Hành trình gian nan
Erwin Rommel
Họ lợi dụng bóng đêm, dùng tàu ngầm tiếp cận vị trí gần bờ biển Libya, chuẩn bị đổ bộ thực hiện điệp vụ ám sát sĩ quan chỉ huy cao cấp nhất của Đức tại Châu Phi - tướng Rommel, kẻ có biệt danh "Con cáo sa mạc".
Người liên lạc trên bờ theo kế hoạch đã định, không ngừng nháy đèn pin làm hiệu, phát tín hiệu có thể thực hành đổ bộ.
Lúc này, trên mặt biển sóng to gió lớn, các đợt sóng trào lên dữ dội, muốn vượt qua khoảng cách hơn 100 mét đến vi bờ quả là việc làm nguy hiểm.
Chỉ chưa đầy nửa tiếng đồng hồ nữa là trời sáng. Trung tá Laycock nhìn vào mặt biển sóng cuộn trào dữ dội, lại nghe tiếng sóng gầm dữ dằn, một dự cảm không lành len lỏi vào tâm trí.
Thời gian để tận dụng bóng tối cho cuộc đổ bộ không còn bao lâu, không thể ở lại đây lâu được, dù thế nào cũng phải tổ chức đổ bộ. Vậy là, mệnh lệnh phát ra, xuồng cao su đưa từ trong tàu ngầm ra chuẩn bị đổ bộ.
Gió không ngừng gào thét, các chiến sĩ cố gắng chèo, khó nhọc đưa con thuyền hướng vào bờ. Sóng gió quá dữ dội, 3 chiếc xuồng cao su bị sóng đánh lật nhào, trong nháy mắt 12 người đi trên xuồng bị chìm xuống lòng biển hung dữ, không thấy có ai ngoi lên mặt biển.
Những chiếc xuồng khác cũng khó khăn đến cùng cực mới có thể vượt qua những con sóng cao hơn hai mét, cập được vào bờ. Trung tá Laycock mắt nhòa lệ, nhưng cũng coi như đã vượt qua cửa ải ban đầu.
Sau khi đổ bộ được lên bờ, dưới sự dẫn đường của người liên lạc, đội "Chuột sa mạc" cơ động gấp trong khoảng 2km đến được một lòng sông cạn hẹp gọi là "Guadi".
Gió biển thổi vào những bộ quần áo ướt, cái rét luồn vào cơ thể. Mọi người có thể trú tạm lại đây để tránh gió. Trung tá Laycock cử ra một tổ đi trinh sát nắm tình hình, những người khác tạm thời nghỉ ngơi tại chỗ.
Đánh rắn phải đánh dập đầu. Kế hoạch tập kích tiêu diệt Longmer do chính trung tá Laycock đề ra. Ngày thứ ba, họ quyết định ra tay hành động, nhằm hướng sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Đức chiến trường Châu Phi đóng tại Baeda, nóng lòng muốn tiêu diệt "con thú sa mạc" kiêu ngạo và hung tàn, từ đó thay đổi cục diện chiến trường Châu Phi.
Tranh vẽ Robert Laycock
Đêm 16 tháng 11, bóng đêm lạnh lẽo, vầng trăng sáng bàng bạc, các vì sao lấp lánh trên bầu trời. 20 thành viên đội "chuột sa mạc" gấp gáp hành quân trên sa mạc bao la.
Nhưng, vào lúc nửa đêm, bầu trời như thấp xuống và tối đen lại, tầm nhìn ngày càng hạn chế, người dẫn đường và trinh sát đi phía trước đội hình cũng bị mất phương hướng, họ buộc phải dừng lại. Laycock giở bản đồ địa hình, rút địa bàn để định vị lại hướng đi.
Đêm tối mịt mùng, xoè tay ra cũng không trông thấy các ngón tay, xung quanh tất cả tối đen như mực, cũng không thể nhìn vật chuẩn định hướng nào, rất khó để xác định hướng đi.
Đang lúc mọi người chụm lại lo lắng, phía trước họ cách khoảng 20 mét, lấp lánh những cặp mắt xanh lè, tiếp đó là vang lên những tiếng hú rợn người.
Hỏng rồi, bọn sói đã tìm đến. Hai chiến sĩ trong đội lập tức nâng súng tiểu liên Sten có gắn ống giảm thanh lên, "bụp, bụp, bụp,…" bắn vài điểm xạ ngắn, những cặp mắt xanh nọ biến mất trong nháy mắt.
Lát sau, thời tiết thay đổi đột ngột, sấm chớp nổi lên. Laycock cùng các chiến sĩ tạm lánh dưới chân một gò cát, xem ra phải đợi trời sáng mới có thể tiếp tự hành trình.
Vào lúc bình minh, các thành viên ăn uống, chỉnh đốn lại trang bị và lại lên đường. Lúc 9 giờ sáng, bỗng nhiên có cơn lốc đến, gió cuốn cát đá bay mù mịt, trời đất tối sầm, họ bị cơn lốc xô đẩy đứng không vững, vội vàng lánh vào một hõm đất, mới tai qua nạn khỏi.
Sau cơn lốc, mang trên vai trang bị nặng hơn 40 kg, họ chậm chạp lê bước.
Đến giữa trưa, trời nóng như đổ lửa, nhiệt độ lên tới 45°C, họ bị nóng đến mức người đầm đìa mồ hôi, những bi đông nước mang theo cũng được dùng đến giọt cuối cùng, cơn khát khiến những cặp môi bỏng rát, gần như tất cả đều rơi vào tình trạng nửa tỉnh nửa mê, đôi chân dường như không còn nghe theo sự điều khiển.
Lúc 2 giờ chiều, hai chiến sĩ dường như hết khả năng chịu đựng, ngã gục trên bãi cát sa mạc. Laycock bắt buộc phải dừng đội hình, chăm sóc những người bị ngất, bản thân ông dẫn theo 3 chiến sĩ đi ra sau những gò cát, tìm nước uống.
Trời đỡ nóng, nước cũng đã được mang về, các chiến sỹ uống nước, sức lực dần dần được khôi phục trở lại. Trong khi đi tìm nguồn nước, Laycock đã có một phát hiện bất ngờ đó là đã phát hiện ra một con đường nhỏ dẫn đến phía sau Bộ Tư lệnh quân Đức.
Nếu tiếp cận chúng bằng con đường này có thể bất ngờ xuất hiện, kẻ địch sẽ không kịp trở tay.
Ông trời cứu mạng con "cáo sa mạc"
Một giờ sáng ngày 18 tháng 11, ánh điện sáng rực trong khu vực Bộ Tư lệnh quân Đức tại Baeda. Tiếng "tích tích, tà tà" của điện báo và tiếng nổ của động cơ ô tô, mô tô hoà vào nhau, tạo nên bầu không khí hết sức khẩn trương và bận rộn.
Lúc này, đội đặc nhiệm "chuột sa mạc" của trung tá Laycock cũng đã ém ở đây. Trung tá lệnh cho 2 chiến sĩ đột nhập vào trong bộ chỉ huy nắm tính hình, chuẩn bị cho phương án tấn công từ nhiều hướng, quyết tâm tiêu diệt "con cáo sa mạc" đã gây cho phía Anh nhiều thất bại nặng nề.
Ba chiến sĩ đi trinh sát lợi dụng bóng đêm, bí mật tiếp cận, giết chết tên linh trong trạm gác, đột nhập vào bộ chỉ huy. Rất lâu sau vẫn không thấy họ quay lại, trung tá Laycock trong lòng như có lửa cháy.
"Đã xảy ra chuyện gì? Lẽ nào họ đã bị bọn Đức bắt được?" - Laycock nghĩ.
Đúng lúc này, phía trong bộ chỉ huy bỗng vang lên những tiếng súng nổ quyết liệt.
Thì ra sau khi đã bí mật tiêu diệt tên lính gác, tổ trinh sát chia nhau yểm hộ lần lượt qua hàng rào, luồn vào trong dãy nhà, khi họ đang chuẩn bí bước lên cầu thang thì bất ngờ chạm trán với một sỹ quan Đức, tên này vội rút súng.
Vào giây phút đó, một lính đặc nhiệm nổ ngay một phát súng từ khẩu súng trường tự động L1A1, "Đoàng!" tên Đức ngã gục xuống. Trong nháy mắt sở chỉ huy trở nên náo động, tiếng còi báo động, tiếng kêu la vang lên khắp nơi.
Laycock hiểu rằng 3 chiến sĩ đó đã bị lộ, ông lệnh một tổ yểm trợ từ hướng chính diện, 3 tổ còn lại tấn công vào sở chỉ huy từ 3 hướng khác nhau.
Lúc này, các chiến sĩ như những con mãnh hổ, lao về phía toà nhà đen thẫm phía trước. Trong bộ chỉ huy, tiếng súng, tiếng lựu đạn nổ hỗn loạn, lửa cháy sáng rực.
Laycock dẫn theo 4 chiến sĩ xông vào tầng một của toà nhà từ hướng bên phải, vào đến bên trong, họ chạm trán với mấy tên Đức đang từ trên cầu thang chạy xuống, một cuộc đấu súng diễn ra.
Toàn bộ số lính Đức dưới tầng 1 đã bị tiêu diệt, không còn sự kháng cự nào. Họ nhanh chóng chuyển lên tầng 2.
Laycock đẩy nhẹ cánh cửa của phòng tác chiến chỉ huy, hai chiến sĩ lách vào phòng, nhưng không phát hiện được điều gì, nhưng từ phòng bên cạnh có luồng ánh sáng yếu ớt lọt qua khe hở, thì ra bên đó có 6 tên lính Đức đang bắn quét ra phía ngoài qua cửa sổ.
Laycock nhanh chóng nép vào một bên cửa, một chiến sĩ đạp mạnh vào cửa, cánh cửa bật ra, anh nâng súng bắn quét vào bên trong, một chiến sĩ khác kêu lên "phải dùng thứ này mới đã".
Chưa dứt câu, một trái lựu đạn được tung vào phòng, anh này chưa kịp né người thì từ trong phòng một viên đạn bay ra găm vào ngực trái, anh gục ngã xuống sàn. Lúc này chỉ nghe một tiếng nổ lớn, đèn trong phòng cũng tắt ngấm.
Họ đang cấp cứu cho người bị đạn bắn, thì cầu thang tầng ba vọng những tiếng bước chân, Laycock ra hiệu, hai chiến sĩ hiểu ý, họ nhanh như nhớp chặn ngay cửa cầu thang, nâng súng nhả đạn.
Khi nhìn lại thì đó chính là 5 thành viên trong đội "chuột sa mạc" đang áp giải một thượng úy Đức đi xuống, nhưng đã quá muộn, chỉ nghe "huỵch" một tiếng, một chiến sĩ đã bị đạn găm vào đùi, vết thương khá nặng.
Thì ra các chiến sĩ này đã leo lên tầng ba của toà nhà từ phía sau, nhưng chỉ bắt được một thượng úy sĩ quan Đức, không phát hiện được ai khác, không ngờ khi xuống cầu thang lại có sự nhầm lẫn đáng tiếc.
Lúc này, tiếng súng bên ngoài đã thưa dần, Laycock cảm thấy ở đây có điều bất ổn, ra lệnh mang người chiến sĩ bị thương, áp giải cả tên sĩ quan Đức đi theo, nhanh chóng rút khỏi khu vực nguy hiểm.
Các thành viên của đội đặc nhiệm đã rút ra được đến vị trí tập trung, nhưng đáng tiếc là trong toà nhà được coi là "Sở chỉ huy" đó đã không tìm thấy bóng dáng của Rommel.
Khi thẩm tra tên tù binh bị bắt thì được biết, ngay buổi tối hôm trước Rommel đã đến mặt trận để thị sát. Vậy là ông trời kia đã cứu mạng cho "Con cáo sa mạc".
Tin bộ chỉ huy bị tấn công đến tai Rommel, hắn cười gằn nhưng vẫn không giấu nổi sự lo lắng và giận dữ trong lòng, Rommel lập tức lệnh cho quân Đức tại Bắc Phi, Trung Đông, bằng mọi giá phải tiêu diệt được lực lượng biệt kích Anh to gan, thử xem "Con cáo sa mạc" hay "Chuột sa mạc" sợ hơn.
Các tàu chiến của Đức triển khai phong toả nghiêm ngặt trên biển, máy bay Đức bay lượn sục sạo, tấn công, lực lượng bộ binh bao vây tầng tầng lớp lớp quanh khu vực lực lượng đặc nhiệm lẩn trốn, bắt đầu một cuộc tấn công tiêu diệt quy mô lớn.
Nghe nói, trước những đợt tấn công ào ạt của quân thù, các thành viên của đội "Chuột sa mạc" bị truy kích đến cùng, đa số họ đã hy sinh anh dũng nơi sa mạc. Cuối cùng, chỉ có hai người còn sống trở về nước Anh. Đội "Chuột sa mạc" lừng lẫy tiếng tăm đã biến vào sa mạc mênh mông như vậy.
(Bài viết sử dụng tư liệu từ cuốn "Những lực lượng đặc nhiệm thế giới" - Nhà xuất bản Công an Nhân dân năm 2003).