Ngộp thở vì tay chân miệng
Mấy ngày qua số bệnh nhi nhập viện vì bệnh tay chân miệng gia tăng đột biến tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Cho đến nay, đã có tới 6 trẻ bị tử vong rải rác ở các tỉnh phí nam do bệnh tay chân miệng.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Khoa Nhiễm – Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, trong 3 tuần trở lại đây, số ca mắc đã tăng gấp 5 lần so với thời gian trước. Hiện nay, trong khoa đang điều trị khoảng 180 bé, trong đó có 25 – 30 trường hợp bị nặng, 10 trường hợp phải thở máy, 4 -5 ca phải lọc máu và đã có một trường hợp tử vong.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, trong tháng 8 đã tiếp nhận 425 ca bệnh bị tay chân miệng, tăng gấp đôi so với tháng 7. Riêng từ đầu tháng 9 đến nay, số lượt bệnh nhi mắc tay chân miệng đến khám ngoại trú đã lên đến hơn 6.900 lượt, số ca nội trú điều trị là 664 lượt.
Nhiều bệnh nhi nặng phải cấp cứu vì tay chân miệng
Bác sĩ Khanh chia sẻ về những áp lực của bác sĩ mùa chống dịch. Dịch tay chân miệng năm nay khiến cho khoa nơi ông làm việc trở nên "te tua, tơi tả" và sự thật với gần 200 ca bị tay chân miệng và nhiều ca nặng như thế nên bác sĩ và nhân viên y tế cũng cảm thấy ngộp thở.
Những dấu hiệu tay chân miệng cần nhớ
Đến thời điểm hiện tại, đã có 5 tỉnh thành có trẻ tử vong vì tay chân miệng bao gồm Tây Ninh, Bến Tre, Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai, trong đó Tây Ninh có 2 ca. Trẻ đều nhiễm chủng Enterovirus 71, cũng là chủng nguy hiểm nhất của tay chân miệng tính đến thời điểm hiện tại. Enterovirus 71 từng là nguyên nhân gây ra hơn 100 ca tử vong của mùa dịch năm 2011.
Theo bác sĩ Khanh, Entorovirus 71 là chủng virus có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao và gây nhiều biến chứng nặng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh.
Những dấu hiệu của tây chân miệng
Năm 2011, chủng virus này từng khiến nhiều trẻ ở khắp cả nước nhập viện. 5 năm trở lại đây ít dần đi, nhưng năm nay bỗng xuất hiện trở lại. Trẻ nhập viện vì tay chân miệng có ở hầu hết các tỉnh thành, từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai tới Bến Tre, Tiền Giang...
BS Hữu Khanh cảnh báo, ngoài các biểu hiện nổi mẩn, bóng nước ở tay chân và trong niêm mạc miệng. Trẻ mắc tay chân miệng thường giật mình trong lúc thiu thiu ngủ, nếu tần suất trẻ giật mình trên 2 lần trong 30 phút kèm sốt cao.
Trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt paracetamol. Lúc này do các quá trình đáp ứng viêm rất mạnh trong cơ thể, gây nên tình trạng nhiễm độc thần kinh.
Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ thường giải thích là do bé có các nốt đau miệng nhưng thực tế không phải vậy. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.
Bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin phòng bệnh, bác sĩ Khanh cho biết, chỉ có cách dự phòng bằng vệ sinh sạch sẽ. Nhất là những tháng mùa tựu trường, bác sĩ khuyên người trông giữ trẻ và trẻ cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước sạch; thường xuyên vệ sinh nơi trẻ vui chơi, vệ sinh đồ chơi của trẻ bằng nước xà phòng hoặc nước khử khuẩn.
Mỗi gia đình nên thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống hay đồ chơi chưa được khử trùng.