Giới quan sát đánh giá, Ukraine và NATO cần sớm tìm kiếm thỏa thuận với Nga, không nên chần chừ thêm vì càng chần chừ sẽ càng thiệt hại và rơi vào thế bất lợi.
Lính cứu hỏa dập lửa tại hải cảng Odessa sau một cuộc tấn công của Nga. Ảnh: Chính quyền tỉnh Odessa.
Lợi ích to lớn nếu tìm giải pháp ngoại giao
Cụ thể, nếu Ukraine mở các cuộc đàm phán ngoại giao với Nga hôm nay, họ sẽ có khả năng cao giữ được toàn bộ sự kiểm soát đối với 5 thành phố quan trọng nhất của mình, đó là Kharkov, Kiev, Dnipro, Odessa và Lviv, đồng thời duy trì được lực lượng quân đội tồn tại và phát triển.
Ngoài ra, nếu đạt được một dàn xếp hòa bình, Ukraine sẽ tiếp tục sản xuất được lượng lớn sản phẩm nông nghiệp, cho cả xuất khẩu, tăng thêm thu nhập quốc gia.
Bên cạnh đó, nhiều công dân Ukraine đang tị nạn ở nước ngoài sẽ hồi hương.
Tất cả các yếu tố tích cực trên sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ cơ sở hạ tầng của Ukraine còn duy trì được sau dàn xếp.
Xung đột vũ trang mà kéo dài hơn thì sẽ có thêm nhiều cơ sở trọng yếu trong ngành công nghiệp của Ukraine bị tàn phá, cơ hội các kiều dân Ukraine trở về nước sẽ thấp hơn. Nhiều lao động lành nghề hàng đầu của Ukraine sẽ tìm việc ở đất nước khác, hội nhập vào cộng đồng dân cư bản địa thay vì trở về Ukraine.
Xung đột quân sự mà tiếp diễn thì Ukraine sẽ khó lòng kiểm soát chắc chắn các thành phố trọng yếu, giữ thống nhất lực lượng vũ trang, và khôi phục kinh tế, đồng thời gặp khó khăn trong duy trì một chính phủ độc lập.
Hiện Ukraine không thể dựa mãi vào sự viện trợ của phương Tây. Không có gì chắc hàng tỷ USD hứa hẹn dùng cho tái thiết sẽ thực sự đến được Ukraine. Trong bối cảnh kinh tế nhiều nước phương Tây suy thoái, ngân sách thắt chặt, nếu xung đột tiếp diễn, thì chi phí tái thiết chắc chắn sẽ tăng lên rất cao và và hoạt động này sẽ mất hàng thập kỷ để hoàn thành.
Tất cả những dự báo trên về tình cảnh Ukraine trong ngắn hạn và dài hạn đều dựa trên các kết quả chiến sự hiện nay, những kết quả rất tiêu cực đối với Ukraine.
Các thách thức nhãn tiền nhiều u ám
Thực tế là ngày nay, Ukraine hoàn toàn dựa vào viện trợ nước ngoài để duy trì khả năng chiến đấu và chi trả cho nhân viên nhà nước, bù trừ các chi phí xã hội. Ngay cả khi có các viện trợ đó, quân đội Ukraine vẫn đối mặt các vấn đề to lớn mà họ chưa giải quyết được.
Các vấn đề trên bao gồm nhân lực giảm (cũng như vấn đề thay thế quân cho lực lượng tiền tuyến), việc thiếu sức mạnh không quân (số lượng nhỏ các máy bay F-16 khó lòng giải quyết được vấn đề này), lực lượng Nga ngày càng cải thiện năng lực và được trang bị vũ khí hiện đại, hạ tầng của Ukraine bị tấn công đều đặn bằng tên lửa tầm xa của Nga, và UAV, bom FAB cũng của Nga.
Quân đội Ukraine vẫn đang tỏ ra yếu thế trước các cuộc tấn công đó. Và trong lúc ấy, các nhà tài trợ cho Ukraine đang cạn kiệt nguồn cung.
Vấn đề cung cấp cho Ukraine đặt ra nhiều vấn đề. Thứ nhất, năng lực quốc phòng của các nước NATO đã bị suy yếu nghiêm trọng do chuyển giao vũ khí cho Ukraine.
Thứ hai, các nước viện trợ vũ khí cho Ukraine không thể tham chiến trên danh nghĩa Ukraine. Lý do là nếu làm vậy, sẽ có nguy cơ nổ ra chiến tranh trên toàn châu Âu, còn bản thân các nước đó không muốn tham chiến trên bộ ngoài biên giới của họ.
Ngay cả trước khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine, RAND và các tổ chức nghiên cứu khác cũng như các kịch bản mô phỏng giả định của Lầu Năm Góc chỉ ra rằng việc bảo vệ châu Âu trước một cuộc tấn công của Nga là điều khó khăn và có thể thất bại. Thực tế bây giờ, khối quân sự NATO đã cạn kiệt đạn dược, nghĩa là tình thế có thể còn tệ hơn thế nhiều.
Thứ ba, xung đột Ukraine đang làm tổn hại uy tín của NATO trên toàn cầu, nhất là khi một số công nghệ được đánh giá là tiên tiến nhất của phương Tây, thường được quảng bá là có năng lực "thay đổi cuộc chơi" đã không tạo ra được những đòn đánh mạnh để thay đổi kết quả của xung đột.
Cuối cùng, tổn phí và kết quả của xung đột Ukraine đang làm tổn hại năng lực của Mỹ trong việc bảo đảm ổn định cả khu vực Trung Đông lẫn Đông Thái Bình Dương.