Chiến thắng không có thiệt hại về người
Theo nguồn tin chính thức từ Bộ Quốc phòng Nga và Syria, một bộ phận lính dù Syria kết hợp với đặc nhiệm Tiger sử dụng trực thăng đổ bộ vào hậu phương của IS (cách chiến tuyến khoảng 20km). Chiến dịch đã thành công khi lực lượng đặc nhiệm nhanh chóng chiếm được thị trấn al-Hadar, nằm ở vùng giáp ranh giữa tỉnh Raqqa và Homs (Syria).
"Đêm 12-8, lần đầu tiên trong cuộc chiến, lực lượng chính phủ Syria đã tổ chức đột kích đổ bộ đường không vào hậu phương của IS. Chiến thuật hoàn toàn mới này đã giúp lực lượng chính phủ nhanh chóng chiếm được thị trấn chiến lược al-Hadar, vị trí cách thành phố Deir ez-Zor 120km về phía tây", Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Hoạt động đổ bộ trên của Syria nhận được hỗ trợ của Không quân Nga, trong đó đáng kể nhất là các đơn vị máy bay trực thăng tấn công Ka-52 trực tiếp tham chiến.
Trực thăng tấn công Ka-52 hỗ trợ đắc lực cho đặc nhiệm dù Syria tham chiến ở al-Hadar.
"Sử dụng công nghệ nhìn đêm hiện đại, trực thăng tấn công Ka-52 không chỉ trực tiếp bắn hạ nhiều phương tiện cơ giới của IS, mà còn chỉ điểm hỏa lực cho pháo phản lực bắn loạt Syria tấn công chính xác các vị trí của IS", nguồn tin trên cho biết.
Do điểm đặc thù của chiến dịch quân sự đặc biệt, quá trình hoạch định kế hoạch, chiến thuật cho lực lượng dù Syria tham chiến có sự hỗ trợ của chuyên gia quân sự Nga. Về phía Syria, chỉ huy nổi tiếng của đặc nhiệm Tiger, tướng Suhel Hassan tham gia với vai trò chỉ huy chiến trường. Công tác chuẩn bị được tiến hành tại sân bay Jerakh phía đông Aleppo.
Chiến thắng tại thị trấn al-Hadar giúp đặc nhiệm Tiger và Quân đoàn 5 hình thành thế hợp vây lực lượng IS tại tỉnh Homs.
Tướng Suhel Hassan tham gia một mũi đột kích của đặc nhiệm dù trong chiến dịch chiếm thị trấn al-Hadar.
"Bằng chiến thuật tấn công chớp nhoáng, lực lượng chính phủ Syria đã tiêu diệt sở chỉ huy tiền phương, kho đạn, 2 xe tăng và 3 xe bọc thép của IS", chuyên gia quân sự Nga cho biết.
Theo đó, lực lượng đặc nhiệm dù Syria được trực thăng bay thấp đổ xuống một bãi bồi ven sông. Sau khi đổ bộ và phân công nhiệm vụ, các toán quân cơ động đến thị trấn al-Hadar.
Với sự chỉ huy trực tiếp của tướng Suhel Hassan, các mũi cơ động của đơn vị đổ bộ đã bất ngờ tấn công vào lực lượng IS; tiêu diệt sở chỉ huy và kho đạn, cùng nhiều thiết bị chiến đấu hạng nặng. Sau khi chiếm được al-Hadar, lực lượng đổ bộ đã tổ chức phòng thủ cho tới khi lực lượng tiếp viện phá vỡ phòng tuyến của IS tới tiếp quản vào sáng 13-8.
Chiến dịch đột kích thành công ngoài dự kiến đã giúp lực lượng chính phủ Syria chiếm được 3 thị trấn, 2 mỏ khai thác dầu, mà không chịu bất kỳ một tổn thất nào.
Lực lượng trên bộ Syria tiến vào tiếp quản các vị trí đặc nhiệm vừa chiếm giữ.
Chiến thuật cũ, cách thực hiện mới
Chiến thuật sử dụng lực lượng đặc biệt bất ngờ đánh vào hậu phương đối thủ, giữ chốt chờ lực lượng trên bộ tới tiếp viện không phải là chiến thuật quân sự mới.
Tuy nhiên, đối với lực lượng chính phủ Syria vốn đã bị sứt mẻ nhiều sau 3 năm nội chiến là một điểm nhấn mới về khả năng tổ chức hoạt động quân sự cấp chiến thuật, chiến dịch của lực lượng chính phủ Syria.
Những hoạt động quân sự đặc biệt như việc tổ chức đổ bộ vào hậu cứ đối phương, không chỉ cần lực lượng tham chiến tinh nhuệ, mà còn cần việc tổ chức phối hợp hoạt động tác chiến nhuần nhuyễn và chính xác. Thực tế chiến trường tại thị trấn al-Hadar đã chứng minh lực lượng chính phủ Syria đã thực hiện tốt chiến thuật này.
Mặt khác, xét về cục diện chiến trường chống lại IS hiện nay tại Syria, lực lượng chính phủ và Không quân Nga giành ưu thế hoàn toàn trên không.
Điều này tạo thuận lợi cho Quân đội Syria có thể thực hiện chiến thuật đột kích với sự hỗ trợ tối đa về hỏa lực và chỉ điểm từ trên không. Đây có thể là một yếu tố làm lên thành công trong chiến dịch đổ bộ chiếm thị trấn al-Hadar.
Sau nhiều thất bại trên chiến trường gần đây, lực lượng IS đang bị co cụm và căng mỏng tại nhiều mặt trận, đặc biệt là tại tỉnh Raqqa và Homs.
Việc sử dụng đặc nhiệm bất ngờ đổ bộ, tiêu diệt các đơn vị hỏa lực hỗ trợ và sở chỉ huy tiền phương sẽ làm lực lượng chiến đấu ở tiền tuyến nhanh chóng vỡ trận. Tất nhiên, chiến thuật này cần sự chuẩn bị cẩn thận về con người, công tác trinh sát, lập kế hoạch tác chiến.
Về mặt chiến thuật, từ trước tới nay, lực lượng quân đội chính phủ Syria chủ yếu sử dụng lợi thế về hỏa lực pháo binh, không quân làm mềm chiến trường, sau đó bộ binh tiến lên chiếm lĩnh trận địa.
Đây là phương thức tác chiến an toàn, nhưng do tốc độ tiến quân phụ thuộc vào các lực lượng hỗ trợ nên có thể làm mất thời cơ chiến lược, cũng như thiệt hại về nhân mạng khi lực lượng phòng thủ tái tổ chức và phản công.
Trong khi đó, việc áp dụng chiến thuật sử dụng lực lượng đặc nhiệm đột kích, nhất là trên địa hình sa mạc như Syria lại mang lợi thế rất lớn về mặt chiến thuật. Việc bất ngờ mất lực lượng hỏa lực hỗ trợ và trung tâm chỉ huy, khiến đối phương nhanh chóng mất ý trí chiến đấu và tan rã.
Điều này giúp cho lực lượng chính phủ có được hiệu quả tác chiến tối đa, trong khi đó thiệt hại về nhân mạng và khí tài là tối thiểu.
Với thành công của chiến dịch đổ bộ tại al-Hadar, nhiều khả năng lực lượng chính phủ Syria sẽ còn tiếp tục sử dụng chiến thuật tương tự trong tương lai gần.