Ngày 6-5, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị chuyên đề về an toàn vệ sinh thực phẩm với sự tham gia của nhiều cơ quan, ban ngành cùng bàn phương án “tuyên chiến” với thực phẩm bẩn.
Theo Sở y tế, việc giám sát ô nhiễm sinh học và dư lượng các chất độc hại trong sản phẩm chăn nuôi đã được triển khai nhưng chưa đạt được hiệu quả mong muốn.
Thực trạng sản xuất rượu gạo chưa có giải pháp quản lý. Các loại rượu ngâm, rượu dân tộc... đang có xu hướng phổ cập tại các quán hàng bình dân nên khó bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.
Kiểm tra ô nhiễm sinh học và hóa chất, sở này còn phát hiện một số mẫu thực vật bị nhiễm Colifrom, E.Coli...
Trong năm tháng đầu năm, Sở Y tế thanh tra 94 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong đó có 91 (97%) cơ sở đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, phát hiện 3 (%) cơ sở vi phạm, đã xử phạt 3,6 triệu đồng.
Sau khi Sở Ytế đưa ra con số trên, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đặt ra nghi vấn. “Lâu nay người dân lo sợ thực phẩm bẩn. Tuy nhiên, khi kiểm tra thì tới 97% đạt chuẩn. Vậy đạt ở đây là đạt về giấy tờ hay đạt thực tế?”.
Ông Thơ nói tiếp, việc lập đoàn kiểm tra, thanh tra có đúng thực chất hay không? Hay mình đến đó rồi họ đưa cái gì ra thì mình kiểm tra cái đó.
Hay là báo trước để họ biết rồi mới xuống kiểm tra. Nếu Đà Nẵng mà đạt 97% an toàn thực phẩm thì tốt quá. Nhưng liệu con số này có vấn đề không?
Một số ý kiến cho rằng trong số 3% vi phạm này thì chủ yếu là do thủ tục, giấy phép lao động... Còn phát hiện ra các chất độc, chất cấm, dư lượng kháng sinh thì lại hầu như không đáng kể.
Mà việc xác định, tìm ra các chất này mới quan trọng.
Ông Thơ yêu cầu phải tăng gấp đôi số lần kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm. Đối với các cơ sở sản xuất, cung cấp sản phẩm đại trà (nhiều người dùng) thì phải kiểm tra kỹ. “Cách thức thanh tra nhanh gọn, không rườm rà.
Việc lấy mẫu kiểm tra phải bảo đảm không ảnh hưởng gì đến việc kinh doanh mua bán của người dân. Nếu làm vậy thì thực hiện cả ngàn cuộc thanh tra cũng được.
Làm chặt chẽ, chính xác thì mình mới tin tưởng vào thực phẩm” - ông Thơ nói. Tại cuộc họp, các ý kiến đều thống nhất trường hợp nếu phát hiện ra chất cấm thì phải truy ngược để tìm ra nguồn gốc.
Ai là người cung cấp, ai phân phối... Nếu là số lượng lớn thì phải xem xét xử lý.
"Sắp tới,TP Đà Nẵng sẽ xây dựng trang web về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu cơ sở sản xuất, chế biến nào vi phạm thì đưa lên đây.
Còn trường hợp tái phạm nhiều lần thì gửi thông báo đến các nhà hàng, khách sạn cảnh báo" - ông Thơ cho biết.
Ngoài ra, Đà Nẵng cũng sẽ xin Chính phủ cơ chế riêng về tăng nặng mức xử phạt hành chính để ngăn thực phẩm bẩn. Theo đó, nếu xét thấy trường hợp vi phạm nào bị xử phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe thì đề xuất để tăng nặng.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Phú Ban - Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng nêu lên thực trạng tréo ngoe khi không quản lý được hoạt động giết mổ, mua bán thịt chó. Đây là mặt hàng có nhiều người ăn nhưng chưa ai quản lý.
“Trong quy định, cơ quan thú y chỉ quản lý hoạt động giết mổ gà, vịt, trâu, bò... Nhưng luật không cho phép kiểm tra giết mổ chó và dê. Do đó, hai loại này không được đóng dấu kiểm soát giết mổ” - ông Ban nói.
Ông Thơ nói nếu phát hiện cơ sở thu gom, giết mổ chó thì cứ vào kiểm tra các khâu như: giấy phép kinh doanh, vệ sinh... “Nếu không ai làm, tôi ký lệnh xuống yêu cầu kiểm tra, tôi chịu trách nhiệm”.