Bản thân cái tên của hai đội này, lại gặp nhau trong cảnh này đã là một cơn sốt, một trận cầu đinh của vòng đấu rồi. Nó giống với kiểu Gạch-Gỗ ngày nào khi còn ông Calisto và bầu Thắng.
Về lý thuyết thì Hà Nội trước vòng 23 đang nhất bảng, còn HA Gia Lai thì chật vật thoát trụ hạng có gì mà hấp dẫn. Tuy nhiên, sự hấp dẫn bởi kịch tính của trận đấu, sự khát khao thắng trận của mỗi đội và hơn hết là sự thể hiện của cầu thủ hai đội đại diện cho hai lò bóng đá dưới trướng hai ông bầu máu mê nhất nước.
Hãy nhìn những gương mặt của đội khách như Oseni, Samson, Văn Quyết, Quang Hải… đủ thấy được họ quyết tâm tìm một chiến thắng cao như thế nào. Bên cạnh đó, ở đội chủ nhà không khó nhìn ra những khát vọng, những nỗ lực tìm cho mình thương hiệu riêng của đội bóng vốn ba mùa này đang là "thương hiệu" riêng lôi kéo khán giả đến sân.
Tinh thần thi đấu, thái độ tích cực, niềm khát khao chiến thắng và sự tôn trọng khán giả là điều tiên quyết để lôi kéo khán giả đến sân.
Có thể V-League vào giai đoạn cuối có quá nhiều trận vô thưởng vô phạt của nhóm đã chắc suất trụ hạng nhưng nếu như cầu thủ các đội, các ban huấn luyện có suy nghĩ đá tà tà cũng trụ hạng hay đá cho đội này, đội kia vô địch còn mình làm chân gỗ với kiểu ứng xử xem thường khán giả thì chính họ đã "giết chết" mình, giết cái tên đội bóng và xa hơn là giết V-League.
Người hâm mộ đến sân xem bóng đá là để xem kịch tính, xem sự đối kháng cao độ, xem cầu thủ "cháy" hết mình với khát khao chiến thắng. Chưa hẳn người hâm mộ đến chỉ xem đội đá thắng và đá vô địch.
Quan trọng là cầu thủ trên sân phải khát khao chiến thắng và chứng minh sự khát khao đó qua cách thể hiện của mình. Làm được điều đó thôi nhất định V-League sẽ kéo khán giả đến sân trở lại.
Cứ đá như HA Gia Lai - Hà Nội chiều 27-10 thì bóng đá V-League sẽ phục sinh.