Đa số chúng ta đốt tiền vào tiêu sản, trong khi người giàu chỉ mua tài sản: 3 nguyên tắc cơ bản để hướng tới cuộc sống chất lượng cao

Thúy Phương |

Đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao người giàu ngày càng giàu? Ngược lại, nhiều người biết cố gắng phấn đấu, sở hữu thu nhập cao nhưng mãi không đạt được sự giàu có?

Bill Gates từng nói: “Sinh ra trong nghèo khó không phải lỗi của bạn, nhưng chỉ mãi sống trong nghèo khó thì rất có thể xuất phát từ lỗi của bạn”.

Đôi khi, chỉ một sai lầm cũng có thể hủy hoại hết mọi thành quả mà bạn nỗ lực phấn đấu từ trước tới giờ.

Như vậy, để trở nên giàu có, trước hết có lẽ bạn cần học cách suy nghĩ và hành động như một người giàu có. Một trong những chìa khóa làm nên thành công của họ chính là cách quản lý tiền bạc.

Thực tế, hầu hết mọi người không nhận ra rằng, trong cuộc sống, vấn đề không phải là bạn kiếm được bao nhiêu tiền mà là bạn giữ được bao nhiêu tiền và làm cho nó sinh sôi nảy nở như thế nào. Để có thể quản lý tiền bạc hiệu quả, cải thiện tình hình tài chính của bản thân, bạn cần nắm vững 3 nguyên tắc cơ bản sau đây.

Nguyên tắc 1: Phân biệt được tài sản và tiêu sản

Theo chuyên gia Robert Kiyosaki - tác giả cuốn sách nổi tiếng “Cha giàu, cha nghèo” định nghĩa: “Tiêu sản là những gì lấy tiền ra khỏi túi bạn”, còn  “Tài sản là những gì bỏ tiền vào túi bạn”.

Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng hầu hết mọi người không biết được sự khác nhau giữa một tài sản và tiêu sản. Chẳng hạn, các chứng khoán sinh lãi, các bất động sản cho thuê, các hàng hóa kinh doanh có lời… được coi là tài sản, vì chúng tạo ra lợi nhuận cho bạn, làm cho thu nhập của bạn tăng lên.

Trong khi đó, tiêu sản là những khoản vay nợ tín dụng để tiêu xài, các thiết bị tiêu tốn năng lượng chỉ nhằm mục đích giải trí như xe hơi, điện thoại di động đắt tiền, túi hiệu, quần áo đắt tiền… Vì chúng chỉ làm tăng chi phí cho bạn.

Nếu bạn muốn trở nên giàu có, hãy mua tài sản. Và ngược lại, nếu muốn trở nên nghèo đi, hãy mua tiêu sản.

Đa số chúng ta đốt tiền vào tiêu sản, trong khi người giàu chỉ mua tài sản: 3 nguyên tắc cơ bản để hướng tới cuộc sống chất lượng cao - Ảnh 1.

Hãy chi tiêu cho những giá trị xứng đáng. Ảnh minh họa: Internet

Nguyên tắc 2: Đừng dựa vào một nguồn thu nhập duy nhất

Trong thời buổi khủng hoảng kinh tế và lạm phát như hiện nay, bất cứ ai cũng nên đa dạng hóa nguồn thu nhập, dù bạn là sinh viên hay những người đã đi làm và có công việc hành chính ổn định. Khi sở hữu cả nguồn thu nhập chủ động và thụ động thì sức khỏe tài chính của bạn mới tốt dần lên.

Với thu nhập chủ động, đây là nguồn thu đến từ công việc toàn thời gian hoặc bán thời gian. Bạn đánh đổi thời gian và công sức ra để lấy tiền bạc, một cách công bằng và sòng phẳng. Còn với thu nhập thụ động, đây là những khoản lợi nhuận đến từ việc đầu tư như chứng khoán, bất động sản, kinh doanh…

Một nguồn thu nhập duy nhất sẽ giúp bạn sống sót, nhưng để sống khỏe, sống tốt thì bạn nên có nguồn thu nhập thứ hai, thứ ba... Khi một nguồn thu xảy ra vấn đề, thậm chí kể cả khi bạn thất nghiệp một cách đột ngột, các nguồn thu khác có thể bù đắp phần nào. Điều này đem lại sự an toàn cho tài chính cá nhân của bạn.

Đa số chúng ta đốt tiền vào tiêu sản, trong khi người giàu chỉ mua tài sản: 3 nguyên tắc cơ bản để hướng tới cuộc sống chất lượng cao - Ảnh 2.

Nguyên tắc 3: Thời gian là tiền bạc

Thời gian có ý nghĩa như thế nào mà được coi là “vàng bạc”? Muốn trả lời điều này, hãy hỏi những người chỉ còn thời gian được tính bằng ngày tháng, hỏi những vận động viên phân định thắng thua bằng kết quả thi đấu chỉ chênh lệch vài tích tắc…

Mỗi ngày, chúng ta ai ai cũng có 24 giờ. Thời gian về cơ bản là thứ công bằng nhất đối với mọi người. Người giàu, người nghèo hay người bình thường cũng chỉ có ngần ấy thời gian và tuyệt đối không có ai là ngoại lệ.

Nhưng dựa vào nguồn tài nguyên ngang bằng nhau, ai có thể tạo ra nhiều giá trị hơn chính là người thành công. Bí quyết làm giàu không nằm ở chỗ bạn tốn bao nhiêu thời gian để làm một công việc, mà ở chỗ bạn có thể làm bao nhiêu việc trong từng đó thời gian.

Người giàu luôn sẵn sàng bỏ tiền ra để “mua” thời gian. Họ chấp nhận mở hầu bao, chi tiền để thuê người giúp họ giải quyết, xử lý công việc. Bằng cách này, trong cùng một khoảng thời gian đó, họ có thể thực hiện nhiều việc khác nhau.

Hãy nhớ, tự làm mọi việc để tiết kiệm tiền là một sai lầm. Có rất nhiều công việc vô nghĩa không tên có thể khiến bạn vuột mất cơ hội làm giàu quý giá của mình.

Hãy nghĩ về niềm vui và thời gian chất lượng mà việc thuê người khác làm (hoặc mua các thiết bị gia dụng hỗ trợ như robot hút bụi, máy rửa bát, máy giặt sấy...) có thể mang lại cho bạn. Tất nhiên, đôi khi chúng ta không thể rút ngắn thời gian làm việc, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn sự lãng phí thời gian.

Tiết kiệm thời gian chính là tích lũy vàng bạc. Quản lý tốt thời gian chính là quản lý tốt tài chính của mình.

*Theo MD

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại