Họ cho rằng, những nỗ lực dài hạn nhằm phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên hiện nay được xem là không thực tế do Bình Nhưỡng tiến nhanh trong việc phát triển năng lực hạt nhân.
Thay vào đó, đòi hỏi ngày càng tăng đối với Bắc Kinh và Washington là phải làm việc để đảm bảo rằng Triều Tiên sẽ không sử dụng thứ vũ khí mà lãnh đạo Kim Jong-un cho là cần thiết đối với sự sống còn của chính quyền.
Học giả Jie Dalei, khoa nghiên cứu quốc tế, đại học Bắc Kinh nhận định: "Triều Tiên có vũ trang hạt nhân không phải là sự kết thúc của thế giới. Trung Quốc từ lâu tuyên bố rằng phi hạt nhân hoá, hòa bình và ổn định là hai mục tiêu chính sách lớn của CHDCND Triều Tiên. Nhưng khi hai mục tiêu không thể cùng tồn tại, đã đến lúc xem lại chiến lược."
Ông Jie nói thêm, mặc dù Trung Quốc và Mỹ không nên công nhận Triều Tiên như là một nhà nước hạt nhân hợp pháp, nhưng đã đến lúc phải thay đổi hướng tập trung vào việc ngăn chặn.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice cũng đã tranh luận vấn đề trên tờ The New York Times tuần trước rằng, Mỹ có thể dung thứ cho vấn đề vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên giống như cách họ đã khoan nhượng vũ khí hạt nhân ở Liên Xô trong thời chiến tranh lạnh.
Tất nhiên, đề nghị này của bà Rice bị người kế nhiệm bác bỏ. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ hiện nay, ông H.R. McMaster nói: "Tôi nghĩ lý do bà ấy đưa ra không đúng. Sự khoan dung tương tự không thể áp dụng cho chế độ có thể đe dọa trực tiếp tới Mỹ với vũ khí hủy diệt hàng loạt ".
Mặc dù vậy, các chuyên gia Mỹ và Trung Quốc đều cho rằng, đã đến lúc Washington và Bình Nhưỡng kết thúc cuộc khẩu chiến và trở lại bàn đàm phán.
Ông Arthur Waldron, giáo sư về quan hệ quốc tế, Đại học Pennsylvania cho rằng: "Triều Tiên có diện tích 48.000 dặm vuông, tương đương diện tích của Anh hay Pennsylvania, nhưng mọi thứ đều ngầm nên không thể xác minh phi hạt nhân hóa. Do đó,về mặt ngoại giao, Mỹ nên công nhận Triều Tiên"
Học giả Wu Xinbo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải cũng đồng ý rằng Mỹ nên chấp nhận Triều Tiên sở hữu hạt nhân và tập trung buộc Bình Nhưỡng đóng băng chương trình phát triển của mình.
Ông nói: "Mỹ nên chấp nhận Triều Tiên dựa trên thực tế mới này và từ bỏ mục tiêu lật đổ chế độ Triều Tiên. Mặc dù cách tiếp cận mới này có tính rủi ro cao nhưng nó cũng là lựa chọn thiết thực nhất."
Ông Wu cũng nói thêm rằng, khi Washington có mục tiêu cuối cùng là lật đổ chế độ ở Triều Tiên thì đó sẽ là một nguyên nhân khiến Trung Quốc không muốn gây áp lực lên Triều Tiên.
Đề xuất "đình chỉ đôi" của Ngoại trưởng Vương Nghị vừa qua cũng cho thấy điều này. Đề xuất này kêu gọi Triều Tiên đình chỉ các hoạt động hạt nhân và tên lửa để đổi lấy việc đình chỉ các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn.
Theo ông Yue Gang, một đại tá về hưu thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Bắc Kinh đã lặng lẽ chuyển các mục tiêu chính sách của mình đối với Bình Nhưỡng.
Ông Yue nói: "Đã có một sự thay đổi tinh tế trong chính sách của Trung Quốc đối với Triều Tiên. Về ngoại giao, chính sách này đã duy trì được mục tiêu phi hạt nhân hoá, nhưng ở cấp độ hoạt động, nó đang dần chấp nhận và điều chỉnh cho phù hợp với thực tế mới này".
Ông Yue nói rằng, thay vì đẩy Bình Nhưỡng đến bờ vực, Washington nên ký một hiệp định hòa bình thay thế cho hiệp định đình chiến năm 1953. Học giả này cho rằng sự thù hận của Bình Nhưỡng là do cảm giác thiếu an toàn mà một hiệp định hòa bình có thể mang lại.