Cánh chim đầu đàn của ngành kỹ thuật Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam hiện nay chính là nhà máy A32 nhờ được sở hữu "Dây chuyền công nghệ sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng máy bay Su-27 và sửa chữa cục bộ máy bay Su-30″.
Đây là cơ sở quan trọng bảo đảm lâu dài cho hoạt động hiệu quả, an toàn, có độ tin cậy cao của tiêm kích Su-27/30 và các thế hệ tiếp theo, đánh dấu sự phát triển của ngành kỹ thuật trong việc bảo quản, sửa chữa vũ khí, trang bị công nghệ cao, duy trì sức chiến đấu của quân đội.
Tiêm kích Su-27 được sửa chữa lớn tại nhà máy A32
Điều này càng có ý nghĩa hơn khi Việt Nam đang bị thiếu hụt máy bay chiến đấu sau khi "Én bạc" huyền thoại MiG-21 phải "nhận sổ hưu". Bên cạnh đó, Su-22 đang bị "quá tải", ngày càng trở nên lạc hậu trong môi trường chiến tranh hiện đại và cũng sắp đến lúc phải thay thế.
Tuy nhiên dễ nhận thấy rằng do chỉ có trong biên chế tổng cộng 11 chiếc Su-27 các phiên bản, sẽ là hơi dư thừa công suất đối với dây chuyền được đầu tư khoản kinh phí không hề nhỏ trên nếu đơn thuần phục vụ cho riêng số lượng đó.
Vì vậy, liệu Việt Nam có nên tính đến khả năng mua lại Su-27 cũ từ Đông Âu, sau đó tiến hành sửa chữa lớn, tiến tới tự nâng cấp (nếu đủ khả năng) để tăng cường sức mạnh và đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa không quân?
Tiêm kích Su-27UBM1 của Không quân Belarus
Hiện nay Nga và một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ khác như Ukraine, Belarus... vẫn còn niêm cất, bảo quản một lượng lớn tiêm kích Su-27, do đã có chiến đấu cơ hiện đại hơn hoặc gặp khó khăn về kinh tế mà họ không tiếp tục cho chúng hoạt động mặc dù vẫn còn dự trữ thời gian bay.
Nếu chúng ta quyết định mua lại các máy bay Su-27 trên (một số đã nâng cấp như Su-27UBM1 của Belarus có tính năng tương đương Su-30) chắc chắn giá bán sẽ ở mức rất "mềm", với năng lực tự sửa chữa lớn, đây sẽ là phương án khả thi để tăng nhanh số lượng chiến đấu cơ hiện đại.
Trong trường hợp cảm thấy chi phí duy trì hoạt động khó đáp ứng được quá nhiều tiêm kích hạng nặng, Việt Nam hoàn toàn có thể chỉ triển khai một phần vừa đủ với nhu cầu, số còn lại sau khi tăng hạn sẽ tiếp tục lưu kho để mang ra sử dụng khi có tình huống đặc biệt.
Cách làm trên thực chất cũng đang được áp dụng với các loại xe tăng, xe vận tải, súng, pháo, tàu xuồng... trong biên chế Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Do vậy, việc Việt Nam tiến hành mua gom Su-27 cũ từ Đông Âu sau khi đã hoàn toàn làm chủ công nghệ tăng hạn, sửa chữa lớn là phương án nên được đánh giá, cân nhắc để triển khai, nhất là khi đối thủ tiềm tàng của chúng ta đang sở hữu số lượng cực lớn máy bay tiêm kích hiện đại.