Sự tồn tại của "hành tinh thứ 9" là giả thuyết được đặt ra khá lâu và dần để lộ những manh mối thú vị.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Thiên văn học, Giáo sư thiên văn học hành tinh Michael Brown và nhà vật lý thiên văn Konstantin Batygin thuộc Viện Công nghệ California (Caltech) ở thành phố Pasadena, tiểu bang California, Mỹ, vẫn tiếp tục đi sâu tìm kiếm "hành tinh thứ 9" trong Hệ Mặt trời như giả thuyết họ từng đưa ra vào năm 2016.
Trong nghiên cứu mới nhất, hai nhà khoa học đã bổ sung thêm một số quan sát gần đây về các vật thể không gian có phân cụm và tính toán khả năng tồn tại "hành tinh thứ 9" mà họ cho rằng chắc chắn đang tồn tại đâu đó ngoài kia.
Theo nhóm nghiên cứu, nhiều vật thể không gian nhỏ ở vùng xa xôi gần rìa Hệ Mặt Trời bị một cái gì đó mạnh mẽ, khổng lồ, vô hình tác động lực hấp dẫn vào, làm chuyển dịch, lay động và họ tin rằng vật thể vô hình đó chính là "hành tinh thứ 9".
Tờ Universe Today cho biết các nhà khoa học đã tạo ra một bản đồ quỹ đạo các hành tinh và vật thể vành đai Kuiper gần sao Hải Vương, bao gồm hành tinh thứ 9. Quỹ đạo của vật thể ma quái này được xác định dựa trên những tác động của nó lên các vật thể đã biết trong vành đai Kuiper.
Kết quả cho thấy nó phải có một quỹ đạo hết sức rộng lớn, hình elip. Hiện tại nó rất có thể đang ở vị trí có độ xa trung bình và đang chậm rãi tiến tới điểm cận nhật (điểm gần Mặt Trời nhất trên quỹ đạo). Khoảng cách trung bình hiện tại là khoảng 500 đơn vị thiên văn (AU). Một AU chính là khoảng cách từ Mặt trời đến Trái đất.
Theo Giáo sư Brown, quỹ đạo gần hơn sẽ khiến "hành tinh thứ 9" sáng hơn và dễ quan sát hơn rất nhiều, mặc dù các tính toán cho thấy hành tinh này cũng nhỏ hơn một chút, chỉ bằng 6 lần khối lượng Trái đất, thay vì 20 lần như ước tính trước đây.
“Nhờ khoảng cách gần hơn nên ngay cả khi hành tinh này nhỏ hơn ước tính thì nó vẫn sáng hơn một chút so với dự đoán ban đầu của chúng tôi'', Giáo sư Brown nói.
Nếu "hành tinh thứ 9" tồn tại, có lẽ nó sẽ là một hành tinh khí rất lạnh giống như sao Hải Vương nhưng sẽ nhỏ hơn đáng kể so với sao Hải Vương. Để dễ hình dung, sao Hải Vương có khối lượng gấp 17 lần Trái đất. Và khoảng 6 đến 10 lần khối lượng Trái đất là kích thước phổ biến nhất của các hành tinh khí khổng lồ mà các nhà thiên văn học nhìn thấy ở những nơi khác trong thiên hà của chúng ta.
Bên cạnh đó Giáo sư Brown bác bỏ giả thuyết của các nhà thiên văn học hồi năm ngoái rằng "hành tinh số 9" có thể là một lỗ đen quay quanh Mặt trời.
Mặc dù các kết quả nghiên cứu của Giáo sư Brown và cộng sự đưa ra các ý tưởng tốt hơn để nâng cao khả năng tìm ra "hành tinh thứ 9" nhưng một số nhà thiên văn học khác vẫn hoài nghi về sự tồn tại của hành tinh này. Họ cho rằng tất cả chỉ là phỏng đoán cho đến khi có các bằng chứng thuyết phục hơn.