Thống kê từ báo cáo tài chính của các ngân hàng Việt Nam quý 3 cho thấy, tại ngày 30/9/2022 đã có 5 ngân hàng thương mại ghi nhận vốn chủ sở hữu đạt trên 100.000 tỷ đồng.
Cụ thể, Vietcombank đang là ngân hàng có vốn chủ sở hữu cao nhất hệ thống, đạt hơn 128 nghìn tỷ đồng, tăng thêm hơn 19.200 tỷ (17,6%) so với đầu năm. Trước đó, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên có vốn chủ sở hữu vượt mốc 100 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2021.
Hiện vốn điều lệ của Vietcombank ở mức 47.325 tỷ đồng, tăng hơn 10 nghìn tỷ đồng so với đầu năm. Lợi nhuận chưa phân phối đạt hơn 57.700 tỷ đồng.
Đứng thứ 2 trong danh sách là Techcombank. Vốn chủ sở hữu của nhà băng này vượt mốc 100.000 tỷ đồng vào cuối quý 2 vừa qua và tiếp tục tăng lên gần 110 nghìn tỷ đồng vào cuối quý 3/2022. Trong 9 tháng đầu năm, vốn chủ sở hữu của Techcombank tăng thêm hơn 16.800 tỷ đồng.
Hiện vốn điều lệ của Techcombank ở mức 35.172 tỷ đồng. Lợi nhuận chưa phân phối lên tới 64.059 tỷ đồng, cao nhất trong các ngân hàng thương mại tại Việt Nam.
Ngoài 2 ngân hàng trên, “câu lạc bộ” vốn chủ sở hữu trên 100.000 tỷ đồng vừa ghi nhận thêm 3 thành viên mới trong quý 3 là VPBank, VietinBank và BIDV.
Theo báo cáo tài chính quý 3 vừa phát hành, VietinBank ghi nhận vốn chủ sở hữu hợp nhất đạt hơn 106 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3% so với cuối năm 2021, trở thành 1 trong 3 ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất hệ thống. Vốn điều lệ VietinBank đạt 48.057 tỷ đồng. Lợi nhuận chưa phân phối gần 34.000 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh khả quan đã giúp vốn chủ sở hữu của VietinBank tiếp tục dày lên. 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt 15.764 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ.
Tương tự, VPBank cũng vượt mốc 100.000 tỷ đồng về vốn chủ sở hữu vào cuối quý 3 này, đạt 102,36 nghìn tỷ đồng, tăng 18,6% so với cuối năm 2021. Trong cơ cấu vốn chủ sở hữu của VPBank, vốn điều lệ đạt 45.056 tỷ đồng vào cuối quý 3/2022. Dự kiến trong tháng 11, sau khi hoàn tất việc phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức, vốn điều lệ của VPBank sẽ tăng lên 67 nghìn tỷ đồng, đưa VPBank vào hàng ngũ những ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
Lợi nhuận chưa phân phối của VPBank hiện đạt hơn 38.375 tỷ đồng, tăng 71% so với đầu năm. Ngân hàng có kết quả kinh doanh tích cực trong năm nay, với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 19.800 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngân hàng thứ 5 gia nhập “câu lạc bộ” này là BIDV. Vốn chủ sở hữu của ngân hàng đã tăng 16,9% trong 9 tháng đầu năm lên 100.925 tỷ đồng. Hiện BIDV có vốn điều lệ cao nhất hệ thống với 50.585 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối ở mức 20.593 tỷ.
Trong quý 3 vừa qua, BIDV báo lãi trước thuế đạt 6.673 tỷ đồng, gấp 2,5 lần quý 3/2021. Theo đó, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt hơn 17.676 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ.
“Câu lạc bộ” vốn chủ sở hữu trên 100.000 tỷ này có thể sẽ khó ghi nhận thêm những thành viên mới trong thời gian ngắn. Bởi khoảng cách giữa 5 ngân hàng trên và ngân hàng đứng thứ 6 về vốn chủ sở hữu hiện nay còn khá xa.
Hiện MB đứng thứ 6 về vốn chủ sở hữu trong các ngân hàng cổ phần, đạt 75.909 tỷ đồng vào cuối quý 3/2022, tăng 21,5% so với đầu năm. Nếu duy trì tốc độ này, MB có thể phải mất thêm khoảng 5 quý nữa mới cán mốc 100.000 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu là một trong những con số quan trọng để đánh giá tiềm lực tài chính của các ngân hàng. Nguồn vốn càng dồi dào thì sức mạnh của ngân hàng ngày càng được củng cố, đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn hoạt động và trở thành bệ đỡ để ngân hàng mở rộng quy mô, thực hiện các chiến lược kinh doanh trong tương lai. Trong những năm gần đây, các ngân hàng thường tìm cách giữ lại lợi nhuận, củng cố vốn chủ sở hữu bằng cách chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.