Con người để tìm được ý chung nhân dù không dễ nhưng cũng không hề khó. Bởi lẽ, mật độ dân số thế giới trung bình năm 2017 là 58 người/km2, cộng thêm hàng ti tỉ mối liên kết không tên hỗ trợ rất rất nhiều. Nhưng không phải loài sinh vật nào trên hành tinh này cũng may mắn như thế.
Dưới đáy đại dương kia có rất nhiều sinh vật cực kỳ hiếm. Chúng sống cả đời trong khung cảnh tối đen như mực, số lượng cực kỳ ít ỏi lại cách xa nhau đến hàng trăm kilomet. Vậy câu hỏi là: chúng làm như thế nào để đến được với nhau?
Đáp án là sự tiến hóa. Nếu như con người có thể dùng đủ mọi thể loại chiến lược cưa cẩm từ cách ăn mặc, mùi hương cơ thể, đến khả năng dàn xếp, tạo cơ hội... thì những sinh vật biển thuộc loại hiếm cũng tiến hóa để có được những khả năng đặc biệt nhằm thu hút và giữ chân bạn đời của mình.
Đầu tiên là pheromone - những chất được sản sinh trong cơ thể của một số loài, được sử dụng như một tín hiệu hóa học để nhận diện và giao tiếp giữa các cá thể trong một khoảng cách rất xa. Pheromone còn được mệnh danh là tình dược. Sâu dưới biển, cá mút đá, cá cần câu là hai ví dụ điển hình tiết pheromone vào nước để thu hút bạn tình kéo đến và hẹn hò.
Cá mút đá là một trong những sinh vật hút bạn tình nhờ pheromone
Một đặc điểm khác là khả năng phát quang sinh học - bioluminescence. Đặc điểm này được tìm thấy ở rất nhiều loài sinh vật như sứa, các loài cá mập cho đến hơn 1000 loài cá khác.
Bioluminescence là sự tạo và phát xạ ánh sáng bởi một số loài sinh vật sống, với một số màu điển hình như vàng, xanh lục, xanh dương. Rõ ràng, có được ánh sáng trong khung cảnh tối tăm thì việc thu hút bạn đời sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn.
Nhiều sinh vật có tỉ lệ gặp nhau giữa các cá thể khác giới là rất hiếm, vậy nên, chúng sẽ đẻ trứng hoặc phóng tinh trùng vào nước. Đây là một hình thức thụ tinh ngoài - tinh trùng hoặc trứng của chúng có sức sống bền bỉ trong một thời gian khá dài để chờ các cá thể khác đi qua và thụ tinh.
Việc này thường gắn với các yếu tố về môi trường như nhiệt độ, thủy triều, sự thay đổi mùa... Tỉ lệ thụ tinh phụ thuộc lớn vào sự di chuyển của tinh trùng trong nước và khả năng thụ tinh vào trứng. Một số loài cá còn xây tổ tại một vị trí đặc biệt trước khi đẻ trứng vào đó - nơi được cho là gần khu vực con đực hay qua lại, làm tăng khả năng trứng được thụ tinh.
Cá hề có khả năng thay đổi giới tính
Trong hệ sinh thái còn có hình thức thay đổi giới tính - gần với khái niệm lưỡng tính. Khi số lượng cá thể đực thấp, một số con cái cùng loài sẽ chuyển thành đực.
Khả năng này được tìm thấy ở cá Wrasse. Ngược lại, cá hề (trong Đi tìm Nemo ấy) lại có thể thay đổi giới tính từ đực sang cái khi số cá cái quá ít.
Dự trữ tinh trùng ở loài rùa biển cũng là một phương thức sinh sản đặc biệt, mang tên "trinh nữ sinh con". Sở dĩ có cái tên này là vì khoa học nhận ra một số loài rùa dù không giao phối trong thời gian dài vẫn có thể đẻ trứng và ấp trứng.
Nguyên do đến từ việc khi hai cá thể giao phối nhưng điều kiện ngoại cảnh không thuận lợi, tinh trùng sẽ được giữ lại không cho thụ tinh. Chúng sẽ đợi cho đến khi điều kiện bên ngoài thuận lợi nhất để trứng và con non phát triển.
Cá mập cũng có khả năng dự trữ tinh trùng giống như rùa biển
Cá cần câu đực còn sống theo kiểu nhờ vả con cái – gọi là kí sinh. Chúng gắn mình lên thân con cái, mất hoàn toàn ý thức và kiểm soát, sống nhờ vào máu cũng như chất dinh dưỡng trong cơ thể con cái. Việc này nhằm mục đích là đưa tinh trùng trực tiếp vào trứng, giúp tỉ lệ thụ tinh cao hơn.
Dưới sâu đại dương bí ẩn và khó định như thế, nhưng vẫn có những sinh vật có những tập tính riêng để duy trì nòi giống đầy sáng tạo. Đúng là "Life finds a way" (tạm dịch: cuộc sống luôn thúc đẩy ta tìm cách tồn tại và sinh sôi).
Tham khảo: Science ABC