Nhiều người cảm thấy "sốc" khi nhìn những hình ảnh ghi lại cảnh chợ đêm Đà Lạt hay trên các tuyến đường ở thành phố sương mù này sau khi những ngày nghỉ dịp giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch vừa kết thúc.
Chẳng phải là sự thơ mộng vốn có, cũng chẳng có cảnh đẹp bắt mắt... mà ập vào mắt người xem, phần lớn chỉ có... rác và rác.
Không chỉ khiến những thành viên quê ở Đà Lạt cảm thấy khó chịu, loạt ảnh ấy còn khiến cộng đồng mạng cảm thấy phẫn nộ.
"Tại sao có những hình ảnh quá xấu xí này? Phải chăng du khách đến và để lại rác nơi này?", "Không thể chối cãi là hiện nay có một bộ phận người trẻ hơi thiếu ý thức trong việc bảo vệ môi trường nơi công cộng. Những hình ảnh về Đà Lạt đầy rác là minh chứng rõ nét nhất"..., vô số bình luận trên mạng xã hội.
Nhiều ý kiến cho biết "thủ phạm" của mớ rác khổng lồ vương vãi này có không ít người là người trẻ.
Đường vào chợ đêm Đà Lạt hay là... đường rác?
Khắp nơi xung quanh chợ đêm Đà Lạt, đâu đâu cũng thấy rác
Nhiều người cảm thấy bức xúc cho biết chưa bao giờ thấy Đà Lạt nhiều rác như thế
Một Đà Lạt thơ mộng bỗng chốc trở nên xấu xí vì... rác quá nhiều. Rác do một bộ phận du khách quá thiếu ý thức trong việc bảo vệ môi trường
Người một bên và... rác một bên
Không chỉ có ở khuôn viên chợ đêm Đà Lạt, rác còn vương vãi tứ tung ở khắc các vỉa hè trên nhiều tuyến đường ở thành phố ngàn hoa này
Chai lọ, bao bì, vỏ hộp, ống hút... được vứt khắp nơi
Mặc dù đã hết sức cố gắng nhưng những công nhân vệ sinh không thể nào dọn dẹp nhanh chóng vì lượng rác quá nhiều
Thành phố sương mù, thành phố ngàn hoa, thành phố mộng mơ... giờ lại trở nên nổi tiếng sau một đêm bởi vì... tràn ngập rác
Câu chuyện này không phải là ngoại lệ. Nhiều du khách cũng phản ảnh tình trạng tương tự diễn ra ở nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác trong dịp nghỉ lễ này.
Trên nhiều Fan Page, Group ở Facebook, hình ảnh biển Vũng Tàu, biển Nha Trang, các khu du lịch ở Phan Thiết (Bình Thuận), Tuy Hòa (Phú Yên)... nhiều rác cũng xuất hiện khá nhiều.
Lượng du khách đổ về vui chơi, du lịch trong những ngày nghỉ lễ khá nhiều. Thế nhưng một bộ phận du khách lại chẳng đoái hoài tới ý thức bảo vệ môi trường, dẫn đến việc làm xấu đi hình ảnh của những nơi nổi tiếng về du lịch.Trước đó, vào những dịp lễ, tết, thì tình trạng này cũng đã diễn ra.
Vứt rác bừa bãi là tự hạ thấp uy tín và hình ảnh cá nhân
Theo thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), thì những hình ảnh không đẹp về Đà Lạt đầy rác này thêm một lần nữa khẳng định vấn đề ý thức bảo vệ môi trường và thói quen hành xử nơi công cộng của một bộ phận người trẻ còn quá kém. Vấn đề xả rác dường như trở thành căn bệnh trầm kha của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.
"Ý thức kém trong việc bảo vệ môi trường xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, có thể khái quát thành hai nhóm nguyên nhân.
Nguyên nhân bên trong đó là thực tế cho thấy nhiều bạn trẻ có suy nghĩ thiển cận luôn đặt trách nhiệm dọn dẹp, vệ sinh thuộc về nhân viên đô thị lên trên ý thức của một công dân, khiến trong xã hội tồn tại lượng lớn người vứt rác ngang nhiên. Chính nhận thức bảo vệ môi trường kém dẫn đến thái độ thiếu tích cực và hành vi kém văn minh.
Còn yếu tố bên ngoài, đó là một phần do ảnh hưởng từ gia đình dần hình thành thói quen không đúng ngay từ nhỏ tạo thành "lối mòn" trên não. Có thể do phương pháp giáo dục từ nhà trường vẫn còn đặt nặng về kiến thức.
Phần khác do môi trường xã hội khiến không ít bạn trẻ xuất hiện lối sống vị kỷ, thiếu suy nghĩ cho người khác dần dà bị tiêm nhiễm bởi hiện tượng vứt rác bừa bãi vẫn nhan nhãn diễn ra hằng ngày", thạc sĩ An phân tích.
Cũng theo chuyên gia tâm lý này, thì việc thiếu ý thức trong việc bảo vệ môi trường, vứt rác bừa bãi có thể dẫn đến nhiều hệ lụy.
"Dẫn đến nhiều hệ lụy cho chính mình, người khác và xã hội. Cụ thể, nếu bản thân cứ vứt rác bừa bãi thì sẽ hình thành thói quen xấu rất khó để từ bỏ, tự hạ thấp uy tín và hình ảnh cá nhân; khiến người khác khó chịu hoặc a dua theo hành vi thiếu văn hóa của mình.
Môi trường sống bị ảnh hưởng, xã hội bị cho là không trong sạch và mất đi hình ảnh một đất nước vốn tự hào là nghìn năm văn hiến".
Từ đó, ông An "hiến kế": "Để thay đổi thói quen không tốt là việc rất khó đòi hỏi mỗi cá nhân cần ý thức hơn về vấn nạn này và thay đổi từ những việc nhỏ nhất, có sự đấu tranh, lên tiếng trước hành vi xấu".