Đà Nẵng: Gây ô nhiễm nghiêm trọng, hai nhà máy thép phải tạm ngừng sản xuất

HẢI CHÂU |

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh yêu cầu hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc phải tạm ngừng sản xuất và khẩn trương đầu tư công nghệ, thiết bị bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, trình các cơ quan liên quan thẩm định.

Trước tình hình người dân 2 thôn Vân Dương 1 và 2 (xã Hoà Liên, huyện Hoà Vang bao vây phản đối việc sản xuất của 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc , chiều 15/12, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh cùng lãnh đạo các Sở TN-MT, Xây dựng và chính quyền địa phương đã trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại với người dân 2 thôn này.

Đà Nẵng: Gây ô nhiễm nghiêm trọng, hai nhà máy thép phải tạm ngừng sản xuất - Ảnh 1.

Người dân hai thôn Vân Dương 1 và 2 bày tỏ bức xúc trước việc hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (Ảnh: HC)

Tại buổi đối thoại, nhiều người dân hai thôn Vân Dương 1 và 2 đã bày tỏ thái độ hết sức bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường do hai nhà máy thép gây ra trong quá trình sản xuất.

Theo đó, hai nhà máy thép này đi vào sản xuất từ năm 2007 đã gây ô nhiễm trầm trọng không chỉ tiếng ồn, khói bụi, mùi hôi mà còn xả nước thải, chất thải gây ô nhiễm nguồn nước khiến đời sống người dân xung quanh khu vực vô cùng khổ sở, nhiều người bị bệnh, cây cối bị chết, nhà cửa thiệt hại.

Đáng chú ý, Ban công tác mặt trận thôn Vân Dương 2 cho biết, từ khi có 2 nhà máy thép nêu trên thì số người bệnh và chết trong thôn ngày càng tăng, phần lớn số người chết là do ung thư...

Khi chưa có nhà máy, một năm chỉ có vài người chết do tuổi già nhưng năm 2015 có đến 12 người chết, trong đó có 7 người bị ung thư. Các bệnh khác về phổi, hô hấp, bệnh ngoài da ngày càng phổ biến, nhất là trẻ em.

Cây cối hoa màu người dân trồng bị hư hỏng; gia súc gia cầm, cá dưới đồng cũng bị chết. Nhà dân xung quanh đóng cửa suốt ngày vẫn không ngăn được khói bụi, tiếng ồn. Trong khi đó, con em trên địa bàn rất khó xin việc ở nhà máy.

Đời sống người dân ngày càng khó khăn chồng chất. Vì vậy đã xuất hiện một vài biểu hiện mất an ninh trật tự như trộm cắp vặt vì túng thiếu.

Gần đây, khu vực phía trước nhà máy đã cho đổ xỉ than, chất thải gây ngấm vào nguồn nước và do thời tiết mưa ẩm, không khí lại càng ô nhiễm khói bụi gây khó thở.

Nhiều người dân cũng đặt vấn đề, khu vực mà hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc đứng chân vốn được quy hoạch cho sản xuất công nghiệp nhẹ nhưng không hiểu sao 2 nhà máy này lại được cấp phép sản xuất ở đây? Không rõ đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường được thẩm định hay không?

Theo quy định, các nhà máy công nghiệp nặng phải cách khu dân cư tối thiểu 1.000m nhưng thực tế nhiều hộ dân chỉ cách hai nhà máy này vài chục mét.

Vì vậy, nhiều người dân đề nghị di dời 2 nhà máy này hoặc đền bù giải toả người dân đi nơi khác. Một số ý kiến khác đề nghị đóng cửa nhà máy vĩnh viễn và yêu cầu bồi thường thiệt hại vật chất cho người dân.

Đại diện Công ty CP thép Dana Ý, ông Huỳnh Văn Tân cho biết, ông cảm thấy có lỗi với bà con 2 thôn Vân Dương 1 và 2; đồng thời cho biết nhà máy sản xuất thép từ phế liệu chứ không phải quặng nên không có chất xyanua gây tác hại môi trường nước.

Công ty cũng đã đầu tư thiết bị hút bụi khí, giảm tiếng ồn nhưng mấy ngày qua mưa to, có thể do chập điện gây mùi khét, và do không khí ẩm nên khói bụi không thoát lên cao được.

Theo ông Huỳnh Văn Tân, trong thời gian tới, Công ty CP thép Dana Ý sẽ nghiên cứu đầu tư thêm về công nghệ thiết bị giảm thiểu ô nhiễm cho khu vực.

Về việc đổ chất thải phía ngoài nhà máy, ông Tân cho biết, do việc khai thác cát của người khác làm ảnh hưởng đến hàng rào nên ông đã cho đổ xỉ than để tường rào khỏi sụp đổ, gây nguy hiểm.

Chia sẻ với những khó khăn của người dân trong điều kiện ô nhiễm môi trường nặng nề, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh yêu cầu hay nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc phải khẩn trương đầu tư công nghệ, thiết bị để bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, trình các cơ quan liên quan thẩm định.

Trong thời gian chờ đầu tư nâng cấp, kiểm tra, kết luận của các cơ quan chức năng, tạm thời 2 nhà máy này phải ngừng sản xuất.

Ông cũng chỉ đạo UBND huyện Hòa Vang đứng ra thu dọn số xỉ sắt đổ bên ngoài nhà máy, vận chuyển ngay đến khu xử lý, đồng thời yêu cầu Cảnh sát môi trường vào cuộc điều tra, đơn vị nào chôn lấp số xỉ sắt này thì phải thanh toán lại tiền cho nhà nước.

Phần đất phía trước nhà máy thuộc đơn vị nào thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm quản lý, nếu để phát sinh tình trạng xả chất thải thì không cấp giấy phép xây dựng cho đến khi đơn vị xử lý xong môi trường.

Ông Hồ Kỳ Minh cũng giao Sở Xây dựng nghiên cứu đề xuất phương án di dời nhà máy; Sở TN-MT nghiên cứu phương án di dời người dân khỏi vùng ô nhiễm, cuối quý I năm 2017 phải hoàn thành, báo cáo UBND TP để trình Thành uỷ, HĐND TP quyết định.

Trong thời gian đó để đảm bảo an ninh trật tự, ông đề nghị người dân không bao vây nhà máy, gây cản trở hoặc có hành vi phá hoại tài sản nhà máy. Nếu có bức xức thì báo cho chính quyền xử lý ngay.

Trước mắt, ông Hồ Kỳ Minh yêu cầu Sở Xây dựng chỉ đạo trồng cây xanh cách ly nhà máy với khu dân cư (nhưng không xây tường) để giảm thiểu ô nhiễm; đồng thời tìm một đơn vị độc lập để thẩm định công nghệ cũng như làm các quan trắc, đánh giá môi trường khách quan, đồng thời với sự tham gia đại diện người dân thôn Vân Dương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại