Tại những vùng nước nguy hiểm hoặc nhạy cảm như rạn san hô hay vùng nhiễm độc, thợ lặn gặp rất nhiều áp lực khi làm việc, dẫn đến hiệu quả công việc giảm sút.
Để tránh những nguy hiểm đe dọa đến tính mạng của con người trong những điều kiện khắc nghiệt như vậy, người máy là một giải pháp khả thi.
Theo một dự án hợp tác giữa Đại học Stanford và một công ty của Pháp, các nhà nghiên cứu đã chế tạo thành công OceanOne. Nó là một người máy chuyên đảm nhận nhiệm vụ lặn biển.
Người máy OceanOne.
Ban đầu nó được thiết kế theo ý tưởng của Đại học KAUST, Ả rập, với mục tiêu quản lý rạn san hô tại Biển đỏ. GS. Christian Voolstra tại KAUST cho biết, những người máy dưới nước hiện nay khá thô kệch.
Sử dụng chúng tại những vùng rạn san hô quý hiếm là rất mạo hiểm. Vì thế họ đã hợp tác với Đại học Standford để tạo ra OceanOne.
Thiết kế của OceanOne.
OceanOne có kích thước nhỏ gọn, tương đương con người. Với khả năng lặn sâu đến 2000m, nó còn có khả năng cân bằng rất tốt nhờ tám động cơ đẩy. Cánh tay máy có cảm biến lực và ngón tay với cảm biến phản hồi giúp tăng độ chính xác của người máy.
OceanOne được thiết kế theo hình dáng và hoạt động như con người. Điều này giúp việc điều khiển nó khá dễ dàng.
Nhiệm vụ đầu tiên của OceanOne là khám phá một tàu đắm ngoài khơi nước Pháp tại độ sâu 100m. Tại độ sâu này, thợ lặn không thể làm việc bình thường. Nếu không được trang bị tốt và đào tạo chuyên sâu, họ có thể chết bất cứ lúc nào.
Cùng làm việc với thợ lặn.
Sau khi thử nghiệm thành công, người máy sẽ được sử dụng cho công tác khảo cổ và quản lý rạn san hô. Trong tương lai, OceanOne sẽ làm việc theo nhóm và có tự động hóa cao hơn.
Theo Spectrum