Đã tìm ra 'thuốc giải độc'?

Hoài Giang |

Trong bài viết được RIA Novosti đăng tải ít giờ trước, cây viết Nga Andrey Igorev đã đề cập tới khí tài 'lạ mà quen' có thể khắc chế tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS.

"36 tên lửa bị 'vít cổ' cùng một lúc"

"Dùng thứ này, Quân đội Nga có khả năng tiêu diệt tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS của Mỹ".

Trên đây là kết luận của các nhà phân tích thuộc AC VKO (Trung tâm Phân tích Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Nga) sau khi xem xét kỹ tính năng kỹ chiến thuật của một tổ hợp phòng không tầm trung hiện đang hoạt động - và nó chính là Buk-M3.

Là một khí tài cấp chiến thuật được đưa vào trang bị vào năm 2016, Buk-M3 được thiết kế để bảo vệ các đơn vị khi hành quân, đóng quân và ngay cả khi họ đang trong các trận đánh trước các mối đe dọa từ trên không.

Mặc dù cho tới nay khả năng tiêu diệt chính xác bao nhiêu mục tiêu trên không của tổ hợp vẫn chưa được làm rõ nhưng Bộ Quốc phòng Nga đã nhiều lần chỉ ra rằng Buk-M3 có khả năng tiêu diệt máy bay cánh cố định, trực thăng, máy bay không người lái (UAV) và tên lửa.

Đã tìm ra 'thuốc giải độc'?- Ảnh 1.

Một tổ hợp Buk tại mặt trận Avdiivka/Avdeevka, Donetsk.

M3 - biến thể mới nhất của dòng Buk được hiện đại hóa sâu từ Buk-M2. Cụ thể nhiều bộ phận chính của tổ hợp đã được thay thế và áp dụng các công nghệ tiên tiến - bao gồm cả một tên lửa hoàn toàn mới.

Trong quá trình thử nghiệm, tổ hợp đã khẳng định khả năng phát hiện và vô hiệu hóa nhiều loại mục tiêu trong mọi thời tiết, cả ngày lẫn đêm cũng như trong điều kiện có bị gây nhiễu.

Quân đội Nga đã sử dụng loại vũ khí này một cách thành thạo trước cả "Chiến dịch quân sự đặc biệt" (SMO) và vì vậy việc nó tiêu diệt các phương tiện và vũ khí nước ngoài được đối phương sử dụng hoàn toàn không có gì đáng ngạc nhiên.

Bình luận với RIA Novosti, một thành viên kíp tên lửa Buk-M3 đang tham chiến trong SMO với bí danh "Staf" đã đưa ra các nhận định như sau:

"Chúng tôi thích ứng rất nhanh với các mối đe dọa mới. Khi bom liệng JDAM của Mỹ xuất hiện (trên chiến trường Ukraine), ban đầu chúng tôi không thể nhận ra vì chúng nhỏ và bay với tốc độ rất thấp.

Nhưng chúng tôi đã nhanh chóng làm quen với chúng. Một mục tiêu ở cao nhưng tốc độ thấp không quá "khó nhằn". Mọi thứ khó khăn hơn một chút với các tên lửa hành trình Storm Shadow và SCALP do chúng bay bám địa hình ở độ cao thấp...

Tuy nhiên với những thứ bay theo đạn đạo như ATACMS, tôi nghĩ chúng tôi cũng có thể bắn hạ".

Đã tìm ra 'thuốc giải độc'?- Ảnh 2.

Một thành viên kíp tên lửa Buk-M3 đang tham chiến trong SMO.

"Thuốc giải độc ATACMS?"

Mỗi một tổ hợp Buk-M3 bao gồm một khí tài điều khiển chiến đấu, một radar phát hiện mục tiêu, một xe phóng tự hành với bệ phóng có thể mang theo 6 hoặc 12 tên lửa cùng một xe chở đạn.

Nhưng "át chủ bài" chính là tên lửa 9M317M.

Tên lửa có đường kính 360 mm, dài hơn 5 mét và trọng lượng khoảng 580 kg, được trang bị đầu dò radar chủ động hoặc bán chủ động có dạng hình que, nặng hơn 60 kg.

Động cơ nhiên liệu rắn giúp gia tốc tên lửa lên mức 1.550 mét/giây cũng như tạo ra tầm bắn hiệu quả là từ 2,5 đến 70 km, độ cao sát thương từ 15 mét đến 35 km.

Tên lửa 9M317M cực kỳ cơ động, nó có thể truy đuổi ở tốc độ lên tới 3.000 mét/giây ngay cả các mục tiêu bay theo quỹ đạo phức tạp cũng như trong điều kiện hỏa lực dữ dội cũng như bị gây nhiễu điện tử.

Một trong những đặc tính khác của Buk-M3 là việc tên lửa được khai hỏa từ ống phóng thẳng đứng như S-300 và S-400 làm tăng đáng kể tốc độ bắn.

"Tai mắt" của hệ thống phòng không là radar đa chức năng. Một đơn vị cấp sư đoàn phòng không Nga gồm 2 tổ hợp Buk có khả năng phát hiện, bám bắt và khai hỏa tối đa 36 mục tiêu cùng lúc.

Radar đa kênh hoạt động cả ngày lẫn đêm, trong mọi điều kiện thời tiết và ở nhiệt độ giao động từ -50 đến +50 độ C. Buk-M3 cũng có thể hoạt động song song với một tổ hợp phòng không khác là Tor-M2 giúp bao phủ chặt chẽ bầu trời hơn.

Đã tìm ra 'thuốc giải độc'?- Ảnh 3.

Một tổ hợp Buk-M3 trong SMO.

ATACMS không quá "khó nhằn"?

Các nhà phân tích của AC VKO cũng tuyên bố rằng Buk-M3 có hiệu quả chống lại tất cả các loại vũ khí trên không của NATO - bao gồm cả tên lửa ATACMS.

Cần lưu ý rằng phía Ukraine đã nhận và sử dụng loại vũ khí này như một phần của gói viện trợ  trị giá 61 tỷ USD của Mỹ và thứ chúng ta đang nói đến ATACMS Block 1 có tầm bắn lên tới 160 km.

Các chuyên gia Nga nhấn mạnh:

"Hiện không có bất kỳ dữ liệu chính thức nào về các đặc tính kỹ chiến thuật của ATACMS Block 1A.

Giới chuyên gia thì đưa ra các con số khác nhau về tốc độ - từ 1.000 đến 1.500 mét/giây -  và ngay cả khi ATACMS Block 1A đạt vận tốc tối đa, việc Buk-M3 đánh chặn nó là hoàn toàn có thể xảy ra".

Đã tìm ra 'thuốc giải độc'?- Ảnh 4.

Tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS có thể được khai hỏa từ tổ hợp M142 HIMARS hoặc M270 MRLS.

Cũng theo giới phân tích thì sau khi đạt tốc độ tối đa, Block 1A bắt đầu giảm tốc độ và ở pha cuối, tốc độ này giảm đáng kể xuống còn dưới 1.200 mét/giây - điều biến tên lửa thành mục tiêu ít khó khăn hơn cho phòng không Nga.

Để so sánh, Tochka-U có tốc độ 1.100 mét/giây.

Tất nhiên, vẫn còn nhiều ẩn số trong cuộc đối đầu giữa ATACMS Ukraine và Buk-M3 của Nga và đặc biệt là chưa rõ Kiev đã nhận được bao nhiêu tên lửa loại này.

Việc phải bảo vệ một mục tiêu trước hàng chục tên lửa cùng lúc sẽ ràng là nhiệm vụ khó khăn ngay cả với các hệ thống phòng không dày đặc và hiện đại nhất.

Và vì vậy - theo các chuyên gia thì phương án hiệu quả nhất để vô hiệu hóa ATACMS là tiêu diệt chúng ngay trước khi khai hỏa".

Vào trung tuần tháng 3, Washington đã công bố gói hỗ trợ quân sự bổ sung trị giá 300 triệu USD cho Ukraine.

Theo Reuters, Forbes và Politico, đáng chú ý hơn cả là gói này được cho là chứa 8 tên lửa ATACMS - và có thể là tất cả đã được sử dụng trong cuộc tập kích vào căn cứ không quân Dzhankoy ở Crimea vào ngày 16/4.

Cũng theo truyền thông Phương Tây, thiệt hại của căn cứ Nga nằm cách tiền tuyến Ukraine khoảng 160 km sau cuộc tập kích "được cho là đáng kể".

Hiện phía Nga vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận gì về thông tin này.

Tuy nhiên theo họ, lần đầu tiên phía Ukraine nhận được và sử dụng ATACMS là vào tháng 9/2023 chứ không phải tháng 3 nhưng những tên lửa này đã nhanh chóng bị phòng không Nga bắn hạ.

Và cũng cần lưu ý thêm rằng vào tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin khi đề cập tới ATACMS đã cho biết:

“Đây lại là một sai lầm khác của Mỹ...”.

Mỹ khai hỏa ATACMS trong tập trận cùng Australia

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại