Cheat code (hay mã ăn gian) là một trong những thứ không xài thì thôi mà đã xài thì dễ... "nghiện". Với độ khó của các game ngày càng được gia tăng, việc thử thách qua màn với những game thủ "gà mờ" khiến họ mất quá nhiều thời gian, thậm chí dẫn đến chán nản.
Chính vì thế Cheat code ra đời như một xu thế tất yếu để búng tay, biến mọi level khó tan vào hư vô. Và chúng ta lại được trải nghiệm mọi bàn chơi một cách trọn vẹn.
Dưới đây là những mã ăn gian kinh điển một thời, nổi tiếng đến nỗi hầu như game thủ 8x 9x nào cũng thuộc nằm lòng còn hơn cả học bài trên lớp. Nếu không biết những mã ăn gian này, có lẽ bạn chơi game chưa đủ nhiều mà thôi.
Contra Code
Mã code kinh điển trong Contra.
Thực ra nên gọi là Konami Code vì đây là mã ăn gian có thể sử dụng được ở rất nhiều tựa game của hãng Konami. Tuy nhiên thời Contra quá nổi tiếng và thịnh hành, hàng triệu game thủ đã sử dụng code này và ưu ái lấy luôn tên của game để đặt cho dòng lệnh.
Để kích hoạt, người chơi cần ấn đủ các phím theo thứ tự, thần chú quá nổi tiếng một thời chính là: "Lên, lên, xuống, xuống, trái, phải, trái, phải, B, A và bấm Start" và ngay lập tức, số mạng trong Contra của người chơi sẽ gia tăng lên 30, quá thừa thãi để bạn có thể phá đảo tựa game này (tất nhiên là gà quá thì phải chịu :v)
Đoạn mã sau này được áp dụng trong rất nhiều các tựa game của hãng như: Dòng game Gradius, Castlevania, Metal Gear Solid, Silent và thậm chí là tựa game Half-Life 2 (Xbox 360) của Valve hay Quake 4 (Xbox 360) của id Software.
Half Life
Trong mod Counter Strike, bạn chỉ cần gõ Impluse 101 là lập tức max tiền.
Cộng đồng game thủ chúng ta không còn xa lạ gì với Half-Life, một tựa game đi sâu vào ký ức tuổi thơ. Nó đã từng thống trị các phòng LAN, Internet ngày xưa bởi các bản chế độ deathmatch hay bản mod Counter-Strike nổi tiếng.
Cũng chính vì thế, cheat code trong Half-Life cũng trở nên phổ biến không kém và chính là nền tảng đầu cho những tựa game sử dụng cheat code thông qua một bảng điều khiển (console developer) dành cho nhà phát triển. Kích hoạt bằng dấu "~" mặc định và nhập các đoạn mã vào.
Mã ăn gian trong Half-Life mà bất cứ người chơi nào cũng biết và thuộc nằm lòng chính là "impulse 101". Chỉ trong một nốt nhạc sẽ có đầy đủ vũ khí, giáp, máu và riêng ở bản mod Counter-Strike thì chúng sẽ giúp cho số tiền của người chơi lên maximum 16.000$.
Phương thức này vốn đã rất phổ biến cho các tựa game khác về sau, đơn cử như Call of Duty, The Elder Scrolls, Doom 3 và phần lớn các game sử dụng Unreal Engine và id Engine…
Doom
Doom là một trong những ông tổ của thể loại FPS (hành động góc nhìn thứ nhất) và là một trong những tựa game đặt nền móng cho thể loại game có số lượng người chơi thuộc hàng đông nhất hiện nay. Tuy nhiên, Doom còn là một trong những tựa game đầu tiên có những đoạn mã cheat code nổi tiếng nhất !
Dòng mã huyền thoại trong Doom.
Đoạn cheat code nổi tiếng nhất Doom chính là "iddqd", một đoạn mã khi người chơi chỉ gõ cứng trên bàn phím thì lập tức nhân vật sẽ bất tử máu. Ngoài ra, Doom còn có nhiều đoạn cheat code khác như "idkfa", giúp người chơi mở khóa toàn bộ súng ống, hồi đầy máu và đạn cho nhân vật.
Các đoạn cheat code của Doom được id Software thêm vào nhằm mục đích dành cho việc thử nghiệm tựa game của mình, và id Software cũng không hề khuyến khích người chơi sử dụng chúng vì sẽ làm mất độ thú vị của game.
Game chiến thuật
Giống với Half Life, các tựa game chiến thuật ngày xưa cũng đều có nhiều đoạn cheat và đặc nổi tiếng chính là Starcraft, Warcraft 3 hay Age of Empire, vốn đây là ba tựa game chiến thuật mặc định trong các quán net ngày xưa.
Ắt hẳn game thủ nào cũng sẽ nhớ đến dòng lệnh "Show me the money" của Starcraft hay "Greedisgood" của Warcraft… Có thể nói, những dòng lệnh cheat code này đã trở thành những bí kíp đáng nhớ mỗi khi game thủ gặp rắc rối về tài nguyên so với đối thủ AI máy!
Bá đạo nhất có lẽ là "Bigdaddy" trong game Đế Chế (AoE). Ở thời cổ đại, khi mà những vũ khí vẫn còn thô sơ và chưa có một chút gì sự can thiệp của máy móc, thì việc bạn triệu hồi một chiếc xe bắn tên lửa đời mới chắc chắn sẽ phá vỡ tất cả trật tự và cấu trúc kể trên.
Chiếc xe hủy diệt trong AOE 2
Chỉ với một chiếc xe Bigdaddy, bạn hoàn toàn có thể một mình chấp 7 máy hardest một cách dễ như lấy đồ trong túi vậy.
Chẳng có binh đoàn hay thứ vũ khí nào đủ sức ngăn chặn sức mạnh của một con Bigdaddy hạng nặng cả.
À thật ra thì, binh đoàn phù thủy có thể thu phục được Bigdaddy của bạn đấy.
Nhưng một khi đã biết cheat code này rồi, thì việc sẵn sàng biếu cho đối thủ từ 1-2 chiếc siêu xe cũng chẳng phải là vấn đề gì quá đâu. Nhìn chung, Bigdaddy thực sự quá bố đời như tên của nó vậy.
Grand Theft Auto V
Để chọn ra một game mà được mọi người sử dụng cheat code nhiều nhất, hẳn đó phải là Grand Theft Auto. Bạn nhập mã lấy xe xịn, được quyền sử dụng bất cứ loại súng nào có trong game, và trong một trường hợp còn là phá vỡ "vài" định luật vật lý.
Cheat code đã từng phát triển trong một thời gian dài, nhưng nó đã phần nào trở nên lỗi thời. Khi công nghệ ngày càng trở nên tiên tiến, khả năng gian lận trong trò chơi cũng giảm xuống. Thú vui khi thu thập cheat code và "phá game" đã biến mất, nhưng chúng ta chắc chắn sẽ nhớ về cái thời ngây ngô những vui nhộn đó.
Nếu muốn đổi gió, bạn cũng có thể nhập cheat code Flying Cars, và lập tức sẽ thấy một điều mới lạ.
Nhìn thôi đã thấy phê rồi nhỉ
Chiếc xe của người chơi sẽ mọc cánh và đưa bạn lên tới độ cao hàng ngàn mét, tha hồ ngắm nhìn thành phố từ trên không nhé. Tại đây, chẳng có tên cớm nào, cũng không có người dân đi bộ, hay phải để ý lúc lái xe nữa. Việc của bạn đơn giản là tận hưởng khung cảnh này mà thôi.