khiến Trần Bảo bị văng ngược trở lại, nhăn mặt một cách đau đớn..."

“Đặc sản” võ Việt và trận kịch chiến làm võ sư Trung Quốc phải cúi đầu ở Sài Gòn - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa).

Đặc biệt nhất là trường hợp của võ sĩ Sáu Nhỏ (Sáu Cường) khi giao đấu với một võ sư người Trung Quốc tại Sài Gòn. Khi Sáu Nhỏ đang thực hiện động tác bái Tổ trong sự cổ vũ của đông đảo khán giả thì vị võ sư người Trung Quốc bất ngờ lao vào tấn công. Nếu xét về luật thì võ sư người Trung Quốc không phạm luật bởi trên võ đài, cứ sau tiếng kẻng là hai bên có thể ra đòn.

Thế nhưng, đúng lúc võ sư Trung Quốc lao tới, Sáu Nhỏ nhanh như chớp liền thoái bộ một nhịp để né đòn. Chỉ trong tích tắc, Sáu Nhỏ đáp trả bằng một cú bàng long cước trúng vào mặt của địch thủ, khiến võ sư Trung Quốc chảy máu.

Việc bị chảy máu rất sớm khiến võ sư Trung Quốc bị ảnh hưởng về tinh thần. Ngược lại thì Sáu Nhỏ càng trở nên hứng phấn. Thế rồi, sau những màn so găng đầy căng thẳng, Sáu Nhỏ đã hạ knock-out được đối thủ ở trong hiệp 3. Sau trận đấu, vị võ sư Trung Quốc tỏ ra khâm phục và khen ngợi rằng Sáu Nhỏ sở hữu thân thủ và cước pháp quá mau lẹ.

Võ sư Hồ Tường cho biết: "Thực tế, cũng có trường hợp võ sĩ Việt Nam để thua do bị đối thủ tấn công ngay khi còn đang bái Tổ song những tình huống như vậy không nhiều lắm.

Tóm lại, khi nói về võ đấu đài tự do ở miền Nam trước năm 1975 thì chúng ta cũng nên biết rằng võ tự do có hai nguồn gốc (võ Việt Nam và Quyền Anh). Dù ở nguồn gốc nào thì đa phần các võ sĩ đều được trang bị kỹ năng chiến đấu tốt. Tuy nhiên, so với đấu Quyền Anh thuần túy thì đấu võ tự do Việt Nam luôn có sức hấp dẫn lớn hơn rất nhiều.

Màn bái Tổ là một trong những gia vị khiến các trận đấu võ tự do Việt Nam trở nên đặc sắc hơn. Tuy nhiên, nghi thức này dần dần không còn xuất hiện và ngày nay cũng không còn trên các võ đài, do xu hướng phát triển của thể thao hiện đại".

(Xem thêm các tin tức võ thuật tại đây).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại