Đã làm đàn ông: Đừng làm trai tốt. Đừng để bị lấn lướt nữa. Phải quyết đoán lên!

Phương Thảo |

Trai Tốt tiếp cận cuộc sống và các mối quan hệ một cách bị động. Thay vì bảo vệ chính mình, họ để người khác lấn lướt mình. Họ dễ bị lợi dụng và có thói quen cố làm vừa lòng người ngoài. Trai Tốt gặp khó khăn với việc từ chối những lời đề nghị, kể cả những đề nghị rất vô lý. Họ thận trọng từng li từng tí. Khi muốn hoặc cần làm gì, họ không dám đòi hỏi vì không muốn làm phiền người khác.

Sếp nhiều lần gợi ý bạn đi làm ngày cuối tuần vào phút chót. Lần nào bạn cũng "Vâng ạ" dù đã lên kế hoạch với gia đình. Bạn phải vừa cắn răng chịu bực vừa làm báo cáo chiều thứ bảy.

Bạn gọi một món bít tết đắt tiền nhưng phục vụ bưng ra một phần đồ ăn nấu quá kỹ. Cậu ta hỏi "Anh thấy đồ ăn có vừa miệng không ạ?" và bạn trả lời "Rất ngon" trong khi hậm hực với mớ thịt cháy trên đĩa của mình.

Bạn muốn theo học một lớp Nhu thuật. Bạn chợt nghĩ ra vợ bạn sẽ giận ra mặt nếu bạn dành một hai tiếng mỗi tuần đến lớp nên bạn còn chẳng nói với cô ấy về ý tưởng này một lần nào.

Hàng xóm để chó sủa cả đêm làm bạn mất ngủ. Thay vì phàn nàn trực tiếp với hàng xóm, bạn nói xấu ông ấy trên Facebook của mình.

Nếu bạn thấy bóng dáng bản thân trong những tình huống kể trên, rất có thể bạn là một trong quân đoàn những người mắc "Hội chứng Trai Tốt" - tập hợp gồm tính cách, thái độ và đặc điểm hành vi được Tiến sỹ Robert Glover mô tả trong cuốn ''No more Mr.Nice Guy'' (tạm dịch: Tạm biệt nhé chàng trai tốt).

Trai Tốt tiếp cận cuộc sống và các mối quan hệ một cách bị động. Thay vì bảo vệ chính mình, họ để người khác lấn lướt mình. 

Họ dễ bị lợi dụng và có thói quen cố làm vừa lòng người ngoài. Trai Tốt gặp khó khăn với việc từ chối những lời đề nghị, kể cả những đề nghị rất vô lý. 

Họ thận trọng từng li từng tí. Khi muốn hoặc cần làm gì, họ không dám đòi hỏi vì không muốn làm phiền người khác. 

Trai Tốt cũng tránh xung đột như tránh tà. Họ cố trở nên hoà hợp với người khác thay vì đấu tranh cho bản thân.

Nhìn thoáng qua thì Trai Tốt như những ''vị thánh'' vậy. Họ có vẻ ngoài rộng lượng, linh hoạt và cực kỳ lịch sự. 

Nhưng nếu bạn nhìn sâu vào bên trong con người họ, bạn thường sẽ thấy một nội tâm bất lực, lo lắng và oán giận. 

Trai Tốt thường chìm đắm trong sự lo lắng vì giá trị bản thân của họ phụ thuộc vào sự chấp nhận của mọi người và họ luôn mong muốn được người ta yêu thích.

Họ tốn thời gian với việc tìm cách nói ''không''. Kể cả vậy, họ vẫn thường nói ''có'' với những lời đề nghị vì không biết cách từ chối. 

Họ không thể theo đuổi ước nguyện của mình vì quá bận tâm tới những những điều mà người khác nói họ nên làm.

Đã làm đàn ông: Đừng làm trai tốt. Đừng để bị lấn lướt nữa. Phải quyết đoán lên! - Ảnh 1.

Vì "dĩ hoà vi quý" là quan điểm sống của Trai Tốt, họ ít có khả năng kiểm soát cuộc sống của mình và hậu quả là họ rơi vào cảm giác bất lực, lười nhác và bế tắc. 

Họ cũng thường cảm thấy phẫn nộ và oán giận vì những nhu cầu họ không nói ra không được đáp ứng và có cảm giác mọi người luôn lợi dụng họ, dù chính họ để người khác làm vậy với mình.

Viễn cảnh tệ nhất có thể xảy ra là sự oán giận do bị lấn lướt tích tụ lâu ngày sẽ bùng phát bằng những cơn giận dữ và hành vi bạo lực không thể lường trước. Trai Tốt như núi lửa âm ỉ chực phun trào.

Vậy thì Trai Tốt nên làm gì? Làm thế nào để họ kiểm soát được cuộc sống của chính mình và thôi bị người khác lấn át?

Một số người nghĩ giải pháp của họ là chuyển sang một thái cực hoàn toàn trái ngược, từ thụ động sang hung hăng

Thay vì phục tùng một cách ngoan ngoãn, họ nghĩ mình cần chiến thắng trong mọi việc. Họ tìm cách đạt được mục đích bằng mọi giá.

Dù sự hung hăng có thể phù hợp với một số trường hợp cụ thể, đặc biệt khi cần đấu đá với bên ngoài, nhìn chung đây không phải cách giao tiếp và cư xử hiệu quả trong phần lớn các tình huống.

Trên thực tế thì giao tiếp hung hăng thường phản tác dụng vì nó dễ gây hấn với những người bạn đang cố kiểm soát và làm họ phật ý.

Không phải sự thụ động hay sự hung hăng, cách tiếp cận tốt nhất nằm đâu đó giữa hai điểm này. Chìa khoá của giao tiếp và hành vi nằm ở sự quyết đoán.

Quyết đoán: Sự giao nhau hoàn hảo giữa thụ động và hung hăng

Nói ngắn gọn, quyết đoán là một loại kỹ năng giao tiếp giúp bạn thể hiện một sự tự tin lành mạnh, bạn có thể tự bảo vệ bản thân và quyền lợi của mình trong khi tôn trọng quyền lợi của người khác. 

Khi bạn quyết đoán, bạn thẳng thắn và thành thật với mọi người. Bạn không vòng vo và không hy vọng người khác đọc được suy nghĩ của mình. 

Nếu có điều gì đó làm bạn phiền lòng, bạn nói ra; nếu bạn muốn hay cần gì đó, bạn yêu cầu nó. Bạn làm tất cả những việc này với thái độ bình tĩnh và khách quan.

Quyết đoán cũng có nghĩa bạn hiểu rằng, khi bạn yêu cầu hoặc đưa ra ý kiến, người khác có quyền từ chối hoặc không tán thành. Bạn không buồn hay tức giận vì chuyện đó. Bạn làm chủ được cảm xúc của mình.

Đã làm đàn ông: Đừng làm trai tốt. Đừng để bị lấn lướt nữa. Phải quyết đoán lên! - Ảnh 2.

Các bí quyết để trở nên quyết đoán hơn:

Hình thành lối tư duy quyết đoán

Theo kinh nghiệm của tôi, để trở nên quyết đoán hơn trước tiên bạn cần thay đổi tư duy của mình. Bạn phải loại bỏ những suy nghĩ hạn hẹp và thiếu đúng đắn đang kìm hãm bạn khỏi sự quyết đoán. Sau đây là một số gợi ý để xây dựng một lối tư duy lành mạnh.

Đặt ra ranh giới. Bước đầu tiên để mình không mãi là kẻ dễ bị lấn lướt là đặt ra những ranh giới. 

Ranh giới là những quy tắc và giới hạn một người tự đặt ra cho mình có tác dụng chỉ dẫn những người xung quanh biết cách ứng xử với anh ấy cho phù hợp. 

Người thụ động thường không có ranh giới nên người khác cứ lấn lướt họ hết lần này đến lần khác.

Chịu trách nhiệm với những vấn đề của chính mình. Trai Tốt đợi chờ người khác giải quyết hậu quả cho mình. Một người quyết đoán thì hiểu rằng anh ấy phải chịu trách nhiệm với những vấn đề của mình. 

Nếu bạn thấy có gì đó trong cuộc đời bạn cần được thay đổi, hãy hành động ngay. Nếu bạn không hài lòng với điều gì đó, hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất để thay đổi chúng.

Đừng hy vọng người khác sẽ hiểu điều bạn nghĩ. Trai Tốt hy vọng mọi người nhận ra nhu cầu của anh ấy mà không cần anh ấy phải nói ra. 

Trừ khi có một cuộc cách mạng lớn nổ ra, khoa học cho phép thần giao cách cảm hay trí óc có thể kết nối với nhau, việc đọc được suy nghĩ của người khác gần như bất khả thi trong tương lai gần. 

Vậy nên nếu bạn muốn gì, bạn phải nói ra. Nếu có điều gì làm bạn thấy phiền, hãy phàn nàn. Đừng cố chấp rằng mọi người phải biết mọi mong muốn và nhu cầu của bạn. Nó không hiển nhiên như bạn vẫn nghĩ đâu.

Nhớ rằng bạn không phải chịu trách nhiệm với cảm nhận của người khác. Người thụ động và người hung hăng có chung một vấn đề: họ đều nghĩ rằng mình có trách nhiệm với cảm nhận và hành vi của người khác, chỉ là cách họ hành động khác nhau.

Người hung hăng chịu trách nhiệm với hành vi và cảm nhận của người khác bằng cách thể hiện ý chí của mình thông qua những cưỡng ép về mặt thể chất, tinh thần và tình cảm.

Người thụ động chịu trách nhiệm với hành xử của người khác bằng cách gắn nguyện vọng của chính mình với nguyện vọng của người ta. 

Họ tin trách nhiệm của mình là làm người khác thấy vui lòng, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc họ luôn chìm đắm trong cảm giác thương thân.

Người quyết đoán ý thức được rằng họ không có trách nhiệm phải kiểm soát hay lo lắng về hành xử của người khác, họ chỉ cần tự chịu trách nhiệm với cảm nhận và hành vi của chính mình. 

Bạn không tưởng tượng được bạn sẽ trút bớt được bao nhiêu gánh nặng và căng thẳng nếu bạn hiểu được điều này đâu. 

Bạn sẽ không cần phải đứng ngồi không yên lo lắng liệu người ta có hài lòng với lựa chọn hay ý kiến của mình hay không nữa.

Bài viết không khuyên bạn trở thành một kẻ vô tâm vô ý không chút gì mảy may quan tâm tới cảm nhận, hoàn cảnh của người khác. 

Điều đáng nói là bạn không cần nghĩ quá mọi thứ lên và giữ ý đến độ không dám đưa ra bất kỳ yêu cầu, đề nghị hay tự bảo vệ giá trị của bản thân chỉ vì lo sợ làm phật ý người khác. 

Để họ tự quyết định có nên buồn hay tổn thương hay không. Đó là trách nhiệm của họ, không phải của bạn.

Đã làm đàn ông: Đừng làm trai tốt. Đừng để bị lấn lướt nữa. Phải quyết đoán lên! - Ảnh 3.

Quyết đoán cũng cần thời gian. Đừng nghĩ chỉ cần đọc bài viết này là bạn đã trở nên quyết đoán. Quyết đoán cần thời gian và rèn luyện. 

Cuộc sống có những ngày đẹp trời và những ngày không như ý. Việc của bạn là kiên định với những nỗ lực của mình, bạn sẽ nhận lại kết quả xứng đáng.

Quyết đoán trong hành động. Khi bạn đã định hình trong đầu mình cần làm gì, sau đây là cách thực hiện để bạn trở nên quyết đoán hơn.

Bắt đầu từ những điều đơn giản. Nếu như ý tưởng đứng lên bảo vệ chính mình hơi to tát và làm bạn lo lắng, hãy thử bắt đầu với những tình huống ít mạo hiểm hơn. 

Chẳng hạn khi bạn gọi bún nước nhưng nhân viên phục vụ lại mang ra bún trộn, hãy nói với họ ngay về nhầm lẫn này và đổi đồ. 

Nếu bạn có kế hoạch ra ngoài với vợ vào cuối tuần và đang băn khoăn chưa biết nên chọn nhà hàng nào để dùng bữa, đừng chỉ chăm chăm theo lời cô ấy, hãy đề xuất cả những nơi bạn muốn đi.

Khi bạn đã thoải mái với những tình huống ít rủi ro, hãy từ từ nâng mức độ rủi ro lên chút một.

Nói không. Trên hành trình đến với sự quyết đoán, "không" là người đồng hành tuyệt vời nhất. Hãy tập nói không nhiều hơn. 

Lời đề nghị của ai đó đang đe doạ những ranh giới bạn đã đặt ra? Từ chối. Lịch đã kín? Từ chối. Nhưng bạn không cần tỏ ra là một kẻ khó chịu khi từ chối ai đó. 

Việc kiên định từ chối trong khi vẫn lịch sự là hoàn toàn có thể. 

Lúc đầu, việc nói không có thể làm bạn lo lắng nhưng sau cùng bạn sẽ thấy việc này rất tốt, bạn được hoàn toàn tự do.

Khi bị bạn từ chối, một số người có thất vọng không? Chắc là có. Nhưng bạn hãy nhớ chỉ cần bạn bộc lộ nhu cầu của mình một cách lịch sự, bạn không phải chịu trách nhiệm với phản ứng của họ. Không việc gì phải thấy tội lỗi khi đối xử với bản thân mình cũng công bằng như người ta.

Đã làm đàn ông: Đừng làm trai tốt. Đừng để bị lấn lướt nữa. Phải quyết đoán lên! - Ảnh 4.

Trình bày ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề. Khi bạn quyết đoán, càng ít lời càng hiệu quả. Bạn hãy trình bày đề nghị, ý kiến của mình một cách ngắn gọn và thẳng thắn. 

Không cần trình bày lý do dài dòng hay dẫn chuyện quanh co, chỉ cần lịch sự nói lên ý chính.

Xưng "tôi". Khi bạn đề nghị ai đó hoặc thể hiện sự không tán thành, hãy xưng "tôi/mình/em". Thay vì nói "Anh chẳng có tí ý tứ nào. 

Anh không thấy cả ngày tôi làm việc vất vả hay sao mà còn giao cho tôi nhiều việc như thế?, hãy thử nói "Hôm nay em rất mệt. Em biết là anh đang cần gấp nhưng chắc phải mai em mới xong."

Đừng xin lỗi hay cảm thấy tội lỗi khi thể hiện nhu cầu, nguyện vọng, quyền lợi của mình. Trừ khi bạn đòi hỏi điều gì quá vô lý, bạn không cần cảm thấy có lỗi hay xấu hổ về việc trình bày nhu cầu, nguyện vọng của mình. 

Vậy nên đừng nói xin lỗi khi bạn đề nghị ai đó nữa. Bạn chỉ cần yêu cầu một cách lịch sự và xem đối phương phản hồi lại ra sao thôi.

Trai Tốt thường thấy cắn rứt khi thể hiện sự không hài lòng với những thứ họ phải bỏ tiền ra. Nếu nhà thầu không hoàn thành những công việc họ đã nhận làm, việc bắt họ sửa chữa là quyền của bạn. 

Việc này không liên quan đến phép lịch sự hay làm tổn thương đến cảm nhận của người ta – đây là công việc, công tư phải rạch ròi.

Tự tin trong ngôn ngữ cơ thể và tông giọng. Hãy tự tin khi đưa ra yêu cầu hay ý kiến. Đứng thẳng, hơi đưa người ra trước một chút, mỉm cười, giữ biểu cảm gương mặt một cách bình thường và nhìn vào mắt người đối diện. 

Hãy chắc bạn nói đủ rõ ràng và đủ lớn. Những người thụ động có xu hướng thì thầm, nói lí nhí khi trình bày ý kiến và nguyện vọng của mình và việc này chỉ gây khó chịu cho người đối diện.

Bạn không cần biện minh, giải thích cho ý kiến, lựa chọn của mình. Khi bạn đưa ra một quyết định hoặc ý kiến mà người khác không tán đồng, một cách để họ giành quyền kiểm soát bạn là yêu cầu bạn đưa ra biện minh cho lựa chọn, ý kiến, hành vi của mình. 

Nếu bạn không thể đưa ra những lý do thuyết phục (trong mắt người kia) bạn có thể sẽ phải tuân theo những gì họ muốn.

Trai Tốt với mong muốn làm mọi người đều vừa lòng cảm thấy mình có trách nhiệm phải giải trình cho từng lựa chọn của mình, ngay cả khi người ngoài không yêu cầu họ làm điều đó. 

Họ muốn chắc rằng mọi người ai cũng hài lòng với những lựa chọn của họ, điều này đồng nghĩa với việc xin phép để được sống một cuộc sống theo cách họ muốn.

Luyện tập. Hãy tưởng tượng ra tình huống bạn cần quyết đoán. Nghe thì có vẻ ngốc nghếch nhưng hãy luyện tập bạn sẽ nói những gì và nói thế nào trước gương. Việc này cũng có ích đấy.

Kiên định. Đôi khi bạn gặp phải tình huống bị từ chối ngay khi vừa mới đưa ra yêu cầu. Đừng chỉ giơ tay đầu hàng "Mình không thể làm gì khác. 

Ít nhất thì mình cũng đã thử". Nhiều khi để được đối xử công bằng, bạn cần kiên định một chút. Hãy giữ cho bản thân bình tĩnh những lúc như vậy.

Ví dụ, bạn gọi điện cho tổng đài chăm sóc khách hàng nhưng họ từ chối giải quyết cho bạn, hãy thử hỏi nói chuyện với quản lý. 

Hoặc bạn bị lùi chuyến bay, hãy thử hỏi về những phương án khác như đổi hãng hàng không để bạn có thể đến địa điểm cần đến đúng giờ.

Tuy nhiên cẩn thận đừng đòi hỏi người khác hết lần này đến lần khác cho đến khi họ mủi lòng và đáp ứng yêu cầu của bạn. Đó không phải kiên định mà là đeo bám làm người khác khó chịu.

Giữ thái độ đúng mực. Nếu ai đó không tán thành với lựa chọn, ý kiến, yêu cầu của bạn, đừng nổi giận hay tự ái. Hãy đưa ra một phản hồi mang tính xây dựng hoặc dừng lại không đôi co với người đó nữa.

Tuỳ tình huống để ứng xử. Một lỗi phổ biến đối với những người đang rèn luyện cho mình tính cách quyết đoán là lúc nào cũng khăng khăng với ý kiến của mình.

Quyết đoán cũng còn phụ thuộc vào hoàn cảnh và nội dung sự việc. Có những lúc quyết đoán lại không giải quyết được vấn đề mà trở nên hung hăng hay thụ động một chút lại là lựa chọn tốt hơn.

Đã làm đàn ông: Đừng làm trai tốt. Đừng để bị lấn lướt nữa. Phải quyết đoán lên! - Ảnh 5.

Ứng xử với những người đã quen với Ngài Ba Phải

Nếu bạn đã quá quen với việc bị lấn lướt, những người xung quanh bạn cũng có thể sẽ không ủng hộ những nỗ lực để trở nên quyết đoán hơn của bạn. 

Họ đã quen với việc bạn ba phải và họ thoải mái với mối quan hệ trong đó bạn luôn trong vai trò thụ động. 

Đừng giận dữ hay khó chịu khi người nhà, bạn bè và đồng nghiệp dò hỏi và cố cản trở cách tiếp cận cuộc sống mới mẻ đầy quyết đoán của bạn. 

Đó là phản ứng hoàn toàn bình thường. Mặc dù mới đầu việc quyết đoán đem lại một số hệ quả hơi khó chịu và khó xử, bạn và những người xung quanh sẽ cảm thấy khá hơn về lâu về dài.

Kết

Có những lúc bạn rất cần bộc lộ cảm xúc thực của mình, kể cả chỉ vì việc nhỏ như dọn rửa bát đĩa, lau nhà hay hoàn thành một bản báo cáo. 

Học cách nói lên suy nghĩ và quan trọng hơn là cách bạn tôn trọng sự hợp lý của những ý kiến và mong muốn đó sẽ giúp bạn trở thành một người đàn ông tự tin. 

Kết quả của hành động quyết đoán có thể là bạn đạt được đúng điều mình muốn, hoặc một sự thoả hiệp, hoặc một sự chối từ. 

Bất kể kết quả cuối cùng ra sao, sự quyết đoán cho thấy bạn biết cách làm chủ cuộc đời mình. Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt, học cách bày tỏ nguyện vọng của mình và biến sự quyết đoán trở thành một phần con người bạn.

Chúng ta luôn nhớ ra ngay lập tức người bạn quyết đoán trong số những người chúng ta quen biết. 

Chỉ cần có sự cố gắng và rèn luyện, bạn có thể trở thành một người đàn ông bạn bè luôn nhớ đến và tìm kiếm khi cần như vậy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại